Việt kiều có thể mua nhà như người trong nước

Việt kiều có thể mua nhà như người trong nước
"Người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN được quyền sở hữu nhà ở tại VN như người trong nước", đây là một trong những quy định mới nhất trong dự thảo Nghị định 90 sửa đổi được Bộ Xây dựng trình lên Thủ tướng ngày 10/3.
Việt kiều có thể mua nhà như người trong nước ảnh 1
Nhiều Việt kiều muốn mua nhà ở những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) - Ảnh: D.Đ.Minh

Theo dự thảo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam gồm người có quốc tịch Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Dự thảo cũng nói rõ là không hạn chế người Việt Nam định cư ở nước ngoài về số lượng nhà ở được sở hữu.

Trước nay theo Điều 126, Luật Nhà ở năm 2006 quy định, Việt kiều được quyền sở hữu nhà như công dân trong nước khi thuộc 1 trong 4 nhóm đối tượng, bao gồm: người về đầu tư lâu dài ở Việt Nam, người có công với cách mạng, nhà khoa học, các chuyên gia hoặc người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam; đồng thời giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cụ thể về những đối tượng này.

Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ bà con Việt kiều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc mua và sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở là vì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Luật Quốc tịch quy định Việt kiều gồm 2 nhóm: công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Chế độ sở hữu nhà của các đối tượng này do vậy cũng khác nhau.

Trong dự thảo Nghị định 90 sửa đổi, Bộ Xây dựng đề nghị quy định: "Việt kiều là công dân Việt Nam sẽ được sở hữu nhà ở như người Việt Nam ở trong nước; Việt kiều là người gốc Việt Nam (người từng có quốc tịch Việt Nam, người có cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam) cũng được quyền sở hữu nhà ở như người Việt trong nước khi thuộc 1 trong 4 nhóm đối tượng theo Điều 126, Luật Nhà ở. Những người khác chỉ được sở hữu 1 nhà ở (hoặc một căn hộ)".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, đa số các bộ, ngành khi góp ý đều nhất trí rằng, hướng giải quyết trên là phù hợp vì Chính phủ chỉ hướng dẫn cụ thể đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện quy định tại khoản 1 điều 126 của Luật Nhà ở, tức là chỉ quy định cho đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt, còn những người là công dân Việt Nam thì không áp dụng khoản này mà áp dụng như người Việt Nam ở trong nước.

Đơn giản hóa thủ tục

Theo thống kê của Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, đến nay mới chỉ có khoảng 137 người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam, chủ yếu tập trung ở TP.HCM. Hiện có khoảng 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, gồm cả những người định cư lâu dài, những người cư trú trong thời gian nhất định...

Một điểm dự kiến sửa đổi nữa là quy định về việc Việt kiều chỉ được thực hiện các giao dịch về nhà ở khi có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của bên bán nhà - quy định mà Bộ Xây dựng cho là chưa hợp lý, ngăn cản việc Việt kiều có thể mua nhà trong các dự án của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như công dân trong nước, dự thảo Nghị định sửa đổi cho phép việc mua bán trong trường hợp này chỉ cần "bản sao quyết định phê duyệt dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư".

Mặt khác, Luật Nhà ở quy định bất kể người Việt Nam định cư ở nước ngoài nào nếu về Việt Nam cư trú với thời hạn từ 6 tháng trở lên thì được sở hữu 1 nhà ở (hoặc căn hộ).

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay Nhà nước đã có chính sách miễn thị thực cho Việt kiều khi về Việt Nam nên Nghị định 90 cũng được sửa đổi theo hướng quy định những người được cấp giấy miễn thị thực cũng đủ điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. "Vì giá trị của giấy miễn thị thực nhiều hơn 6 tháng", tờ trình giải thích.

Nếu tờ trình này được thông qua, sẽ là bước tiến quan trọng trong việc thực thi chính sách nhà ở rộng mở của Nhà nước đối với kiều bào vốn bị mang tiếng là "mở nhưng không thông" lâu nay.

Các loại giấy tờ chứng minh đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

a) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là người mang hộ chiếu của Việt Nam.

b) Người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận đăng ký công dân, bản sao trích lục Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, bản sao trích lục Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các loại giấy tờ sau đây: Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận gốc Việt Nam hoặc các giấy tờ cũ chứng minh có quốc tịch Việt Nam của bản thân mình hoặc của một trong những người là cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại....

(trích dự thảo Nghị định 90/2006/NĐ-CP sửa đổi)

Theo An Nguyên
Thanh Niên

MỚI - NÓNG