Vì sao sân golf mọc lên như nấm ?

Vì sao sân golf mọc lên như nấm ?
Hiện tượng hầu như tỉnh, thành phố nào ở vị trí" đắc địa" đều đua nhau dành đất cho phát triển sân golf - khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... là chuyện không bình thường. Phải chăng chúng mọc lên như nấm là để... phục vụ nông dân?

>> TPHCM : Rà soát lại 13 dự án sân golf
>> 33 nước có nguy cơ bất ổn xã hội vì khủng hoảng lương thực
>> VN dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới

Vì sao sân golf mọc lên như nấm ? ảnh 1
Một sân golf tại Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh : TP

Sau gần một năm thi hành Chỉ thị 09/2007/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc tăng cường quản lý sử dụng đất các Quy hoạch và Dự án đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư xây dựng Sân golf - khu nghỉ dưỡng và khu du lịch sinh thái, nhưng tới nay hầu như các hoạt động sử dụng đất lãng phí vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đua nhau làm sân gôn

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc xây dựng các sân golf 

Để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất các dự án sân golf đã và đang được cấp phép đầu tư, ngày 4/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công văn yêu cầu rà soát lại việc quy hoạch các sân golf trên cả nước.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại việc quy hoạch sân golf; tổng hợp đánh giá hiệu quả các dự án sân golf đã được cấp phép hoạt động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2008. 

Theo Website Chính phủ

Nhiều chuyên gia cho biết, để nhận diện ra đâu là Dự án thật đang "bị treo" do khó khăn thực sự của các nhà đầu tư sau hàng loạt biến động của xã hội; đồng thời đâu là "Dự án giả" nhằm mục tiêu chiếm dụng đất của nông dân, chờ cơ hội "sang nhượng lại" kiếm lời.... không phải là dễ dàng.

Bởi các "Dự án" này thường được hình thành từ sự "liên kết chặt chẽ" giữa các doanh nghiệp với một số cán bộ thoái hoá biến chất của địa phương. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, thì nó càng được hợp thức hoá đầy đủ các loại giấy tờ và có thêm hàng trăm lý do để biện minh cho sự "cần thiết" hình thành dự án, kể cả những lý do chậm triển khai.

Đặc biệt, các dự án quy hoạch xây dựng sân golf và khu du lịch sinh thái thì hầu như không có nhà đầu tư nào để chậm tiến độ. Mặc dù trong thực tế vẫn còn khá nhiều sân golf, khu du lịch sinh thái ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An...triển khai chậm tiến độ, nhưng không phải từ phía nhà đầu tư, mà phần "lỗi" này lại thuộc về người dân.

Thậm chí không chỉ dừng lại ở mức độ "chậm bàn giao", mà còn có phản ứng mạnh, khi người có đất muốn được đền bù với giá "thoả đáng" ngang bằng với giá thị trường.... Nhưng hầu hết những người không muốn bàn giao đất cho nhà đầu tư đều có chung một lý do: họ không muốn mất nhà cửa và ruộng vườn để rồi cả nhà thất nghiệp, rơi vào cảnh" trắng tay".

Trong quá trình phát triển đi lên của đất nước, việc hình thành, phát triển các sân gôn, khu sinh thái nghỉ dưỡng...phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người là điều rất cần thiết.

Nhưng hiện tượng: hầu như tỉnh, thành phố nào ở vị trí" đắc địa" đều đua nhau dành đất cho phát triển sân golf - khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái...lại là chuyện không bình thường.

Lệ phí sân : 10.000-15.000 USD/năm

Cũng như tất cả các môn thể thao khác, một người muốn chơi golf trước hết phải học và phải có thời giờ rảnh rỗi để chơi. Như thế vẫn chưa đủ, bởi muốn trở thành thành viên CLB sân golf, ngoài những chi phí khác như: xăng xe, quần áo, dụng cụ, ăn uống...mỗi năm phải có một số "tiền lẻ" ít nhất từ 160 triệu đến 240 triệu đồng (từ 10.000-15.000 USD) để đóng lệ phí sân.

Bởi hầu như ai cũng biết: Người Việt không có truyền thống chơi môn thể thao này và tới nay vẫn còn rất ít người biết chơi golf (nếu không muốn nói là hiếm). Đồng thời, họ còn phải có khả năng lớn về tài chính để chơi môn thể thao được coi là "quý tộc" này.

Đương nhiên, hầu hết người dân, nhất là nông dân không có số tiền dôi dư lớn như vậy, nhưng bây giờ đã có nhiều chủ doanh nghiệp trong nước trở nên giàu có và chủ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thích chơi môn thể thao này. Bởi nó không chỉ để giải trí, mà những người chơi golf còn có cơ hội để tiếp xúc đầu tư, móc nối kinh doanh.

Nếu thực sự có nhu cầu như vậy, thì xung quanh các thành phố lớn (kể cả Thủ đô) cũng chỉ cần vài, ba sân golf là đủ. Với ít người chơi, nhưng người ta vẫn đua nhau đầu tư sân gôn với quy mô thường là sân sau, lớn hơn sân trước.

Tưởng như là chuyện bịa đặt, vì diện tích các loại sân golf đều có kích thước quy chuẩn của nó và diện tích chỉ tăng theo số lỗ của sân. Song ở nước ta trong giai đọan này, các nhà đầu tư còn "sáng tạo" ra rất nhiều mô hình mới như: " sân gôn - khu nghỉ dưỡng", "sân gôn - khu du lịch sinh thái"... để đầu tư, mở rộng tới mức tối đa.

Tưởng chừng sân golf 54 lỗ tại khu vưc hồ Yên Thắng, huyện Tam Điệp (Ninh Bình) là lớn nhất cả nước. Vì nó được quy hoạch tới hơn 710 ha, với dự kiến vốn đầu tư 100 triệu USD, lớn hơn cả những sân golf đứng đầu khu vực phía Nam và miền Trung là: Long Thành (Bình Dương); sân golf - khu nghỉ dưỡng Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)...nhưng so với sân golf Đồng Mô (Hà Tây) nó vẫn được coi là "đàn em".

Bởi sân này còn được gắn thêm phần du lịch sinh thái rất lớn và nó đã lan rộng tới tỉnh Hoà Bình. Khu vực xung quanh thành phố Hồ Chí Minh mọc lên khá nhiều sân golf, nhưng quanh Thủ đô cũng không kém cạnh, đã xây dựng và quy hoạch cả chục sân golf, trong đó riêng Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, mỗi nơi cũng có tới 2 sân.

Đằng sau những dự án sân golf rộng hàng trăm ha là cái gì ?

Trả lời câu hỏi về nghịch lý này và không ít người tỏ ra lo lắng cho nhà đầu tư, bởi sau khi đã trừ đi các khoản chi phí đền bù đất cho dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí thường xuyên...không biết đến bao giờ các nhà đầu tư mới thu được vốn ?

Xin các vị đừng "lo bò trắng răng" - một chuyên gia thẳng thừng gạt câu hỏi sang một bên và chỉ ra rằng: Chọn phương án đầu tư này, nhà đầu tư không chỉ dễ dàng vượt qua các thủ tục thẩm định phức tạp, không cần đầu tư nhà, xưởng, thiết bị như các ngành nghề khác, mà vẫn được phép "thu hồi" một diện tích đất vô cùng lớn.

Để rồi sau đó, khi nắm được đất trong tay, họ có thể chuyển sang làm việc khác như là xây nhà để bán và xây khách sạn cho thuê. Cách chuyển mục đích sử dụng đất theo kiểu này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp thật thà xin phép các cơ quan chức năng làm thủ tục từ ban đầu.

Hơn nữa, một số doanh nghiệp còn "có sáng kiến" làm đơn xin các cơ quan chức năng cho doanh nghiệp của mình đóng tiền sử dụng đất khách sạn, nơi kinh doanh vui chơi giải trí... trong sân golf ở mức thấp, với lý do: "đây là đất thể thao"?.

Có thể khẳng định rằng, thu nhập chính của hầu hết các sân golf hiện nay ở nước ta không phải từ những người chơi golf, mà từ các dịch vụ khác. Thậm chí có người còn cho rằng, những nhà hàng, biệt thự, khách sạn...trong khu vực sân golf thực chất đã có chủ khác, nhưng được núp dưới danh nghĩa "liên kết", "Liên doanh.

Hàng chục triệu m2 "bờ xôi ruộng mật" biến thành nơi trồng cỏ

Thực tế những thông tin trên chính xác đến đâu, cần phải có thời gian và phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc một cách thực sự. Nhưng hậu quả nhãn tiền là: hàng chục triệu mét vuông "bờ xôi ruộng mật" thậm chí cả nhà ở, vườn tược của dân bị chiếm dụng thành nơi trồng cỏ.

Không biết loài cỏ ngoại lai này tác động tốt hay xấu thế nào đối với các loài sinh vật bản địa, nhưng ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam khẳng định: Một lượng không nhỏ phân hoá học và thuốc trừ sâu được phun lên sân golf hàng năm sẽ có tác động gây ô nhiễm môi trường, kể cả nguồn nước ngầm cung cấp cho cư dân trong vùng và các đô thị lân cận.

Theo Quang Chính
TTXVN

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG