Việc hệ trọng mới trưng cầu ý dân

ĐBQH thảo luận ở tổ về Luật Trưng cầu ý dân. Ảnh: như ý
ĐBQH thảo luận ở tổ về Luật Trưng cầu ý dân. Ảnh: như ý
TP - Thảo luận ở tổ chiều 3/6 về Luật Trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến đề nghị quy định Thủ tướng được quyền đề xuất các vấn đề cần trưng cầu ý dân, song ý kiến khác cho rằng, chỉ nên để tập thể chứ không quy định cá nhân được quyền đề xuất. 

Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị, chỉ nên trưng cầu những vấn đề lớn liên quan tới quốc tế dân sinh, lợi ích quốc gia, hay đối với các dự án đặc biệt quan trọng… ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhìn nhận, nhiều điều khoản quy định còn thiếu chi tiết. Theo ông Nghĩa, chỉ những vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia mới cần lấy ý kiến toàn dân, còn vấn đề chỉ liên quan tới địa phương nên “trao quyền” trưng cầu ý dân cho HĐND. “Có những vấn đề nên trưng cầu ý dân cả nước, có những vấn đề chỉ nên trưng cầu ý dân theo khu vực chịu tác động trực tiếp”, ông Nghĩa đề nghị.

Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, cũng cho rằng, chỉ những vấn đề mang tầm quốc gia, liên quan để cả nước mới cần thiết phải đưa ra trưng cầu ý dân, xem mức độ đồng ý và không đồng ý đến đâu. Ở Hà Nội, nếu đi hỏi ý kiến nhân dân, chắc không bao giờ triển khai được dự án môi trường về rác thải và nghĩa trang. Không có nơi nào đi hỏi ý kiến nhân dân mà lại đồng ý cho đặt nghĩa trang, chôn rác thải trên địa bàn xã của mình. Điều này phải áp dụng luật, xem có thỏa mãn nhu cầu về môi trường không chứ không thể hỏi ý kiến người dân “có đồng ý không”. “Những vấn đề đưa ra hỏi ý kiến dân phải là những vấn đề hệ trọng đối với toàn dân và cả nước”, ông Nghị nói.

Mặc dù tên dự án luật là “Trưng cầu ý dân”, nhưng ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tỏ ra băn khoăn vì luật “thiếu bóng dáng” của người dân. Đồng tình bổ sung Đoàn Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng được đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân, theo ĐB Tâm, đây sẽ là “kênh” gián tiếp để người dân đưa ra kiến nghị trưng cầu ý dân. ĐB Tâm cũng ủng hộ phương án Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam được quyền đề xuất trưng cầu ý dân. Với vai trò điều hành nhà nước, có những vấn đề  Thủ tướng thấy cần thì phải được quyền đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân.

ĐB Phạm Quang Nghị cho rằng, mặc dù có cá nhân có thẩm quyền rất cao như Chủ tịch nước, Thủ tướng nhưng  thể chế của ta là thể chế dân chủ, làm việc theo nguyên tắc dân chủ. Do vậy nên quy định các cơ quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam được quyền đề xuất trưng cầu ý dân.

MỚI - NÓNG