Việt Nam có trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại

Lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu giống lúa lai
Lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu giống lúa lai
TPO - Là đất nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu trên 1.000 tấn giống lúa lai từ Trung Quốc, Ấn Độ. Trung tâm nghiên cứu lúa lai tại Nam Định ra đời sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam chủ động hơn về giống lúa. 

Ngày 14/8, Trung tâm nghiên cứu giống lúa lai do tập đoàn Syngenta làm chủ đầu tư đã được khánh thành tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là trung tâm lúa lai hiện đại hàng đầu Việt Nam do một tập đoàn đa quốc gia đầu tư và vận hành. 

Trung tâm nghiên cứu được xây dựng trên diện tích 4 ha với tổng kinh phí giai đoạn 1 ước trên 30 tỷ đồng. Được thiết kế theo tiêu chuẩn toàn cầu của hãng với những công nghệ mới nhất phục vụ nghiên cứu khoa học từ hệ thống máy móc, thiết bị thí nghiệm đến điều kiện thí nghiệm và tiêu chuẩn an toàn lao động… Trung tâm có thể kết nối với các cơ sở nghiên cứu của Syngenta trên tòa cầu để chia sẻ số liệu và thông tin khoa học. 

Đại diện cho ngành nông nghiệp địa phương phát biểu tại lễ khánh thành, ông Đỗ Hải Điền – PGĐ Sở NNPTNN Nam Định nói: “Sau hơn 3 năm khảo sát nghiên cứu xây dựng, hôm nay Trung tâm nghiên cứu lúa lai đã chính thức đi vào hoạt động, đáp ứng đúng nhu cầu của nông nghiệp Nam Định nói riêng và nền nông nghiệp cả nước. Mặc dù có nhu cầu cần đến 2.000 tấn giống lúa lai 1 năm nhưng hiện nay chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 1.000 tấn từ Ấn Độ, Trung Quốc. Việc nhập khẩu khiến nông dân phải mua giống giá đắt, không chủ động được khâu giống. Nam Định là tỉnh chuyên về trồng lúa vì vậy chúng tôi đã ban hành các cơ chế chính sách đầu tư về nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt nghiên cứu giống lúa lai và Trung tâm nghiên cứu lúa lai của Syngenta là một điển hình. Rất mong Trung tâm có thể đáp ứng nhu cầu về giống lúa lai, canh tác sản xuất cho nông dân”. 

Việt Nam có trung tâm nghiên cứu lúa lai hiện đại ảnh 1

Quá trình phát triển của Trung tâm chia thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn một, Syngenta chủ yếu nhập khẩu nguồn gen lúa từ các trung tâm của tập đoàn trên toàn cầu để lai tạo bằng phương pháp truyền thống, đồng thời đầu tư trang thiết bị nghiên cứu chất lượng xay xát. Ở giai đoạn hai dự kiến sẽ được khởi động vào năm 2017, Trung tâm nghiên cứu lúa lai sẽ mở rộng thêm diện tích với những phòng thí nghiệm hiện đại để ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo như: Nuôi cấy bao phấn, đánh giá tính kháng sâu bệnh nhân tạo, đánh giá chất lượng sinh hóa của hạt gạo. 

Ông Kumar Datta, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam cho biết: “Dự án đầu tư này thể hiện cam kết tiếp tục gắn bó với sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam của chúng tôi. Để đạt được những dự định tương lai, chúng tôi rất cần sự ủng hộ của các cơ quan hữu quan Chính phủ”.

MỚI - NÓNG