Méo mó xã hội hóa bệnh viện công tại Hà Nội - Bài 2

Vì sao thuê côn đồ chém giám đốc bệnh viện?

 Bệnh nhân phải trả 25 ngàn đồng/cốc trà líp-tông tại một nhà ăn “xã hội hóa” Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Tuấn Minh
Bệnh nhân phải trả 25 ngàn đồng/cốc trà líp-tông tại một nhà ăn “xã hội hóa” Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Tuấn Minh
TP - Sự việc Giám đốc của Bệnh viện Thanh Nhàn là ông Đào Quang Minh bị chính đối tác thân cận của bệnh viện là Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ y tế ĐY 33 cùng người nhà thuê côn đồ chém trọng thương cách đây hơn 2 năm đã hé mở phần nào những nhức nhối, phức tạp trong các mối quan hệ mang danh xã hội hóa (XHH) tại đây...

Hậu quả từ những hợp đồng đáng ngờ

Vụ án giết người mà nạn nhân là chính Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn Đào Quang Minh và hung thủ là “đối tác” của nhiều hợp đồng liên kết, cho thuê máy móc giá trị lớn nhất trong nhiều năm của bệnh viện này cho thấy sự phức tạp và những nguy cơ tiềm ẩn cần sớm được xử lý triệt để.

Như trong số báo trước, chúng tôi đã thông tin, Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ Y tế ĐY 33 đã ký với vị Giám đốc bệnh viện thời điểm đó nhiều hợp đồng thiếu chặt chẽ, gây bất lợi cho bệnh viện. Sau khi được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện vào năm 2011, ông Đào Quang Minh đã nhận rõ bản chất của những hợp đồng này và cùng với lãnh đạo bệnh viện tìm giải pháp khắc phục.

Trước đó, năm 2004 theo chủ trương XHH, Bệnh viện Thanh Nhàn đã ký hợp đồng phục vụ tang lễ với Công ty ĐY 33 do ông Nguyễn Quang Đạt làm Giám đốc với quy định bệnh viện được hưởng 5% doanh thu. Công ty này đã đầu tư 7 xe ô tô vào việc phục vụ vận chuyển tại nhà tang lễ.

Theo cơ quan điều tra, cùng với hàng loạt các hợp đồng cung cấp thiết bị, cho thuê máy móc khác, Công ty của Nguyễn Quang Đạt đã thu được khoản lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, từ tháng 7/2012, bệnh viện đã nâng mức thu thêm 10% doanh thu từ hoạt động của xe ô tô phục vụ nhà tang lễ và đầu tư thêm xe ô tô cùng tham gia phục vụ. Bệnh viện cũng điều chỉnh mức thu từ 15% lên 30% doanh thu từ hệ thống thiết bị máy móc do Công ty ĐY 33 cho thuê...

Những điều chỉnh đó đã dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh và chính Đạt đã không từ một thủ đoạn nào, chỉ đạo đồng bọn ra tay chém Giám đốc bệnh viện dám đứng ra đấu tranh với các hợp đồng XHH bất hợp lý này.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Trung Hai, Phó trưởng Ban VHXH (HĐND TP Hà Nội) cho biết, sự việc một đối tác XHH bệnh viện thuê côn đồ chém Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn thật sự là hồi chuông cảnh báo đối với hàng loạt các hợp đồng XHH tại các bệnh viện công lập của Hà Nội.

Tình trạng méo mó trong XHH đang ngầm châm ngòi cho những mâu thuẫn phát sinh, làm xấu đi môi trường làm việc tại không ít cơ sở y tế, nhất là khi tại đây thiếu đi vai trò kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh hàng chục bệnh viện thực hiện mô hình thuê máy trả tiền ăn chia theo tỷ lệ từ đối tác là doanh nghiệp bên ngoài, một số bệnh viện đã áp dụng mô hình thu hút đầu tư từ chính bác sỹ, cán bộ y tế trong viện.

Ông Ngô Trung Hai cho rằng mô hình này đang bộc lộ nhiều bất hợp lý, rất dễ phát sinh mâu thuẫn, và thậm chí vừa đá bóng vừa thổi còi. “Tôi ví dụ như trong một phòng khám răng, vừa kê máy của nhà nước đầu tư, vừa kê máy của bác sỹ trong viện đầu tư thì thử hỏi máy nào được quan tâm, ưu tiên công việc hơn?”, ông Hai đặt câu hỏi.

Một ví dụ khác là Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã nhiều phát sinh khiếu kiện từ kiểu đầu tư này. Tình trạng này cũng dẫn đến lẫn lộn trong phân công lao động, không bóc tách được quản lý nhân công khi mà cán bộ trong khoa, trong viện cùng khai thác trên nhiều máy móc vừa do nhà nước đầu tư, vừa do doanh nghiệp đầu tư.

“Cách làm này được lợi về cá nhân nhưng không có lợi cho phát triển chung. Muốn có y đức tốt, môi trường làm việc phải lành mạnh, hạch toán phải khoa học rõ ràng. Ăn chia không sòng phẳng dẫn đến khiếu kiện, mất hết y đức. Lợi ích lớn quá át cả trách nhiệm.”, một thành viên đoàn giám sát cho hay.

Cũng theo ông Hai, để xảy ra tình trạng méo mó nêu trên là do lãnh đạo không ít bệnh viện thiếu trách nhiệm, ỷ vào ngân sách, thờ ơ với XHH, không chịu vận động sáng tạo mà cứ cái gì có lợi ích thì lao vào, thậm chí bất chấp tất cả. Có những máy đã có sẵn đầu tư bằng ngân sách nhà nước để “đắp chiếu” nhưng bệnh viện vẫn ký hợp tác với bên ngoài cũng loại máy giống như vậy để có lợi nhuận.

“Đúng là việc cán bộ y tế góp tiền đầu tư máy X quang, máy siêu âm ngay tại viện mình làm việc đang có nhiều bất hợp lý. Sở Y tế không khuyến khích mô hình này mặc dù về quy định là được phép”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định.

Một thực trạng buông lỏng quản lý, giám sát từ các hợp đồng XHH, dịch vụ tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã biểu hiện qua việc chặt chém người bệnh. Điển hình như ngay tại căng tin “xã hội hóa” nhà kính ngay giữa sân bệnh viện, bệnh nhân đã phải trả lên tới 25 ngàn đồng/1 cốc trà lipton. Giá trông giữ xe máy ghi trên phiếu là 2.000 đồng/xe nhưng cứ thản nhiên thu 5. 000 đồng/xe...

Sau 5 năm thực hiện XHH, Hà Nội đã có 13/41 bệnh viện công lập, 6 trung tâm y tế xây dựng và thực hiện 48 đề án liên doanh, liên kết góp vốn để mua sắm trang thiết bị với tổng vốn đầu tư là 236,61 tỷ đồng. Riêng từ năm 2009 đến nay thu hút được 155,949 tỷ đồng.
MỚI - NÓNG