Việt Nam còn nhiều việc phải làm

Ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Ảnh: Nguyễn Hoài
Ông Yukiya Amano, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án rất lớn và phức tạp. Việt Nam còn nhiều việc phải làm để có thể khởi động xây dựng.

Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Yukiya Amano tại cuộc họp báo sáng qua ở Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông Yukiya Amano đang có chuyến làm việc năm ngày ở Việt Nam (ngày 7 - 11/1/2014).

An toàn hơn sau sự cố Fukushima

Ông có thể chia sẻ tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản (3/2011), gây nhiều quan ngại ở Việt Nam?

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, niềm tin của cộng đồng quốc tế vào điện hạt nhân suy giảm nghiêm trọng như ở Đức, họ đẩy mạnh việc chấm dứt dùng điện hạt nhân.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn đặt niềm tin vào điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng bởi mấy ưu điểm như không sản sinh khí gây hiệu ứng nhà kính, giá thành nhiên liệu ổn định hơn nhiên liệu hóa thạch, cung cấp nguồn điện ổn định cho phát triển kinh tế. Theo ước tính của IAEA, đến 2030, điện hạt nhân có thể tăng 17%, kịch bản cao nhất có thể tăng 94%.

Điểm khác biệt trước và sau sự cố Fukushima là các nước đều chú trọng vấn đề an toàn. Các quốc gia châu Âu tiến hành thử nghiệm khả năng chống chịu với thiên tai nghiêm trọng như lốc xoáy, động đất, sóng thần, lụt lội của nhà máy điện hạt nhân. Khi tham quan Nga, Ấn Độ, Nam Phi, tôi thấy các nhà máy điện hạt nhân của họ đều được tăng cường các chi tiết an toàn.

Thời gian tới, trung tâm phát triển điện hạt nhân của thế giới sẽ ở châu Á.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân, vậy IAEA sẽ hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam như thế nào?

Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ từng quốc gia phát triển điện hạt nhân an toàn, an ninh và bền vững, trong đó có việc xây dựng bộ hướng dẫn 19 điểm quan trọng để phát triển điện hạt nhân. Đây không phải là tài liệu bắt buộc nhưng hữu dụng về nhiều vấn đề như xây dựng luật năng lượng nguyên tử, xây dựng các vấn đề pháp quy, lựa chọn địa điểm, đào tạo nhân lực. Các quốc gia nên tham khảo.

Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và IAEA rất tốt đẹp. Việt Nam là đối tác quan trọng của IAEA với nhiều tiềm năng hợp tác. Mục đích của tôi đến Việt Nam lần này là làm thế nào tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai bên trong phát triển điện hạt nhân.

Chúng tôi đã có cam kết vững chắc từ lãnh đạo của Việt Nam và chúng tôi cam kết hỗ trợ mọi thứ để Việt Nam phát triển thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Những hợp tác cụ thể trong thời gian tới, thưa ông?

IAEA đã mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đến Việt Nam thảo luận các vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Qua đó, có thể nắm bắt Việt Nam đang có những vấn đề gì, cần phải cải thiện gì?

Việt Nam cũng có thể học hỏi từ chuyên gia quốc tế những kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân. IAEA đã lên kế hoạch đưa các đoàn chuyên gia này đến Việt Nam thường xuyên hơn.

Hiện nay IAEA có hỗ trợ Việt Nam các dự án hợp tác kỹ thuật như dự án phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân pha 2, dự án phát triển cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Theo ông để có thể khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trước mắt Việt Nam phải làm gì?

Từ khi có ý định phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã tham vấn IAEA. Các bạn có nhiều tiến bộ như tham gia các công ước quốc tế về năng lượng hạt nhân, đào tạo con người, xây dựng báo cáo khả thi. Tuy nhiên, tôi khẳng định, dự án điện hạt nhân là một dự án lâu dài, phức tạp, còn rất nhiều việc phải làm.

19 điểm trong bộ hướng dẫn của IAEA chỉ là tài liệu tham khảo, Việt Nam phải tự xem xét hiện trạng phát triển, so sánh với bộ hướng dẫn và tham vấn IAEA. Quá trình tham vấn phải mang tính chất liên tục giữa hai bên để việc phát triển điện hạt nhân an toàn cao nhất.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những việc quan trọng nhất là phải xây dựng một cơ quan pháp quy độc lập, vững mạnh, chịu trách nhiệm giám sát. Ngoài ra, điện hạt nhân là một dự án lâu dài, phức tạp, có sự tham gia của nhiều bên. Việc có một kế hoạch hợp lý là quan trọng nhất để có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên, điều phối các bên tham gia theo đúng mong muốn.

Việt Nam cũng nên tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia đã phát triển điện hạt nhân vì tôi biết nhiều quốc gia như thế rất sẵn sàng giúp đỡ và chúng tôi cũng thúc đẩy sự giúp đỡ của các quốc gia đã phát triển với các quốc gia mới phát triển như Việt Nam.

Xin cảm ơn ông.

Không nên vội vàng

Trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong: Việt Nam cần thêm bao lâu để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (trước đó dự kiến khởi công năm 2014), ông Yukiya Amano cho biết, thông thường một quốc gia mất 10-15 năm từ giai đoạn lên kế hoạch đến khởi công xây dựng.

Việt Nam cần phải chuẩn bị hết sức cẩn thận, tham vấn kỹ lưỡng với IAEA, không nên vội vàng, gấp gáp bởi đây là dự án rất lớn với quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.

MỚI - NÓNG