Việt Nam cam kết bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Việt Nam cam kết bảo vệ người tố cáo tham nhũng
TP - Với việc tham gia Công ước chống tham nhũng (đã được Chủ tịch nước phê chuẩn ngày 30/6/2009), Việt Nam cam kết sẽ áp dụng các điều khoản của Công ước về bảo vệ nhân chứng, nạn nhân, điều tra viên cũng như những người tố cáo.

>> Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng?
>> Cuộc chiến chống tham nhũng ở Quảng Trị

Việt Nam cam kết bảo vệ người tố cáo tham nhũng ảnh 1
Lãnh đạo báo Tiền Phong tặng hoa những gương tiêu biểu chống tham nhũng tại bàn tròn trực tuyến “Làm gì để bảo vệ người chống tham nhũng” do Tiền Phong Online tổ chức

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định như trên, trong văn bản trả lời các khuyến nghị, ý kiến của các nước là thành viên Liên Hợp Quốc, tổ chức quốc tế, đặt ra tại phiên họp thứ 5 của nhóm làm việc về Cơ chế Kiểm điểm định kỳ (UPR) của Hội đồng Nhân quyền xem xét báo cáo Quốc gia UPR của Việt Nam, ngày 8/5/2009.

Theo Bộ Ngoại giao, tại báo cáo UPR của Việt Nam, những khuyến nghị mang tính xây dựng, phần lớn đã được Việt Nam chấp nhận. Có những khuyến nghị Việt Nam đã và đang thực hiện, như:  Cần thông qua luật bảo vệ người tố cáo để những người tố cáo tham nhũng được bảo vệ, tránh khỏi bị truy tố hoặc quấy rối...

Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng như một khâu công tác quan trọng để đảm bảo cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, Việt Nam không ủng hộ một số khuyến nghị như:

Đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp, tự do internet, báo chí tư nhân, loại bỏ những quy định hạn chế blog... Bộ Ngoại giao khẳng định: Đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bày tỏ chính kiến và quyền được thông tin cho mọi người dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, đã được Hiến định.

Về khuyến nghị loại bỏ các quy định hạn chế blog, Bộ Ngoại giao khẳng định, Nhà nước Việt Nam chủ trương khuyến khích phát triển và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân, bên cạnh đó cũng có những quy định để bảo vệ an ninh quốc gia, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, công dân.

Đây là một yêu cầu tất yếu và là thực tế áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Hệ thống các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng, các tổ chức nghề nghiệp tại Việt Nam tạo thành cơ chế đầy đủ để người dân bày tỏ ý chí - nguyện vọng, cùng Nhà nước tham gia quản lý xã hội.

Về khuyến nghị liên quan báo chí, trên thực tế, Nhà nước đã cho phép nhiều doanh nghiệp sở hữu các phương tiện truyền thông, báo chí và truyền hình, hoặc tham gia vào nhiều công đoạn trong quy trình hoạt động báo chí.

Các tập đoàn kinh tế như: Bưu chính Viễn thông, FPT,  Dầu khí, Tổng Cty truyền thông đa phương tiện (VTC)... đã sở hữu báo in, báo điện tử và đài truyền hình.

Về khuyến nghị Việt Nam thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập theo quy định của Nguyên tắc Pari, Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện các quốc gia trên thế giới đã xây dựng những cơ chế khác nhau về đảm bảo quyền con người, tuỳ theo hoàn cảnh riêng của mỗi nước.

Luật pháp quốc tế về quyền con người coi trọng các cơ chế, biện pháp đảm bảo quyền con người, nhưng không áp đặt một mô hình thống nhất trong lĩnh vực này. Trên thế giới hiện đã có trên 60 quốc gia thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, song cơ quan này ở mỗi nước có đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng.

Trên thực tế, cũng như đối với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau, hiện nay chưa thể nói đến một mô hình đảm bảo duy nhất nào. Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện các thiết chế đảm bảo quyền con người.

Về đề nghị Việt Nam gửi lời mời ngỏ đến các báo cáo viên đặc biệt và trước mắt mời một số báo cáo viên đặc biệt cụ thể vào thăm Việt Nam, quan điểm của Việt Nam là luôn mong muốn và sẵn sàng có sự hợp tác thường xuyên với các báo cáo viên đặc biệt nhưng chưa đưa ra lời mời ngỏ vào thời điểm này vì việc bố trí thời điểm và khả năng đón tiếp để đảm bảo chuyến thăm của các báo cáo viên thành công cần phải có sự thảo luận và thỏa thuận của các bên liên quan, phải trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp.

Về khuyến nghị xoá bỏ án tử hình, theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam chưa có kế hoạch xóa bỏ hoặc đình chỉ áp dụng án tử hình. Luật pháp quốc tế về các quyền dân sự, chính trị cũng không có quy định yêu cầu các quốc gia phải xóa bỏ án tử hình.

Ở Việt Nam hiện nay, để đấu tranh với tình hình tội phạm ngày càng phức tạp và nguy hiểm, án tử hình vẫn đang được coi là một biện pháp hữu hiệu để răn đe các tội phạm nguy hiểm.

Tuy nhiên, trên tinh thần nhân đạo và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam đã chủ trương chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ luật Hình sự 1999 vừa được sửa đổi cũng đã giảm số tội danh áp dụng án tử hình từ 44 xuống còn 29.

MỚI - NÓNG