Vì sao vẫn chưa công bố dịch tay chân miệng?

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc TCM tại BV Nhi T.Ư. Ảnh:T.Hà
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc TCM tại BV Nhi T.Ư. Ảnh:T.Hà
TP - Báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn gia tăng, nhưng rất lạ là đến nay dịch vẫn chưa được công bố!

> Bệnh nhi thứ hai tử vong có thể do bệnh tay chân miệng

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc TCM tại BV Nhi T.Ư. Ảnh:T.Hà
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc TCM tại BV Nhi T.Ư. Ảnh:T.Hà.
 

Tỉnh: Chưa nhận được khuyến cáo

Tích luỹ từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 71.472 trường hợp mắc TCM tại 63 địa phương trong đó đã có 130 trường hợp tử vong tại 26 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mắc và tử vong bệnh này tập trung chủ yếu ở miền Nam với 67,8% số ca mắc và 89,2% số ca tử vong của cả nước.

Mới đây Viện Pasteur Nha Trang khuyến cáo tỉnh Quảng Ngãi công bố dịch vì có đủ điều kiện để công bố dịch, với hơn 6.000 bệnh nhân, chiếm 2/3 số ca mắc toàn miền Trung, năm trẻ tử vong.

Tuy nhiên, giải thích với Tiền Phong vì sao Quảng Ngãi vẫn chưa công bố dịch, Ths Nguyễn Tấn Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết: “Năm 2011, so với các tỉnh miền Trung, số bệnh nhân TCM của tỉnh Quảng Ngãi cao nhất; nhưng so với một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước thì không nhiều hơn (kể cả số trường hợp mắc bệnh và tử vong). Sở Y tế Quảng Ngãi cũng chưa nhận được văn bản nào của Viện Pasteur Nha Trang có khuyến cáo tỉnh nên công bố dịch”.

Ông Nguyễn Tấn Đức cho biết việc công bố dịch phải thực hiện đúng theo tinh thần Quyết định số 64/2010QĐ-TTg ngày 25-10-2010 của Thủ Tướng Chính phủ. Theo đó, công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ thực hiện khi có đủ hai điều kiện.

Thứ nhất, có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Thứ hai, có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Khi xem xét hai điều kiện trên, vẫn theo lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi, Quảng Ngãi mới thỏa mãn điều kiện thứ nhất. Vì vậy Sở Y tế chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND Tỉnh công bố dịch.

Chuyên gia: Vẫn phải công bố

GS Phạm Song, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, dịch dai dẳng và lan nhanh, có cả trẻ con người lớn đều mắc chứng tỏ độc lực của virus EV71 gây bệnh TCM rất mạnh. Nếu cứ đà lây lan như hiện nay, số mắc và tử vong sẽ còn cao nữa.

GS Phạm Song cho rằng, ở tình hình như thế này, đây là dịch bệnh nhóm B, nhóm do địa phương công bố nên khuyến cáo địa phương công bố dịch để dân hiểu hơn, cảnh giác hơn, còn không có dịch người dân cứ coi thường.

GS Phạm Song cho rằng, có thể có tâm lý lãnh đạo địa phương không công bố dịch là do sợ mất thành tích. Ông đề nghị địa phương phải cân nhắc đâu là vấn đề quan trọng hơn. Tình hình dịch như tại TPHCM, Đồng Nai đáng để công bố dịch chứ không có chuyện im lặng như hiện nay. Nếu không công bố dịch dân sẽ trở nên chủ quan.

GS Phạm Song cho biết thêm, mọi năm bệnh TCM xuất hiện quanh năm nhưng nhẹ nên không ai để ý. Năm nay bùng phát mạnh là bản thân virus thay đổi mạnh hơn gây độc lực hơn. Với tình hình dịch như hiện nay ngành y tế xử sự như thế là chưa thích đáng. Nếu Bộ Y tế khó khăn trong việc yêu cầu các sở y tế công bố dịch thì cần tham mưu cho cấp cao hơn chỉ đạo công bố dịch.

Một thứ trưởng Bộ Y tế đã nghỉ hưu cho rằng, UBND các cấp, ngành y tế cần phải kiểm tra lại xem việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị của Bộ Y tế đã thưc hiện đúng chưa. Vì nếu đã thực hiện đúng, đầy đủ nghiêm túc chắc chắn dịch sẽ được khống chế. Công điện phát đi được ba tuần nhưng dịch vẫn lây lan đến rất nhiều địa phương chứng tỏ các địa phương làm không tốt, không đúng.

Nhiều địa phương chưa chịu công bố dịch dù đã được khuyến cáo. Ở cấp độ quốc gia, Bộ Y tế lại cho biết chỉ công bố dịch khi có từ hai địa phương trở lên công bố dịch. Và vì thế dân vẫn tiếp tục lo âu với căn bệnh đang mỗi ngày một lan rộng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.