Việt Nam đẩy mạnh việc phòng chống rửa tiền

Việt Nam đẩy mạnh việc phòng chống rửa tiền
Các chuyên gia đều nhất trí phải hoàn tất khung pháp lý phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam; cũng như làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước, đại diện các Bộ, ngành và một số tổ chức tại Việt Nam đã có cuộc thảo luận trong 2 ngày (2 và 3/3) tại Hà Nội.

Tại cuộc hội thảo, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang gấp rút soạn thảo thông tư hướng dẫn và các quy định cụ thể về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền.

Dự thảo Nghị định về phòng chống rửa tiền đang được Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số cơ quan trước khi ban hành trong nửa đầu năm nay.

Sau hơn 2 năm chuẩn bị, tháng 11/2004, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định này, trong đó quy định cụ thể thế nào là hành vi rửa tiền, các biện pháp phòng và chống việc rửa tiền... cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này.

Trong Báo cáo năm 2000, Cơ quan chống các chất gây nghiện quốc tế (INCSR) đã sắp xếp nguy cơ rửa tiền ở các nước trên thế giới vào một hệ thống phân loại gồm 3 mức: Nhóm mức độ lo ngại cao, nhóm mức độ lo ngại trung bình và nhóm được theo dõi. Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có mức độ lo ngại trung bình.

Theo ADB, điều mà giới kinh doanh và các nhà đầu tư hướng tới thị trường Việt Nam đang rất quan tâm là nếu nguồn tài chính được kiểm soát tốt, chi phí tham nhũng ít hơn, lãi suất thấp hơn (đồng nghĩa với rủi ro thấp hơn), thì các cơ hội đầu tư sẽ tốt hơn. Công chúng cũng sẽ giảm được những mối lo ngại về nạn tham nhũng và giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

MỚI - NÓNG