Việt Nam sử dụng năng lượng không hiệu quả

Việt Nam sử dụng năng lượng không hiệu quả
TP - 50 triệu đồng là số tiền Nhà nước hỗ trợ mỗi doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng thời gian qua. Trong năm 2007 có 10 doanh nghiệp và năm 2008 có 30 doanh nghiệp đăng ký kiểm toán năng lượng.
Việt Nam sử dụng năng lượng không hiệu quả ảnh 1
Việt Nam đang quan tâm tới vấn đề tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng đô thị

Hiện nay, việc kiểm toán năng lượng mới chỉ mang tính chất khuyến khích, tự tham gia. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả có hiệu lực, đây sẽ là hoạt động bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

Ngành điện có thể tiết kiệm tới 50% mức tiêu thụ năng lượng

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về tiết kiệm năng lượng giữa Việt Nam – Hoa Kỳ do Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/10.

Qua kiểm toán, có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề sử dụng năng lượng không hiệu quả, nếu không nói là lãng phí. Có ngành còn có khả năng tiết kiệm được tới 50% mức tiêu thụ năng lượng như ngành điện, ngành nông nghiệp; tới 35% với công nghiệp gốm, 25% với phát điện than, 30% với ngành dệt may, 25% với các tòa nhà thương mại, 20% với công nghiệp thép, v.v… Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà Việt Nam có thể từ 30 – 40%.

Mức tiêu thụ năng lượng tại khu vực dân sinh hiện chiếm  44,2%. Tuy nhiên, các đơn vị nghiên cứu chưa tách bạch cụ thể được khu vực dân sinh và khu vực kinh doanh hộ gia đình. Trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ điều tra khảo sát kỹ hơn để có con số cụ thể cho hai khu vực này.

Cũng theo thạc sỹ Hoàng Dương Thanh, đại diện Văn phòng tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam so với các nước khác là rất thấp. Nếu năm 2000 mức tiêu thụ năng lượng trên đầu người là 154 kg dầu/năm, tiêu thụ điện năng trên đầu người là 288 kWh/năm thì năm 2005 các chỉ số tương ứng là 250 kg dầu/năm và 540 kWh/năm. 

Tiêu thụ năng lượng trên đầu người dù còn tương đối khiêm tốn so với khu vực và thế giới nhưng sẽ tăng nhanh chóng, bắt kịp thế giới. Do đó, việc đầu tư để đáp ứng nhu cầu này là một gánh nặng, một sức ép lớn về cơ sở hạ tầng cho Nhà nước nếu biết đầu tư để làm ra 1kWh điện cần 800.000 – 1 triệu USD.

Dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho 20 sản phẩm

Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong thời gian từ 2008 - 2010.

Đến nay Bộ đã hoàn thiện dự thảo 11, đã gửi đi các bộ ngành khác và chờ phản hồi, đồng thời gửi đi các tổ chức quốc tế để lấy ý kiến. Dự thảo Luật này dự kiến trình quốc hội vào kỳ họp thứ 2 năm 2009.

Để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương đã dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm thiết bị chiếu sáng của 5 doanh nghiệp là Điện Quang, Rạng Đông, Cty TNHH Hùng Phong; Cty Khí cụ điện 1, Cty chiếu sáng và thiết bị đô thị. Theo dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng, năm 2015 sẽ dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho 20 sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như bóng đèn, điều hòa, tủ lạnh, quạt điện, máy giặt.

Người tiêu dùng có thể căn cứ vào nhãn này để lựa chọn có dùng sản phẩm tiết kiệm điện năng hay không. Doanh nghiệp có sản phẩm dán nhãn này cũng được hưởng một số ưu đãi về cải tiến dây chuyền, v.v…

Hiện nay đã có tiêu chuẩn cho điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện. Năm 2008, cơ quan chức năng sẽ xây dựng xong tiêu chuẩn cho bình đun nước nóng và đèn compaq.

Người dân đã biết nhiều hơn tới các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Cụ thể là số lượng đèn gầy sử dụng năm qua tăng gấp đôi thời điểm trước khi tuyên truyền. Cty Điện quang đầu năm 2008 tiêu thụ 3 triệu đèn gầy T8, tăng so với trước đó chỉ 1,2 – 1,5 triệu bóng. Đèn compaq bán ra tăng 100%.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng tìm kiếm các nguồn năng lượng khác để bổ sung cho nguồn than, dầu, khí có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai. Một số nguồn năng lượng khác đã được tính đến như quặng uranium, nguồn địa nhiệt. Tuy nhiên, do việc khai thác khó khăn nên cả hai loại này đến nay gần như chưa được khai thác và sử dụng.

Về nguồn điện gió, các chuyên gia đã xem xét nhiều nơi nhưng toàn bộ chiều dài đường bờ biển Việt Nam chỉ có 3 điểm có khả năng khai thác thương mại. Tiềm năng gió ở Việt Nam được cho là không ổn định nên đến nay nguồn tài nguyên này vẫn chưa được sử dụng.

MỚI - NÓNG