Vị thế mới của Việt Nam

Vị thế mới của Việt Nam
TP - Hôm nay (16/10), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tiến hành bỏ phiếu bầu Việt Nam vào ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) khóa 2008 - 2009.

Lần đầu tiên đảm nhận ghế không thường trực HĐBA sẽ mang tới cho Việt Nam lợi ích trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng gắn liền với những trọng trách nặng nề. Dư luận quốc tế bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhận tốt vai trò mới sau nhiều năm chuẩn bị.

Không có ý kiến công khai phản đối

Trong 10 ghế không thường trực của HĐBA, châu Á hiện có 2 ghế do Indonesia và Qatar đảm nhận. Nhiệm kỳ 2 năm của Qatar sẽ kết thúc vào cuối năm 2007 và sẽ được thay thế bằng 1 nước châu Á khác.

Trong nhiệm kỳ 2008 - 2009, có 7 nước tham gia tranh cử 5 ghế không thường trực HĐBA, trong đó Việt Nam được đánh giá là có lợi thế lớn nhất. Trong khi vẫn duy trì thể lệ bầu chọn theo vùng, Việt Nam lại là ứng cử viên duy nhất của châu Á được nhóm các nước trong châu lục này đề cử vào ghế không thường trực HĐBA.

Vai trò của thành viên không thường trực HĐBA

Không có quyền phủ quyết, nhưng vai trò của các thành viên không thường trực HĐBA rất quan trọng.

Nghị quyết của HĐBA về những vấn đề quan trọng cần ít nhất 9 phiếu thuận từ 15 thành viên (5 thường trực, 10 không thường trực).

Như vậy, một nghị quyết của HĐBA cho dù có đủ 5 phiếu thuận của 5 thành viên thường trực vẫn cần ít nhất 4 phiếu nữa từ nhóm không thường trực.

Rào cản cuối cùng để trở thành thành viên không thường trực HĐBA là Việt Nam cần giành được tối thiểu 2/3 phiếu bầu từ 192 nước thành viên LHQ trong cuộc bỏ phiếu hôm nay 16/10.

Theo lời Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Việt Nam gần như chắc chắn trở thành thành viên không thường trực HĐBA.

Các thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp) và các thành viên LHQ chủ chốt khác đều không bày tỏ bất kỳ ý kiến phản đối nào.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu với tư cách cá nhân rằng họ cảm thấy thoải mái với những ứng cử viên mới trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều vị đại sứ, trưởng phái đoàn các nước tại LHQ đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế và ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA. Việt Nam cũng đã nhận được cam kết ủng hộ của nhiều nước.

Phát biểu với báo chí sau khi tham dự kỳ họp lần thứ 62 Đại hội đồng LHQ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

“Qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, chúng ta đều nhận được sự ủng hộ và tin tưởng Việt Nam có đầy đủ khả năng để đảm đương tốt trọng trách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ”.

Làm gì khi là thành viên HĐBA?

Vị thế mới của Việt Nam ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp lần thứ 62 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 27/9

Phát biểu với báo chí gần đây, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam John Hendra nói rằng việc trở thành thành viên không thường trực HĐBA sẽ là một bước tiến nổi bật trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích, nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn.

Quan chức cấp cao nhất của LHQ tại Việt Nam giải thích: Tất cả các thành viên phải chấp nhận và thực thi quyết định của HĐBA; Trong khi các cơ quan khác của LHQ đưa ra khuyến nghị cho các chính phủ, chỉ có HĐBA có đủ thẩm quyền đưa ra các quyết định buộc tất cả thành viên khác phải tuân theo.

Về những hoạt động cụ thể của Việt Nam nếu được bầu vào HĐBA, ông John Hendra cho biết: Việt Nam cần thích ứng với cường độ làm việc rất căng thẳng của các thành viên HĐBA, cần đưa ra quyết định nhanh trong tình huống khẩn cấp liên quan đến các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. Nếu là thành viên HĐBA, Việt Nam phải có đại diện thường trực tại trụ sở LHQ để tham gia cuộc họp có thể được triệu tập bất kỳ lúc nào.

Ông Vũ Quang Việt, chuyên viên cao cấp của LHQ, cho biết: HĐBA là cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt với nhiều điểm nóng và nhiều cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới như hiện nay, Việt Nam có thể đóng góp nhất định vào giải quyết các cuộc khủng hoảng đó.

Với tư cách thành viên HĐBA, Việt Nam cũng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải, góp phần tháo gỡ bế tắc của các cuộc khủng hoảng hiện nay, ví dụ như thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Iran.

Theo ông Vũ Quang Việt, nếu tìm được lợi ích chung của các bên liên quan, Việt Nam có thể tạo cơ hội cho các bên thảo luận với nhau nhằm tìm ra hướng tháo gỡ bế tắc và từ đó vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, Đại sứ Nassir Al-Nasser, Trưởng phái đoàn Qatar tại LHQ, khẳng định: “Ngày nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế khâm phục và đánh giá cao vì sự phát triển nhanh chóng và thành công từ những điều kiện hết sức khó khăn. Tôi nghĩ Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp cho hoạt động của HĐBA LHQ”.

Đại sứ Hon Robert Hill, Trưởng phái đoàn Australia tại LHQ, nói: “Gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đặc biệt trong phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới. Tôi nghĩ, với những kinh nghiệm trong duy trì ổn định chính trị, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của mình, Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng vào hoạt động của HĐBA LHQ”.

D.H
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.