Việt Nam phê chuẩn Hiến chương ASEAN

Việt Nam phê chuẩn Hiến chương ASEAN
TP - Chiều 20/3, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiến chương ASEAN và đã thông báo kết quả này tới Ban Thư ký ASEAN.

Ông Lê Dũng nói rằng, ngày 6/3 vừa qua, Chủ tịch  nước Nguyễn Minh Triết đã phê chuẩn bản Hiến chương ASEAN, sau đó ngày 14/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã ký Thư thông báo kết quả này gửi đến Ban Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN.    

Với việc phê chuẩn này, Việt Nam trở thành nước thứ 5 phê chuẩn Hiến chương ASEAN, bốn nước đã phê chuẩn trước gồm Singapore, Brunei, Lào, Myanmar. Đây được xem là sự kiện quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực, góp phần thúc đẩy hợp tác, phát triển trong ASEAN.

Các nước còn lại trong ASEAN cho biết họ sẽ phê chuẩn Hiến chương ASEAN trong năm nay. Theo thỏa thuận tại Singapore, 30 ngày sau khi tất cả các nước thành viên đã phê chuẩn, Hiến chương sẽ tự động có hiệu lực. Sau đó cứ 5 năm một lần bản Hiến chương ASEAN sẽ được xem xét, bổ sung, chỉnh sửa lại.

Hiến chương ASEAN có 13 chương gồm 55 điều được các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 ký ngày 20/11/2007 tại Singapore cùng với một bản tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hoàn tất việc phê chuẩn Hiến chương trong vòng một năm.

Các nội dung chính của bản Hiến chương này gồm mục đích, nguyên tắc hoạt động; tư cách pháp nhân; qui chế thành viên; cơ cấu tổ chức; các thể chế liên quan tới ASEAN; các ưu đãi miễn trừ; ra quyết định; giải quyết tranh chấp; tài chính ngân sách; các vấn đề hành chính, thủ tục; biểu trưng và biểu tượng; quan hệ đối ngoại; các điều khoản chung. Kèm với bản Hiến chương còn có 4 bản phụ lục về lá cờ ASEAN, biểu tượng ASEAN, các thể chế liên kết với ASEAN, và các cơ quan cấp bộ trưởng khu vực ASEAN.

Nội dung Hiến chương ASEAN là một sự đúc kết và hệ thống hóa những mục tiêu, nguyên tắc và thỏa thuận đã có của Hiệp hội trong một văn kiện pháp lý có bổ sung và cập nhận cho phù hợp với tình hình mới trên cơ sở đồng thuận.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN nhất trí ý tưởng về một bản hiến chương cho Hiệp hội từ năm 2004 tại Hội nghị cấp cao lần thứ 10. Sự ra đời của Hiến chương ASEAN là một nhu cầu tất yếu khách quan và là một bước chuyển giai đoạn quan trọng của Hiệp hội sau 40 năm tồn tại và phát triển.

Điều này phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên nhằm xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, vững mạnh hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương để hỗ trợ cho mục tiêu vì hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như của từng nước thành viên.

Hiến chương ASEAN tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho Hiệp hội gia tăng liên kết khu vực, trước hết là thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Nội dung Hiến chương thể hiện rõ tính chất của ASEAN là một tổ chức liên chính phủ hợp tác khu vực trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các nước thành viên chứ không phải là một tổ chức nhất thể hóa kiểu siêu quốc gia tương tự như Liên minh châu Âu (EU).

Điều này chính là nền tảng và sẽ quyết định nhiều vấn đề cơ bản của ASEAN hiện nay và trong tương lai. Trước đây ASEAN tuy được lập ra nhưng chỉ trên cơ sở một bản Tuyên bố chính trị chứ không phải là một văn bản pháp lý do đó không có tư cách pháp nhân. Bản Hiến chương ASEAN ra đời sẽ làm cho Hiệp hội này trở thành một tổ chức có tư cách pháp nhân trong quan hệ quốc tế.

Đáng chú ý là trong bản Hiến chương này các ý tưởng hay những khuyến nghị mang tính chất cấp tiến của một vài nước thành viên về thành lập Liên minh ASEAN, Quốc hội ASEAN, Tòa án ASEAN, vấn đề trừng phạt hoặc treo tư cách thành viên khi có vi phạm, việc ra quyết định bằng bỏ phiếu,v.v. không được đề cập tới.  

MỚI - NÓNG