Việt Nam đang thực sự cuốn hút các nhà đầu tư

Việt Nam đang thực sự cuốn hút các nhà đầu tư
TP - Hôm qua, 15/11, Diễn đàn Đầu tư APEC 2006 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn quan trọng này.
Việt Nam đang thực sự cuốn hút các nhà đầu tư ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn  Đầu tư APEC 2006

600 đại biểu bao gồm đại diện cấp cao các nền kinh tế APEC, các đoàn ngoại giao, các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư của nhiều nền kinh tế đã tới dự hội nghị.

Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển cũng như đóng góp của 21 nền kinh tế APEC trong suốt 17 năm thành lập. APEC hiện chiếm khoảng 40% dân số thế giới với khoảng 56% GDP, 48% tổng kim ngạch thương mại thế giới.

Diễn đàn đầu tư APEC 2006 hôm nay là hoạt động rất quan trọng, là cơ hội tốt để mỗi thành viên trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm các biện pháp nhằm cải thiện môi trường để đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư, đồng thời khuyến nghị và tham gia ý kiến vào chủ đề của APEC 14.

Về công cuộc đổi mới của VN trong 20 năm qua, trong đó 8 năm trở lại đây là thành viên của APEC, Thủ tướng nói:

“Đến nay Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và nền kinh tế; có hơn 8.000 dự án đầu tư trực tiếp từ 76 quốc gia và nền kinh tế với tổng vốn đăng ký trên 70 tỷ USD. Chúng tôi vui mừng nhận thấy APEC có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam với trên 70% thị trường xuất khẩu của Việt Nam và trên 73% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là từ các nền kinh tế APEC”.

Thủ tướng tin tưởng rằng, thông qua Diễn đàn này cùng với các hoạt động quan trọng khác của tuần lễ cấp cao APEC, các thành viên APEC trong đó có Việt Nam, sẽ có thêm nhiều thuận lợi và cơ hội trong việc hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, tiếp tục góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Cũng tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc kêu gọi các DN đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

VN có điều kiện lý tưởng cho đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn, ông R. David Knapp - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nhận định:

“Vấn đề đi lên của Việt Nam giờ đây không còn là bí mật nữa. Với sự hiện diện của Tổng thống G. Bush, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nhật Bản Abe… cùng nhiều nhà lãnh đạo APEC khác đến Hà Nội dự tuần lễ cấp cao APEC trong tuần này, VN đã có một vị thế trên thế giới mà quốc gia này xứng đáng được hưởng”.

Nhìn nhận về việc VN vừa trở thành thành viên của WTO, ông David Knapp nói:

VN sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các Cty Mỹ và các Cty khác trên khắp thế giới đến đây làm ăn. Điều này cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển cho chính VN và cho cuộc sống của 84 triệu dân tại đây.

Ông David Knapp cho hay, các nhà đầu tư Mỹ đang bị VN cuốn hút bởi tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ, tốc độ công nghiệp hóa, nguồn nhân lực dồi dào, sự ổn định chính trị và triển vọng môi trường đầu tư sẽ tốt hơn nữa với tư cách là thành viên của WTO.

Cùng chung với nhận định trên, TGĐ Canon VN – với 2 nhà máy đang hoạt động, 1 nhà máy đang xây dựng, có tổng vốn đầu tư 306 triệu USD, thu hút 10.000 lao động VN – ông Kageyama nói:

"Tôi xin chia sẻ với quí vị lý do vì sao Canon quyết định đầu tư vào đây. VN chính là nơi có điều kiện hết sức lý tưởng cho đầu tư, đất nước này có nguồn nhân lực rất tốt, người VN rất sáng tạo và thông minh, trong nhà máy của tôi tất cả người VN đều đạt yêu cầu với độ chính xác cao chỉ sau 3 tuần được đào tạo”.

Nhà đầu tư người Nhật này cũng cho biết, VN hiện đang có rất nhiều ưu đãi cho đầu tư nước ngoài, và đây là sức hấp dẫn và cạnh tranh cao của VN nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực. TGĐ Canon cũng đưa ra những con số đầy ấn tượng về tốc độ đầu tư của các Cty Nhật Bản vào VN, nếu như năm 2002 chỉ có 370 Cty Nhật Bản vào VN kéo theo 7 nhà cung cấp vệ tinh thì tới nay đã có tới trên 700 Cty với 70 nhà cung cấp, trong đó trên 60% là các nhà cung cấp VN.

Chủ tịch AmCham tiết lộ, trong tuần qua, ngay sau sự kiện VN gia nhập WTO, rất nhiều người đã hỏi ông, liệu có một làn sóng đầu tư mới của Mỹ vào VN. Trên thực tế, nếu tính cả các nhà đầu tư Mỹ đến từ các chi nhánh tại các nước thứ 3 như Singapore, HongKong… thì Mỹ đang là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào VN.

Vị chủ tịch AmCham cũng nhắc lại sự kiện tập đoàn Intel vừa nâng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD vào VN, và chắc chắn sẽ còn nhiều Cty Mỹ nữa vào VN nhân cơ hội VN vừa trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Những thông điệp mạnh mẽ và đầy thuyết phục trên của các nhà đầu tư lớn, có uy tín như Mỹ và Nhật trước hàng trăm nhà đầu tư đến từ nhiều nền kinh tế hùng mạnh trong APEC, ngay sau khi VN vừa gia nhập WTO, chắc chắn sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với quá trình thu hút đầu tư của nước ta.

Cần phải cải thiện ngay hệ thống giáo dục

Tuy nhiên, thay mặt cho các thành viên của AmCham, trong đó có nhiều Cty đa quốc gia lớn nhất thế giới,  ông David Knapp đã nêu lên 5 khuyến nghị với Chính phủ VN liên quan đến các vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đấu tranh chống tham nhũng; luật pháp liên quan đến môi trường đầu tư, tranh chấp thương mại; cơ sở hạ tầng phục vụ đầu tư như cảng nước sâu, cung cấp điện và khuyến nghị nên để tư nhân tham gia vào việc xây dựng hạ tầng và cải thiện giáo dục, đặc biệt là đào tạo ĐH và sau ĐH.

Vị chủ tịch tập đoàn Canon VN thì bày tỏ mối lo ngại về nguồn cung cấp điện và hệ thống cảng nước sâu của VN.

Ông David Knapp cho rằng, VN cần thiết phải cải thiện ngay hệ thống giáo dục của mình, bởi nó không còn phù hợp với tiến trình hội nhập nữa. Hệ thống đào tạo ĐH và sau ĐH là nền tảng quan trọng nhất của một quốc gia trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa, đây cũng là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến các thế hệ tương lai.

Ông David Knapp đã chỉ ra những ví dụ hết sức cụ thể như, nhiều SV luật của VN chỉ dành 4 năm học cho việc học cho thuộc các luật thay cho tư duy phân tích và tranh luận, thậm chí ngay sau khi ra trường các bộ luật này đã bị lạc hậu, còn giảng viên thì nhiều người chưa bao giờ có kinh nghiệm thực hành về luật thương mại.

Điều này có nghĩa, SV đang thiếu những kỹ năng cơ bản cần thiết về những hệ thống luật phức tạp hiện nay, họ chỉ biết trả lời theo những cái đã có sẵn. SV luật của VN cần phải được dạy về cách tư duy, phân tích chính sách và các vấn đề của nó, rồi áp dụng vào thực tế để tìm ra câu trả lời.

Trong các ý kiến phát biểu của nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn đầu tư qui mô lớn chưa từng có tại VN, hầu hết đều chung nhận định: VN còn rất nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.

MỚI - NÓNG