Việt Nam đã có 15 ca nhiễm cúm A/H1N1

Việt Nam đã có 15 ca nhiễm cúm A/H1N1
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 8/6, đã phát hiện thêm 2 ca nhiễm cúm A(H1N1) nâng tổng số người nhiễm cúm A(H1N1) tại Việt Nam lên tổng số 15 ca.

Tính đến 15 giờ cùng ngày, trên thế giới đã có 73 quốc gia, vùng lãnh thổ với 25.288 ca mắc cúm A(H1N1) và 139 ca tử vong.

Như vậy, so với ngày 5/9, số người nhiễm cúm A(H1N1) đã tăng hơn 3000 trường hợp và số người tử vong đã tăng 14 trường hợp.

Được biết hai trường hợp được xác định nhiễm cúm mới nhất là N.T.T, 39 tuổi và J. H, 11 tuổi, đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2, đi cùng chuyến bay UA 869.

Trong tổng số 15 trường hợp có kết quả dương tính với cúm A/H1N1 có 6 trường hợp đi cùng chuyến bay UA 869 từ Mỹ về Việt Nam quá cảnh tại Hồng Kông và hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất vào 23 giờ 30 ngày 5/6.

Trên chuyến bay này có 293 hành khách, trong đó có 210 hành khách có địa chỉ cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp cận được 185 người; số còn lại đang tiếp tục truy tìm và yêu cầu gia đình tư vấn, tiếp cận, giám sát.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Do số lượng hành khách có thân nhiệt cao phát hiện tại sân bay ngày càng nhiều, với mức trung bình mỗi ngày phát hiện từ 10 đến 15 người. Vì vậy, với số lượng hành khách cách ly, khảo sát vi rút khá cao, các Bệnh viện: Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 có nguy cơ bị quá tải.

Kể từ ngày 9/6, thêm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch được chọn làm nơi giám sát, cách ly kiểm dịch đối với tất cả các trường hợp phát hiện sốt tại sân bay và những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cúm A(H1N1) tại cộng đồng. Khu vực cách ly của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có 50 giường bệnh, sẽ được trang bị thêm các tiện nghi phục vụ công tác cách ly được tốt hơn.

Chiều cùng ngày, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất in biểu mẫu mới (tờ khai màu đỏ) và chuyển đến sân bay để phục vụ hành khách đến từ vùng dịch.

Ngoài ra, Sở cũng triển khai các cảnh báo về cúm A(H1N1) đến các khách sạn, sân bay, bến bãi, khu vui chơi giải trí, nơi tụ tập đông người trên địa bàn thành phố để tạo thuận lợi cho người dân theo dõi tình hình bệnh và được sự hỗ trợ tốt nhất nếu có nghi ngờ bị cúm A(H1N1).

Đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch cúm A(H1N1) tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Hiện nay số lượng bệnh nhân còn ít và hầu hết từ nước ngoài về Việt Nam, triệu chứng bệnh nhẹ, không phức tạp.

Đến nay, rất may tỷ lệ tử vong cúm A(H1N1) trên thế giới cũng không quá cao, trừ Mê-hi-cô; vì vậy người dân không nên quá lo lắng. Ông Châu khẳng định, Bộ Y tế Việt Nam miễn phí đối với tất cả những trường hợp cách ly kiểm dịch và cách ly điều trị cúm A(H1N1).

Cúm A/H1N1 lây lan nhanh ở Mỹ La-tinh

Dịch cúm A/H1N1 đang lan nhanh ở Mỹ La-tinh với việc Chi-lê ngày 7/6 thông báo trường hợp tử vong thứ hai vì cúm A/H1N1 tại nước này, trong khi một loạt quốc gia khác trong khu vực xác nhận thêm các trường hợp lây nhiễm mới.

Người phát ngôn của Bộ Y tế Chi-lê cho biết trường hợp tử vong thứ hai do vi-rút cúm A/H1N1 ở nước Nam Mỹ này là một người đàn ông, 56 tuổi, đã chết tại thành phố Osorno hôm 3/6. Tổng số ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Chi-lê tính tới thời điểm này là 890 trường hợp, đưa nước này đứng đầu Mỹ La-tinh về mức độ lây lan vi-rút cúm.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở các nước Mỹ La-tinh như Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay, Cô-lôm-bi-a, Pê-ru, Chi-lê, Ôn-đu-rát, CH Đô-mi-ni-ca-na và Cu-ba đều tăng trong ngày 7/6. Riêng tại Ni-ca-ra-goa, vi-rút chủ yếu lây lan trong trẻ em ở độ tuổi đi học, buộc chính quyền phải đóng cửa ít nhất hai trường học.

Tại khu vực châu Âu, trong 24 giờ qua có 26 trường hợp mới nhiễm cúm A/H1N1 được xác nhận.

MỚI - NÓNG