Vì sao vẫn xuất khẩu than?

Vì sao vẫn xuất khẩu than?
TP -  Theo dự báo, từ năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu than mới đủ tiêu dùng trong nước. Việc xuất khẩu than hại nhiều hơn lợi, là lỗ hổng cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. Nhưng vì sao TKV vẫn xuất than?
Vì sao vẫn xuất khẩu than? ảnh 1

Trả lời Tiền Phong, ông Đoàn Văn Kiển thừa nhận:

“Sẽ có lúc có tiền mà khó mua được than. Tôi cũng đã báo cáo điều này với Chính phủ. Trong quy hoạch phát triển của ngành điện so sánh với kế hoạch của ngành than đã được phê duyệt, đến năm 2015, phải nhập khẩu 60-70 triệu tấn than.

Theo ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2009, tập đoàn xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn than trong tổng số 40 triệu tấn sản xuất.

Đến 2020-2025 trở đi sẽ nhập đến cả trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu tấn than. Không dễ dàng gì nhập khẩu số lượng than lớn như vậy. Thế thì nhập từ đâu?

Indonesia là nước sản xuất nhiều than nhất nhì hiện nay, sản lượng xuất khẩu than đứng thứ hai sau Úc, nhưng họ cũng đã có kế hoạch giảm dần xuất khẩu, không quá 150 triệu tấn/năm. Úc xuất khẩu hơn 200 triệu tấn/năm. Đấy là hai nước gần ta nhất đang xuất khẩu than...

Vậy sao TKV vẫn xuất khẩu cả chục triệu tấn than mỗi năm?

Tại sao xuất khẩu, tại sao chúng ta không để dành than lại, đúng không nào? Câu chuyện thế này, để đầu tư một cái mỏ, hầm lò thì mất từ 5 đến 7 năm. Từ đào giếng, đào hệ thống đường ngầm, không thể làm nhanh được. 

Bây giờ, chỉ có hai cách, một là duy trì sản lượng, không tăng sản lượng nữa. Hiện TKV đang sản xuất 40 triệu tấn/năm, mà nhu cầu tiêu dùng trong nước năm nay chỉ cần 20 triệu tấn, sang năm cần 25 triệu tấn, đến sang năm TKV vẫn duy trì sản lượng đó. Nhưng đến 2015, nhu cầu than trong nước tăng vọt lên 90 triệu tấn, trong khi sản xuất chỉ được 60 triệu tấn than. Như vậy, đến 2015 đã nhập khoảng 30 triệu tấn than.

Anh tính, chúng ta chỉ còn cách đẩy mạnh sản xuất trong nước lên dần để đến năm 2015, cố sản xuất khoảng 50-65 triệu tấn, giảm nhập khẩu đi.

Hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than đang xây dựng, nên than thừa tạm thời, ta xuất khẩu cái thừa tạm thời đó đi, để cho đến 2013 - 2014, khi bắt đầu phải nhập khẩu than chỉ phải nhập một lượng vừa phải.

Năm 2009, nhu cầu than trong nước chưa đầy 20 triệu tấn, nhưng vào năm 2015 nhu cầu vọt lên 90 triệu tấn, bởi hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, nhà máy đạm đi vào sản xuất, TKV không thể sản xuất dâng lên theo chiều thẳng đứng như vậy được mà chỉ có thể dâng từ từ.

Vì sao vẫn xuất khẩu than? ảnh 2
Vì sao vẫn xuất khẩu than? ảnh 3

Như vậy khi nào TKV mới thôi xuất khẩu than, thưa ông?

Như tôi đã nói, tình thế hiện nay buộc ta phải đẩy mạnh đầu tư. Đẩy nhanh sản lượng lên thì tạm thời năm nay xuất khoảng 20 triệu tấn, 2010 giảm đi và cứ thế giảm đến năm năm 2012 chỉ còn xuất khẩu vài triệu tấn, còn lại dùng trong nước hết.

Một chuyên gia ngành than cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc khai thác, chế biến than của TKV phải đáp ứng hài hoà với nhu cầu phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê và biểu đồ trên cho thấy, sản lượng khai thác, chế biến than của TKV những năm qua không hoà chung nhịp phát triển của kinh tế đất nước.

Ngay như với hộ tiêu dùng nhiều than như ngành điện cũng lệch pha, không đúng với những gì ông Kiển trao đổi trên Tiền Phong, lý giải việc TKV xuất khẩu mỗi năm hàng chục triệu tấn than...

Nhưng hiện nay từ việc cho xuất khẩu than, nhiều đối tượng làm than lậu trà trộn xuất than lậu (cả chính ngạch và tiểu ngạch), khiến tài nguyên bị chảy máu?

Xuất lậu là có. Năm ngoái rộ lên và chúng ta phải phát động chống than lậu. Nay dẹp nó đã hết chưa? Chưa hết nhưng không còn nhiều, trong tầm kiểm soát. Phải nói thẳng là như vậy. Nhưng không kiểm soát tốt thì vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn.

Vì sao? Vì giá than bây giờ không bèo bọt như ngày xưa nữa. Ngày xưa con gà đôi guốc đá bay tấn than. Báo chí đã viết như vậy nhưng bây giờ tấn than ngày càng có giá trị.

Ngoài ra, khai thác trái phép chi phí thấp hơn rất nhiều so với khai thác hợp pháp, vì làm trái phép không lo bảo vệ môi trường, chỉ moi than lên bán nên lãi rất lớn.

Thưa ông, theo Kiểm toán Nhà nước, vấn đề quy định giá bán than của TKV không thống nhất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong ngành than?

Về giá bán than, Tập đoàn không thể tự mình giải quyết được, mà chịu sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, quý IV/2009, sẽ cơ bản xử lý vấn đề giá than để, sang năm 2010, giá bán than trong nước, kể cả bán cho ngành điện so với giá xuất khẩu chỉ thấp hơn khoảng 10 phần trăm. Chúng tôi đang trình, làm sao để có mức giá thống nhất.

Quan điểm là hộ nào (trong bốn hộ lớn, điện, giấy, đạm, xi măng) khó khăn, nếu Chính phủ có bù lỗ thì bù trực tiếp, không bù giá tràn lan giống như giá xăng dầu trước đây. Khi giá xăng dầu của ta thấp hơn giá bán ở Campuchia thì khó dẹp nạn xuất lậu xăng dầu. Chuyện đó là quy luật rồi, và sẽ xảy ra như thế với than. Ở mình rẻ thì họ qua mua, còn bên họ rẻ thì mình qua mua.

Cảm ơn ông! 

“Về chủ trương, Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu những chủng loại than trong nước không có nhu cầu. Nhu cầu than trong nước chủ yếu là than có chất lượng thuộc loại trung bình (cám 4, 5, 6). Thực tế, ngành than đã tạo ra quá nhiều loại than trong nước chưa có nhu cầu để xuất khẩu, như việc đầu tư vào khâu tuyển than để có than chất lượng cao, và tích cực khai thác than lộ vỉa có chất lượng thấp...

Theo đánh giá của các chuyên gia, sau năm 2013, giá dầu mỏ sẽ bắt đầu chu kỳ tăng mới, than trên thế giới đang ngày càng lên giá. Giá trị bằng tiền thu được do xuất khẩu một tấn than vừa qua của TKV chỉ có thể nhập khẩu được khoảng 200 kg than trong tương lai”.

(Trích bài của Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn
Giám đốc Cty Năng lượng Sông Hồng - TKV)

Bá Kiên - Quyền Thành
thực hiện

MỚI - NÓNG