Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thương mại, đầu tư

Việt Nam tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà thương mại, đầu tư
Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các nhà thương mại và đầu tư có thể kinh doanh thành đạt tại Việt Nam.

Ông nói chiều 4/7, tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nước tham dự hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng đánh giá cao tiềm năng và vai trò của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trước yêu cầu phát triển của Việt Nam và của Tiểu vùng Mê Công mở rộng; hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư và thương mại quốc tế vào kinh doanh trong vùng vì lợi ích và sự phát triển của các nước.

Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng tiểu vùng Mê Công mở rộng được hình thành từ hơn 10 năm qua, bao quát lãnh thổ của 6 quốc gia trong vùng kinh tế đang phát triển hết sức năng động. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển của tiểu vùng còn chênh lệch khá lớn so với Đông Á và các nước Đông Nam Á còn lại.

Vì vậy, làm thế nào để từng bước thu hẹp khoảng cách với cả vùng và theo kịp bước tiến chung của thời đại là câu hỏi lớn đặt ra với các nhà lãnh đạo của các nước trong tiểu vùng và các nhà đầu tư, kinh doanh.

Những năm vừa qua, thương mại và đầu tư nội vùng đã phát triển mạnh mẽ dưới tác động của xu thế tự do hóa thương mại, như cơ chế AFTA và Khu vực đầu tư AIA. Việc Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc được hình thành là nhân tố quan trọng tạo thêm động lực cho phát triển thương mại và đầu tư ở tiểu vùng.

Thủ tướng cho biết thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng, kinh tế tăng trưởng bình quân 7,5% trong 10 năm gần đây; kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 100% GDP. Tốc độ phát triển thương mại đạt xấp xỉ 20%/ năm, trong đó trao đổi thương mại hai chiều với các nước trong tiểu vùng tăng mạnh và với Trung Quốc đã vượt 5 tỷ USD/ năm. Vốn đầu tư hàng năm từ mọi nguồn công và tư đạt mức 36% GDP; đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký trên 60 tỷ USD và thực hiện đạt trên 26 tỷ USD. Hơn 100 doanh nghiệp lớn thuộc các công ty xuyên quốc gia đã có mặt ở Việt Nam, mang đến các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao.

Thủ tướng khẳng định các doanh nghiệp FDI thực sự là một bộ phận hợp thành của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư và kinh doanh quốc tế. Kể từ năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp được thi hành đã có hơn 150.000 doanh nghiệp ra đời với số vốn đăng ký đạt trên 15 tỷ USD, làm cho nền kinh tế đất nước trở nên năng động.

Thủ tướng nêu rõ Nhà nước Việt Nam đang tiến hành xóa bỏ nhanh các rào cản, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp. Cùng với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh nhiều lĩnh vực mà trước đây còn hạn chế như điện lực, xi măng, bảo hiểm.

Theo Thủ tướng, hệ thống luật pháp Việt Nam đang được hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần thúc đẩy tiến trình gia nhập WTO. Những khoản vốn đầu tư lớn, nhất là tư ngân sách dành cho nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, cấp thoát nước và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện giảm chi phí kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ.

Năm 2005, Chính phủ Việt Nam sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư thống nhất cho mọi thành phần kinh tế, tạo cơ sở pháp lý tiếp tục mở cửa thị trường dịch vụ phù hợp với các cam kết quốc tế và một sân chơi bình đẳng, thông thoáng, minh bạch cho đầu tư và kinh doanh.

Cũng trong buổi chiều, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm triển lãm về viễn thông của các nước GMS.

MỚI - NÓNG