Vì sao phải cải tạo hồ Hoàn Kiếm?

Dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm sẽ giúp bảo tồn và phát huy tối đa giá trị di sản văn hoá. Ảnh: Mạnh Thắng.
Dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm sẽ giúp bảo tồn và phát huy tối đa giá trị di sản văn hoá. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Để bảo tồn và gia tăng giá trị cụm di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm - trái tim của không gian đi bộ, là điểm kết nối quan trọng với không gian phố cổ, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư dự án chỉnh trang di tích Quốc gia đặc biệt này. Dự án đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Xây dựng và các đơn vị chuyên ngành quy hoạch và kiến trúc.

100% người dân được hỏi đồng thuận

Sau thành công của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã giao quận Hoàn Kiếm phối hợp với Cty AREP Ville (Pháp) là đơn vị tư vấn cho dự án.

Thực ra, việc chỉnh trang và cải tạo cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được thành phố Hà Nội đặt ra từ trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ Hoàn Kiếm được thành phố Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách quận chào mừng Đại lễ. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều luồng dư luận nên UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng, đồng thời yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của người dân về dự án. Năm 2012, UBND quận Hoàn Kiếm đã có báo cáo thành phố về việc tiếp tục triển khai dự án và được thành phố chấp thuận về nguyên tắc. Nhưng thời điểm này (2012), quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các sở, ngành thành phố nghiên cứu một số đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị liên quan đến khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm nên dự án chưa tiếp tục triển khai.

Năm 2015, quận Hoàn Kiếm tái khởi động lại dự án chỉnh trang cảnh quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm bằng văn bản đề xuất lên UBND thành phố. Thực trạng hạ tầng khu vực hồ Hoàn Kiếm như hè, đường dạo, thoát nước, kè xung quanh hồ tiếp tục xuống cấp, vật liệu lát hè không đồng nhất, không phù hợp với cảnh quan tại vị trí trung tâm Thủ đô, chưa tương xứng với giá trị di tích cấp Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhằm phát huy giá trị di sản đô thị và nâng cao chất lượng cảnh quan xung quang khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố cho phép tiếp tục triển khai dự án, có bổ sung một số nội dung điều chỉnh trên cơ sở bảo tồn tối đa các công trình kiến trúc, cây xanh, mặt nước hiện có.

Tháng 9/2016, thành phố bắt đầu cho triển khai thí điểm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Ngay lập tức, đề án này đã thành công vượt mong đợi, lượng khách du lịch và người dân Thủ đô đến với không gian đi bộ mỗi dịp cuối tuần ổn định ở mức 3000- 5000 người vào ban ngày và 2- 3 vạn người vào buổi tối. Cùng với thành công của không gian đi bộ, một yêu cầu khách quan xuất hiện, là việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để phù hợp và phát huy được giá trị  cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, bổ trợ cho không gian khu phố cổ, góp phần bảo tồn di sản văn hoá.

Tại cuộc họp lấy ý kiến của Hội đồng kiến trúc- Quy hoạch thành phố tháng 11/2016, các thành viện Hội đồng đánh giá cao phương án đề xuất thiết kế cảnh quan xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm do đơn vị tư vấn trình bày. Đồng thời, kết quả lấy ý kiến người dân tại triển lãm về dự án tổ chức tháng 1/2017, tại Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm cho thấy, 100% người được hỏi đồng thuận phương án thiết kế dự án chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Bảo tồn tối đa giá trị di sản

Phương án thiết kế cảnh quan xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm bao gồm khu vực vườn hoa, đường dạo, cây xanh cảnh quan xung quanh hồ được bảo tồn nên phương án thiết kế chỉnh trang đã tránh những tác động tới hiện trạng. Bổ sung chiếu sáng đảm bảo kết nối từ không gian hồ tới các tuyến phố xung quanh. Làm vật liệu địa phương thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn giao thông xung quanh hồ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm là rất cần thiết vì thực trạng hạ tầng khu vực đều đã xuống cấp. Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất xung quanh hồ Hoàn Kiếm chưa được hạ ngầm, gây ảnh hưởng đến cảnh quan. Từ năm 2013, quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, nên việc cải tạo và chỉnh trang sẽ góp phần phát huy tối đa giá trị di sản đô thị. Đồng thời, nâng cao chất lượng cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến với không gian đi bộ, cùng các sự kiện của thành phố. Vật liệu được sử dụng cải tạo là vật liệu của địa phương thân thiện với môi trường, các di sản sẽ được bảo tồn tối đa giá trị…”.

Để đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường, dự án cải tạo và chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ thực hiện sau khi Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hoàn thành hạng mục cải tạo nước hồ Hoàn Kiếm.

MỚI - NÓNG