Việt Nam đối mặt với chất lượng dân số thấp

Việt Nam đối mặt với chất lượng dân số thấp
TP - Hôm 20/8, tại hội thảo về định hướng công tác dân số giai đoạn 2010 - 2020, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đưa Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn.
Việt Nam đối mặt với chất lượng dân số thấp ảnh 1
Việt Nam đối mặt tình trạng bùng nổ dân số lần hai. 

Tuổi thọ bình quân khỏe mạnh chỉ có 60,2 tuổi

Trong khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam khá cao (72,2 tuổi), tuổi thọ bình quân khỏe mạnh lại khá thấp, chỉ đạt 60,2 tuổi. Như vậy, bình quân mỗi người dân có tới 12 năm bị ốm đau, bệnh tật so với 72,2 tuổi sống.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng bùng nổ dân số lần hai vào năm 2020.

Ông Đinh Công Thoan - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổ chức, cho biết, hiện nay, tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ chiếm tới 1,5 phần trăm dân số. Trong đó, số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm khoảng 1,5 đến ba phần trăm và xu hướng này tiếp tục tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại, lối sống hoặc phong tục, tập quán lạc hậu, dị tật bẩm sinh chưa được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Số lượng người bị tàn tật, khuyết tật khá lớn với khoảng 5,3 triệu người và hàng năm vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng gia tăng dân số mới bị tàn tật, khuyết tật do tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Một điểm nữa cho thấy chất lượng dân số không cao là tầm vóc thể lực của người Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Vị thành niên và thanh niên Việt Nam không chỉ thấp bé nhẹ cân mà còn yếu cả về sức mạnh cơ bắp, dẻo dai và sức bền.

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam ở mức thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2008, chỉ số HDI của Việt Nam chỉ đạt 0,733 điểm, xếp thứ 105/177 quốc gia.

Năm 2020, nguy cơ bùng nổ dân số lần hai

Tại hội thảo các nhà phân tích dân số cũng chỉ ra nguy cơ Việt Nam đối mặt với hiện tượng bùng nổ dân số lần hai vào năm 2020. Theo đó, số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15 - 49) tăng nhanh từ 21,5 triệu người năm 2000 lên 25,9 triệu người vào năm 2010. Chỉ số này sẽ đạt mức cực đại là 26,9 triệu người vào năm 2020.

Một nguyên nhân nữa là số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ lớn gấp hai lần số phụ nữ ra khỏi tuổi sinh đẻ. Đặc biệt, trong 10 năm tới, phụ nữ sinh ra trong những năm 1975 - 1995 có quy mô đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam (khoảng 90 vạn người cho mỗi độ tuổi), nên nhóm phụ nữ 20 -34 tuổi (giai đoạn sinh con lý tưởng nhất trong cuộc đời) đạt mức cực đại là 12,3 triệu người. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới bùng nổ dân số lần hai vào năm 2020.

Đồng thời, tỷ số giới tính (nam/nữ) khi sinh sẽ bước vào mức cao. Hiện đã có chín tỉnh có tỷ số giới tính từ 115- 128 (cứ 115 nam thì có 100 nữ). Dự báo năm 2020 tỷ số giới tính khi sinh sẽ đạt 115 và sẽ giảm xuống 108 vào năm 2030.

Ngoài ra, tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài có xu hướng tăng mạnh khiến cho tình trạng mất cân bằng giới tính  trầm trọng hơn. Mục tiêu 2020, khống chế giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 115 nam/100 nữ.

Để nâng cao chất lượng dân số về mọi mặt, ngành dân số sẽ triển khai nhiều dự án như tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; thực hiện các biện pháp phòng ngừa các tai nạn mới mắc.

* TS Dương Quốc Trọng - Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KKHGĐ, cho biết, nâng cao chất lượng dân số được coi là mục tiêu số một của ngành dân số thời gian tới.

Theo đó, ngành y tế sẽ từng bước cải thiện chất lượng giống nòi, giảm tỷ lệ trẻ em mới sinh bị tật bẩm sinh xuống dưới 1,5 phần trăm vào năm 2020; tăng tuổi thọ bình quân lên 75 tuổi vào năm 2020... 

* TS Dương Quốc Trọng cho hay, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội đề nghị có chính sách đặc biệt đối với người cao tuổi có một hoặc hai con gái nhưng không có con trai.

Chính sách đặc biệt này sẽ góp phần làm giảm tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi và giảm mức tăng sinh tự nhiên.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.