Vị Tết

Vị Tết
TP - Tết nay đã khác Tết xưa nhiều lắm. Những “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”, giờ đã phai nhạt đi trong nhiều gia đình người Việt nhường chỗ cho vang đỏ, rượu Tây, đủ loại bia, nước ngọt bánh kẹo.

Cái  không khí quê mùa hồn hậu, cổ truyền  như trong bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ đã nhạt nhoà gần như không còn dấu vết bởi những siêu thị rồi trung tâm thương mại.

Giờ đây, ít gia đình tự  gói bánh chưng, ít nhà làm giò chả, nấu mứt, đụng lợn...Kinh tế thị trường với  văn hoá phục vụ ngày càng phát triển xoá dần đi những thói quen ấy  trong nhiều gia đình người Việt. Và ông trời cũng huờ theo đổi khác, khi người ta dự báo Tết Canh Dần là Tết của  El Nino.

Khi đã cơm no áo ấm, Tết ngày càng mang nặng ý nghĩa tinh thần. Nhưng đó lại là lúc những tinh thần Tết lại không tỷ lệ thuận với vật chất.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tâm sự, bây giờ được hưởng những cái Tết  sung túc, nhưng không làm ông vui. Ông nhớ, bằng những cái Tết thời chưa xa, khi ông một mình xuống vùng nông thôn để xin thịt, lợn, gạo nếp về lo Tết cho anh em trong Bộ Ngoại giao.

Dường như cái rưng rưng, cái ấm áp trong sự quần tụ gia đình bên nồi bánh chưng đỏ lửa, nỗi sung sướng hồn nhiền của trẻ thơ khi được mặc áo mới đã vơi vợi đi nhiều lắm. Ngay cả như thói quen xông đất, đến nhà nhau chúc Tết  cũng  được không ít người nhờ  thứ dịch vụ tin nhắn làm giúp.

Nhiều người băn khoăn tự hỏi: chẳng hiểu sao cuộc sống ngày càng khấm khá, Tết ngày càng đầy đủ mà niềm vui Tết thì lại cứ cạn dần…

Tết mà không vui, không đầm ấm thì còn gì là Tết? Thậm chí, có người còn tiên lượng về một sự biến mất của Tết trong sự hối hả của lo toan phát triển của cuộc sống hiện đại. 

Cái tinh thần Tết, văn hoá Tết cổ truyền đất Việt được vun đắp cả mấy ngàn năm, qua bao nhiêu thế hệ đến ngày nay, như một thứ “của tin còn một chút này”. Tết cổ truyền ấy phải là Tết của tình người, của chan hòa, của sum họp, của lễ nghĩa, của tri ân...

Giật mình cảm nhận một điều, tinh thần của Tết cổ truyền đã vương hơi lạnh  thị trường. Hương được thắp nhiều hơn, vàng mã đốt nhiều hơn nhưng vơi đi sự thành kính. Lời chúc Tết được chọn lựa trên mạng nên có vẻ khó cảm nhận sự chân thành.

Quà Tết nhiều hơn nhưng lại khiến người ta nghĩ về một câu nói của Lang Liêu, con trai vua Hùng: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Sự kết nối giữa người và người trong ngày Tết cũng lỏng lẻo dần dù điện thoại, internet tiện lợi.

Lại nhớ Tết của mấy ngàn năm về trước. Bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu đã được vua Hùng chọn giữa vô vàn của ngon vật lạ, sơn hào hải vị mà các hoàng tử khác sai người đi khắp nơi tìm kiếm. Vua Hùng chọn bánh chưng, bánh dày không chỉ vì tượng trưng cho Trời và Đất, tượng trưng cho tình nghĩa Mẹ, Cha mà còn vì  nó được làm từ bàn tay lao động, từ tình cảm chân thành, trong sáng, hiếu thảo, lễ nghĩa.

Bánh chưng ấy đã xanh từ ngàn đời nay, trở thành thứ không thể thiếu trong mọi gia đình người Việt có lẽ  nhờ gói gém trong đó tình cảm bình dị, chân thành bên cạnh các ý nghĩa mang tính biểu tượng khác. Bản thân bánh chưng đã ẩn chứa, và giữ ấm một tinh thần Tết, văn hoá Tết.  

MỚI - NÓNG