Việt - Đức sau 18 năm tách nhau

Việt - Đức sau 18 năm tách nhau
Gặp Đức, người anh em trong cặp song sinh Việt - Đức, vào những ngày này ai cũng nhận thấy được sự tất bật lo lắng và cả niềm hạnh phúc. Anh đang chuẩn bị cho lễ cưới của mình, vào cuối năm nay.
Việt - Đức sau 18 năm tách nhau ảnh 1

Năm 1988, ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức do giáo sư Trần Đông A làm trưởng kíp mổ thành công đã gây chấn động giới y học trong và ngoài nước.

Sau ca mổ, cả Đức và Việt đều sống nhưng Đức may mắn hơn là phát triển bình thường mặc dù phải sống với đôi nạng gỗ, còn Việt phải nằm một chỗ với chế độ chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ ở Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).

Gần 20 năm đi qua, sự thành công của cuộc đại phẫu vẫn còn làm nhiều người khâm phục. Tuy nhiên, điều làm mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn cả là Đức đang chuẩn bị cưới vợ. Cuối cùng rồi Đức cũng có một cuộc sống riêng bình thường như bao nhiêu người lành lặn khác.

Có lẽ đây là thành công lớn hơn, ý nghĩa hơn cả cuộc đại phẫu của tập thể y bác sĩ tại Làng Hòa Bình. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Giám đốc Làng Hòa Bình, cuộc sống của Đức luôn là một sự nỗ lực kỳ diệu, từ một đứa bé yếu ớt, Đức đã vượt qua bệnh tật và lo xây dựng gia đình.

Điều mà bác sĩ Phương Tần cũng như tập thể y, bác sĩ của Làng Hòa Bình tự hào về Đức là anh luôn tự tìm hạnh phúc, không tự làm tổn thương mình như những người kém may mắn khác. Và ngay từ nhỏ, Đức đã được dạy dỗ tinh thần tự lập, sự tự tin để không cảm thấy bị hụt hẫng khi không có ai bên cạnh.

Từ khi có ý thức về bản thân, Đức chưa bao giờ cảm thấy tự ti hay mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Chiến tranh có thể cướp đi sự lành lặn của cơ thể anh nhưng bù lại, nghị lực và khát vọng sống trong anh có khi lại nhiều hơn những người bình thường khác.

Đức hiểu anh may mắn hơn người anh em của mình, may mắn hơn nhiều đứa trẻ bị bại não đang được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình. Và anh cũng hiểu một người tàn tật không phải là tàn phế. Không những thế, anh cũng muốn thuyết phục mọi người xung quanh hiểu như mình.

Cũng như bao chàng trai khác, Đức cũng đã nhiều lần thất bại trong tình yêu vì không tìm được sự chia sẻ ở những phụ nữ mà anh đã từng thầm thương trộm nhớ. Đức chưa từng vì tật nguyền mà không dám ước mơ.

Anh tự hào: “Mình luôn dám nghĩ và dám sống như bao người lành lặn khác, chính mặc cảm tự ti mới lấy đi cuộc sống của mỗi người chứ không phải là sự tật nguyền”. Và rồi cuối cùng, anh cũng đã gặp được một cô gái biết chia sẻ, cảm thông và yêu thương anh với những gì anh đang có.

Từ những lần gặp gỡ qua bạn bè bắt đầu vào tháng 4/2004, Đức đã phải lòng cô bạn gái Nguyễn Thị Thanh Tuyền rất hòa đồng và biết hy sinh. Không chỉ gặp gỡ ở những lần đi chơi, Đức còn rủ Tuyền và những người bạn tham gia công tác thanh niên tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ tổ chức để bạn bè hiểu hơn về cuộc sống của người khuyết tật.

Trái tim Tuyền đã bị chinh phục bởi chàng trai tự tin, năng động, luôn luôn đầy ắp tình yêu cuộc sống. Chính niềm khát khao cuộc sống của Đức, sự chia sẻ và chăm sóc của Tuyền đã làm cho đôi bạn gắn kết nhau hơn.

Họ cũng đã gặp không ít trở ngại. Nhưng sau 2 năm quen nhau, Đức và Tuyền đã làm cho mọi người nhận thấy rằng hạnh phúc bền vững phải được xây đắp từ sự yêu thương và sẻ chia.

Đám cưới của Đức sẽ diễn ra vào ngày 16/12 tại nhà hàng Bảo Trân, thương xá Tax, với sự hỗ trợ của Công ty Yasaka của Nhật. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Đức là chưa có một ngôi nhà cho vợ chồng trú ngụ.

Hiện tại, Đức là nhân viên văn phòng tại Bệnh viện Từ Dũ với mức lương 1,9 triệu đồng/tháng và anh đang lên kế hoạch mua căn hộ trả góp từ tiền lương hằng tháng. Mặc dù Đức luôn khẳng định với mọi người anh vẫn có thể đảm đương được cuộc sống của mình, hòa nhập vào cộng đồng như bao người bình thường khác nhưng rõ ràng anh khó hơn người thường gấp bội.

Bác sĩ Phương Tần lo lắng với tình trạng sức khỏe của Đức, anh rất khó kiếm thêm việc làm để cải thiện thu nhập. Có việc làm với thu nhập cao là điều không dễ dàng đối với người bình thường, huống chi là với Đức.

Đức cho rằng anh đã chuẩn bị cho cuộc sống gia đình từ trước và đã quen sống trách nhiệm nên không thấy chuyện lo cho gia đình nhỏ là một điều nặng nề. Đức biết khó khăn ở phía trước sẽ nhiều hơn nhưng anh vẫn tin rằng khi anh có người bạn đời bên cạnh biết chia sẻ thì anh sẽ có thêm động lực để vượt qua những chướng ngại trên đường đời.

Mong sao đôi uyên ương Đức - Tuyền có được một căn nhà nhỏ để cùng nhau xây tổ ấm, cùng sẻ chia những chuyện vui buồn trong cuộc sống.

Ca mổ lịch sử

Việt - Đức sau 18 năm tách nhau ảnh 2
Vào ngày 4/10/1988, ê-kíp gồm các bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng nhiều bác sĩ khác đã mổ tách rời 2 bé song sinh Nguyễn Đức và Nguyễn Việt thành công. Ca mổ kéo dài khoảng 12 giờ.

Theo giáo sư, bác sĩ Văn Tần, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP HCM, người đã tham gia trực tiếp ca mổ Việt - Đức, vào thời điểm bấy giờ, đây là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca thứ 7 trên thế giới.

Trước đó, vào năm 1981, một phụ nữ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hạ sinh cặp song sinh dính liền Việt - Đức do bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Năm 1987, các bác sĩ phát hiện Việt bắt đầu bị viêm não và ngày càng nặng hơn.

Vì vậy, một nhóm bác sĩ thuộc các chuyên khoa sản, ngoại, nhi được thành lập để tiến hành ca mổ, nhằm giúp tình trạng viêm não không gây ảnh hưởng đến đứa trẻ còn lại là Đức dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Nhật về trang thiết bị và kỹ thuật.

Sau ca mổ, cả Đức và Việt đều phải mang hậu môn nhân tạo trên bụng. Sau hơn một năm, Đức được đưa sang Nhật để đóng hậu môn nhân tạo trên bụng và đưa hậu môn trở về vị trí bình thường.

Đến nay, Đức phát triển bình thường, khỏe mạnh; còn Việt bị teo não và mất rất nhiều bộ phận, chỉ nằm một chỗ.

Theo Người Lao Động

MỚI - NÓNG