Tổng Điều tra dân số và nhà ở :

Việt Nam đông dân thứ 13 thế giới

Việt Nam đông dân thứ 13 thế giới
Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 người, tăng 9,47 triệu người so với năm 1999. Với dân số này, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở ASEAN và thứ 13 trên thế giới. Hiện Việt Nam có trên 7.200 cụ sống thọ trên 100 tuổi.
Việt Nam đông dân thứ 13 thế giới ảnh 1
Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 người. Ảnh : Nguyễn Tú.

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã chủ trì hội nghị trực tuyến công bố 5 chỉ tiêu quan trọng của Tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐT) năm 2009.

Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm trong giai đoạn 1999-2009 là 1,2%/năm, giảm 0,5%/năm so với 10 năm trước và là tỷ lệ tăng thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Ngoài các chỉ tiêu quan trọng này, một con số ấn tượng trong TĐT lần này chính là Việt Nam có trên 7.200 cụ sống thọ trên 100 tuổi.

5 tỉnh, thành phố có dân số đông nhất cả nước là: thành phố Hồ Chí Minh đông dân nhất cả nước với 7.123.340, tiếp đến là Hà Nội với 6.448.837, Thanh Hóa với 3.400.239, Nghệ An với 2.913.055 và Đồng Nai 2.483.211. Bắc Kạn là tỉnh có dân số thấp nhất cả nước với 294.660 người.

Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm gấp hơn 2 lần mức chung của cả nước: Bình Dương 7,3%, thành phố Hồ Chí Minh 3,5%, Kon Tum, Bình Phước, Gia Lai, Đà Nẵng…Đáng chú ý, Bình Dương là tỉnh có quy mô dân số tăng hơn 2 lần trong vòng 10 năm qua.

Dân số Việt Nam phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng: hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tới 43% dân số của cả nước sinh sống. Hai vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên chỉ có 19% dân số cả nước sinh sống. Số liệu cũng cho thấy, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất với 3,2%/năm; Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ nhập cư rất cao, do vậy dân số đã tăng nhanh với tỷ lệ bình quân 2,3%/năm.

Kết quả Tổng điều tra cho thấy: dân số ở thành thị chiếm 29,6% tổng dân số cả nước, tăng bình quân 3,4%/năm; trong khi tỷ lệ tăng dân số ở khu vực nông thôn chỉ là 0,4%/năm. Đông Nam bộ là vùng có mức độ độ thị hóa cao nhất với dân số thành thị chiếm 57,1%; tiếp đến là vùng đồng bằng sông Hồng có mức độ đô thị hóa tương đối cao với 29,2% dân số sống ở thành thị.

Đặc biệt, với sự kiên trì của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, tỷ số giới tính đã dịch chuyển về thế cân bằng hơn và đạt mức 98,1 nam/100 nữ, tăng 1,4 nam/100 nữ so với năm 1999. Tỷ số giới tính cao hơn ở những vùng phát triển nhanh với các ngành nghề thu hút những người di cư là nam giới từ các nơi khác đến và thấp hơn ở những vùng có mức phát triển nhanh nhưng chủ yếu phát triển các ngành nghề thu hút lao động nữ là chính.; trong đó Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: TĐT đã thành công tốt đẹp với 5 chỉ tiêu quan trọng ban đầu được công bố là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm qua và là cơ sở để tính toán chiến lược cho 10 năm tới ở cấp quốc gia và từng tỉnh, thành.

MỚI - NÓNG