Lỗi tại mình

Vì siêu lợi nhuận

Vì siêu lợi nhuận
TP - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với Tiền Phong về thực trạng cấp đất ồ ạt cho các dự án trước ngày Hà Nội mở rộng.

Ông Liêm nói:

Trước hết, khi quy hoạch một vùng nhỏ phải nghĩ tới sự phối hợp với các khu vực xung quanh.

Tiếc rằng tư tưởng bản vị, cục bộ còn nặng cho nên quy hoạch ở đâu thường chỉ nghĩ loanh quanh trong địa giới quy hoạch của mình, còn việc phối hợp với xung quanh rất hãn hữu...

Cho nên mới có chuyện quy hoạch Hà Tây không ngó đến Hà Nội. Bây giờ Hà Nội mới phải có trách nhiệm phối hợp những quy hoạch đã có.

Trên cơ sở xem xét từng dự án một, có cái chấp nhận được có cái phải điều chỉnh. Nếu không phù hợp, phải cương quyết điều chỉnh chứ không vì đã trót lỡ hay sự đã rồi mà để nguyên.

Thứ hai là tại sao để xảy ra tình trạng như thế. Tôi cho rằng thị trường và chính quyền đều có chức năng riêng của mình.

Chính quyền không làm thay công việc của thị trường nhưng cũng không được để thị trường điều khiển mình mà phải tác động lại thị trường theo lợi ích chung của xã hội vì thông thường thị trường chỉ chạy theo lợi ích của chính nó.

Ở Hà Nội và Hà Tây trước đây cũng thế, tình trạng chính quyền còn chịu sự chi phối của thị trường cũng còn khá nặng. Tại sao các dự án cứ rải khắp nơi như thế?

Vì siêu lợi nhuận ảnh 1
Việc sàng lọc, dẹp bớt các dự án chưa cần thiết không phải quá khó

Ông vừa nói về nguy cơ chính quyền bị thị trường chi phối. Việc cấp đất ồ ạt tại các địa phương thuộc diện sáp nhập về Hà Nội có thể hiểu theo hướng này không?

Không phải tất cả đều như vậy nhưng có thể xảy ra ở một số trường hợp. Các doanh nghiệp đầu tư dự án trước hết quan tâm đến lợi nhuận. Họ lấy đất ở chỗ này chỗ kia có khi vì giá rẻ, có khi do họ tiên đoán tương lai sẽ có lợi. Mình không thể chạy theo họ được.

Nếu nguyện vọng của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển chung thì hoan nghênh, còn nếu không phù hợp, không nên nể nang. Vấn đề tham nhũng trong đất đai chúng ta biết cả rồi.

Nhà đầu tư đền bù cho dân rất ít nhưng có thể sau đó kiếm siêu lợi nhuận. Tôi không nghĩ siêu lợi nhuận đó vào túi nhà đầu tư cả mà họ cũng phải chia phần. Chính những khoản lợi đó làm cho chính sách, quy hoạch bị méo mó.

Lỗi tại mình

Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 260 nhưng các địa phương vẫn cấp rất nhiều đất trước thời điểm sáp nhập. Việc cấp đất ồ ạt sẽ để lại hậu quả rất lớn cho Hà Nội mở rộng. Theo ông ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Chúng ta ban hành luật nhưng chế tài những kẻ phạm luật còn rất nhẹ, thậm chí có chế tài rồi mà không thi hành. Thậm chí có tình trạng trên bảo dưới không nghe. Đó là lỗi tại mình. Lãnh đạo thành phố Hà Nội mới phải có trách nhiệm rà soát lại từng trường hợp một rồi quyết định.

Vừa rồi tôi nghe nói Hà Nội tổ chức một chiến dịch giải phóng mặt bằng rất lớn. Nhưng, theo tôi, trước khi thực hiện việc này phải tiến hành rà soát, lọc bớt các dự án.

Hiện nay 80 phần trăm vụ khiếu kiện của dân liên quan đến vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB). Việc sàng lọc, dẹp bớt các dự án chưa cần thiết không phải quá khó. Có thể đền bù cho chủ đầu tư nhưng, với nông dân mất đất, thực sự là một vấn đề rất lớn.

Bây giờ chúng ta phải xem xét lại từng trường hợp và xem xét rồi thì phải cương quyết. Lãnh đạo thành phố Hà Nội mở rộng cần điều động các ngành chức năng vào cuộc.

Nếu thấy cần thì huy động thêm lực lượng xã hội như Hội Quy hoạch, Hội Kiến trúc sư… Tổng hội Xây dựng chúng tôi sẵn sàng tham gia nếu được yêu cầu.

Tổ Công tác của UBND thành phố Hà Nội kết luận việc cấp đất ào ạt như vừa qua đã phá vỡ quy hoạch vùng thủ đô do chính Bộ Xây dựng lập. Thủ tướng có chỉ thị nhằm ngăn ngừa việc này nhưng việc cấp đất vẫn diễn ra. Vậy trách nhiệm Bộ Xây dựng ở đâu?

Vấn đề này tôi không bình luận. Nhưng tôi chỉ nhắc lại một câu nhiều người biết: "Con đường dài nhất Việt Nam là con đường từ cái mồm đến cái tay", chứ không phải từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau đâu.

Hơn một nửa đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội mở rộng thuộc lĩnh vực bất động sản và hai huyện nhiều dự án nhất đều có 10 xã sẽ cơ bản bị thu hồi hết đất nông nghiệp. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Nguyên tắc chung là nếu các dự án đó không hợp với quy hoạch thì phải xử lý hoặc có thể điều chỉnh mục đích sử dụng. Chẳng hạn anh phát triển loại nhà như thế không bán được, trong khi đã giao đất cho dự án một năm rồi thì, theo luật, tôi thu hồi.

Anh đã đầu tư bao nhiêu tiền xin cứ kê khai ra tôi sẽ đền bù. Tất nhiên chỉ những khoản chi chính đáng mới được chấp nhận. Dự án dây dưa không triển khai, tôi sẽ thu hồi đất trả lại đất cho dân.

Nếu hợp quy hoạch cũng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Chẳng hạn xây nhà cho người thu nhập thấp nếu khu vực đó có nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ người Hà Nội dù thu nhập thấp cũng chẳng ai lên đấy ở.

Phải truy trách nhiệm người làm sai

Giai đoạn 2006-2010, Quốc hội phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho cả nước chỉ cho phép chuyển 300.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Nhưng chỉ trong vòng hơn một năm trước khi sáp nhập về Hà Nội, Hà Tây đã chuyển đổi hàng chục ngàn héc-ta.

Phải rà soát lại không phải chỉ ở địa bàn Hà Nội mà diễn ra ở nhiều nơi. Chúng ta biết phong trào đua nhau xây dựng sân golf tại một số địa phương, làm như thế rõ ràng trái với chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng cuối cùng cũng chỉ đình chỉ, không làm nữa, chứ có hỏi trách nhiệm của ai đâu.

Ý ông là phải truy cứu trách nhiệm những người quyết định việc đó?

Hiển nhiên phải truy trách nhiệm. Thứ nhất, tại sao họ làm thế? Thứ hai, tại sao cấp trên để cho họ làm thế mà không kiểm tra? Anh rõ ràng cũng có lỗi vì lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Kiểm tra mục đích không phải để trừng trị ai cả, nhưng quan trọng trước hết là rút ra được bài học đáng giá gì.

Những người sai phạm lớn đương nhiên phải xử lý, nhưng nếu chỉ mắc khuyết điểm cần tạo điều kiện cho người ta rút kinh nghiệm để sau này họ không tái phạm. Nếu chúng ta không rút kinh nghiệm thì lần sau họ có thể lại tái phạm. Xử lý chỗ đó được thôi nhưng sẽ lại nảy sinh ở chỗ khác.

Ông có nói đất đai là một trong những lĩnh vực xảy ra tham nhũng lớn. Nếu đã biết có những kẽ hở trong lĩnh vực trên thì, về cơ chế, chính sách cần phải sửa đổi gì để khắc phục những bất cập đó?

Hiện nay tôi đang chủ trì nghiên cứu một đề tài về chính sách về thu hồi đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà nhà nước là người đại diện và quản lý, nhà nước có quyền thu hồi đất để phục vụ cho một số mục đích.

Hiến pháp 1992 quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia và mục đích an ninh quốc phòng, Luật Đất đai 2003 bổ sung thu hồi đất vì mục đích công cộng và để phát triển kinh tế.

Thu hồi đất phục vụ mục đích công cộng thì không cần phải bàn cãi nhưng vì mục đích kinh tế thì đây chính là kẽ hở rất lớn. Luật cũng nói thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và một số trường hợp do Chính phủ quy định. Tôi xin hỏi thế nào là phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp?

Phát triển một khu công nghiệp có phải lợi ích công cộng không, chưa chắc. Năm ngoái, phe đối lập ở Pháp chất vấn Tổng thống Sarkozy, đòi giải trình việc thu hồi đất để xây dựng một công trình có phải vì mục đích công cộng không, trong khi rõ ràng đó là công sở hẳn hoi. Nghĩa là phải giải trình rõ mục đích mới được thu hồi đất, bởi vì thu hồi đất là cưỡng bức chứ không phải là thỏa thuận.

Phải chăng ông muốn nói hiện nay một số người lợi dụng quy định chưa rõ ràng của luật pháp để kiếm lợi?

Vừa rồi tôi rất mừng khi nghe đề xuất phải có Tòa án Hiến pháp để xem xét các luật có phù hợp với Hiến pháp, có vi hiến hay không bởi hiện nay có một số nội dung trong Luật Đất đai vượt cả Hiến pháp.

Cá nhân tôi rất suy nghĩ về quan điểm khi tiến hành thu hồi đất. Chẳng hạn việc phá bỏ một cái nhà cấp bốn rồi đền bù cho chủ một cái nhà cấp bốn khác. Anh thu hồi đất của tôi để phát triển nhưng ai đó phát triển chứ tôi chẳng được gì cả. Tôi có nhà cấp bốn, anh đền bù cho tôi cũng chỉ ngang như vậy, thế thì tôi phát triển chỗ nào? Không lẽ anh cưỡng bức tôi để người khác phát triển còn tôi không được phát triển?

Quan điểm như thế là hết sức phi lý. Thu hồi đất của nông dân, lấy đất nông nghiệp đền bù với giá đất nông nghiệp, vậy nông dân phát triển ở đâu? Nếu cứ để nguyên đất, tôi cứ làm nông nghiệp, tôi phát triển hay không phát triển là tùy tôi. Có nơi thu hồi đất để làm trường học, chợ nhưng cuối cùng trường học, chợ đâu chẳng thấy, đất lại được đem chia cho gia đình, họ hàng của mấy ông cán bộ.

Dường như vấn đề lập quy hoạch, giám sát quy hoạch hiện nay có quá nhiều kẽ hở, thưa ông?

Qua nghiên cứu về đất đai, tôi phát hiện ra rằng cái ta gọi nhà nước và lợi ích nhà nước ấy không phải là một thứ gì thuần nhất. Nhà nước cấp trên có lợi ích của nhà nước cấp trên, nhà nước cấp dưới có lợi ích của nhà nước cấp dưới.

Lợi ích của nhà nước cấp trên là phát triển hạ tầng như đường sá, cầu, cảng…mang lại lợi ích cho toàn dân. Nhưng nhà nước cấp dưới lại tư duy khác, có đất cứ muốn đem đấu giá để thu ngân sách được nhiều tiền.

Chẳng hạn quận Cầu Giấy (Hà Nội) đấu giá tới 67 triệu đồng/m2 nhưng cũng tức là tạo ra giá thị trường cho đất đai khu vực đó. Nếu thành phố mở một con đường, dân bèn lập luận: Nhà nước thu 67 triệu đồng/m2, các ông hãy đền bù cho dân chúng tôi giá đó đi.

Nghĩa là quận chỉ bán được một vài ha, trong khi nhà nước phải bỏ tiền mua hàng trăm hay cả ngàn ha đất. Thế thì ai lợi? Rõ ràng lợi bất cập hại. Người ta thích đẩy giá đất lên chính là vì lợi ích của cấp dưới, vì lợi ích của chính ông chứ đâu phải vì lợi ích nhà nước.

Xin cảm ơn ông.

Vương Hạnh - Phùng Sưởng
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.