Vụ Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su chứa phụ gia cấm:

Việt Nam cho phép, người dùng hoang mang

Tương ớt Chin-su được bày bán ở siêu thị Vincom, Hà Nội ảnh: N.T
Tương ớt Chin-su được bày bán ở siêu thị Vincom, Hà Nội ảnh: N.T
TP - Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật, acid benzoic không được sử dụng trong tương ớt nhưng lại là phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam. Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cũng có chất các nước trên thế giới dùng nhưng Việt Nam lại cấm.

Do đó bà Nga cho rằng, “Việc acid benzoic dùng cho tương ớt của Việt Nam mà không dùng cho tương ớt của Nhật Bản không đồng nghĩa với việc tương ớt của Việt Nam nguy hiểm. Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu có những đánh giá riêng. Khi xây dựng tiêu chuẩn, các nước này đánh giá trên tổng quan lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân nước đó”.

Hiện nay tại Việt Nam phụ gia thực phẩm acid benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm. Tại Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, acid benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1 gr/kg sản phẩm tương ớt. Tương ớt Chin-su hiện chứa từ 0,41g/kg đến 0,45g/kg acid benzoic.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết thêm, tại mỗi nước, việc quy định sử dụng phụ gia thực phẩm sẽ khác nhau, trên cơ sở thói quen sử dụng sản phẩm, công nghệ sản xuất. Vì vậy không tránh được hiện tượng một chất được nước này cho phép nhưng lại bị cấm ở nước khác. Ngoài ra, có thể cùng một chất phụ gia nhưng mỗi quốc gia lại có quy định riêng về hàm lượng sử dụng và đối tượng sử dụng. Theo bà Nga, khi cơ quan quản lý thực phẩm của một quốc gia nào đó quyết định thu hồi thì có thể do việc sử dụng chất đó không phù hợp tại quốc gia ấy.

Người tiêu dùng lo lắng

Trước thông tin Nhật Bản thu hồi lô hàng hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu của Cty Masan vì chứa chất cấm, nhiều người tiêu dùng trong nước lo lắng.

Bà Nguyễn Thị V ở đường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, 66 tuổi, hơn 30 năm làm nội trợ trong gia đình. Sáng 8/4, bà V vào chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) như thường ngày. Sau khi mua rau, bà đến cửa hàng tạp hóa, cầm chai tương ớt Chinsu lên xem một lúc, rồi lắc đầu đặt xuống. Người phụ nữ này chia sẻ: Các cháu bà trở thành “tín đồ” của tương ớt Chinsu nhiều năm nay, khoảng 3 ngày, cả nhà dùng hết một chai tương ớt Chinsu.

Trong khi đó, một số bà nội trợ đứng nói chuyện ở một góc chợ Hôm về thông tin Nhật Bản thu hồi lô sản phẩm Chinsu. Chị Nguyễn Thị Th, nhà ở gần chợ Hôm nói: “Tôi rất lo khi biết thông tin tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi do chứa chất cấm vì sản phẩm này trẻ con nhà tôi rất thích, dùng hàng ngày”, chị Th nói.

Một người bán hàng tạp hóa gần 30 năm ở ngay cổng ra vào chợ Hôm cho biết, sau khi có thông tin tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi thì người mua giảm hẳn. “Tôi rất bất ngờ khi biết thông tin trên. Bán xong lô hàng này, tôi sẽ tạm ngừng nhập tương ớt Chinsu vì lo không bán được hàng”, bà này chia sẻ.

Tại tầng 4 ở một trung tâm thương mại Vincom Center trên đường Bà Triệu (Hà Nội), mặt hàng tương ớt Chinsu bày nổi bật nhưng khách hàng ít chọn mua. Hơn 1 tiếng quan sát, PV thấy chỉ có 2 người tiêu dùng chú ý tới các sản phẩm tương ớt Chinsu.

Anh Nguyễn Văn Tư, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế là một khách hàng hiếm hoi có nhu cầu mua tương ớt Chinsu khi đi vào trung tâm thương mại này. Tuy nhiên, cầm chai tương ớt này trên tay, xem xét một lúc, anh Tư lại đặt xuống. Anh này cho biết, anh sắp đi Nhật Bản du học nên muốn mua vài chai tương ớt Chinsu để sang đó sử dụng. Nhưng nghe thông tin bên Nhật Bản thu hồi sản phẩm này nên anh lại ngừng mua.

Anh Nguyễn Hoàng Linh ở đường La Thành, quận Ba Đình cũng băn khoăn khi biết mặt hàng tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi. “Tôi và các con “nghiện” tương ớt Chinsu. Ngay cả ăn mì buổi sáng, cả nhà cũng cho tương ớt này vào. Giờ biết thông tin này, tôi rất lo, nên tạm thời ngừng sử dụng. Nhưng không ăn tương ớt thì tôi và các con chưa biết ăn loại gì”, anh Linh chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.