Việt Nam trở thành hình mẫu giảm nghèo

Nhiều người dân đã vay vốn ưu đãi để phát triển làng nghề truyền thống
Nhiều người dân đã vay vốn ưu đãi để phát triển làng nghề truyền thống
TP - "Với hơn 226.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, những năm qua, tín dụng chính sách đã giúp hàng triệu người dân thoát nghèo. Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu giảm nghèo trên thế giới".

Đó là thông tin này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TWcủa Ban Bí thư khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ngày 15/7.

Tại Hội nghị trực tuyến, chị Nguyễn Thị Vĩnh An (Quảng Trị) chia sẻ câu chuyện của chính chị.  Chị An vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con em đến giảng đường đại học vô cùng khó khăn. Trong lúc khó khăn, 4 chị em chị An đã có cơ hội ngồi trên giảng đường đại học bằng đồng vốn chính sách vay theo chương trình học sinh sinh viên. Bố chị An được vay vốn chính sách để mua giống cây, phân bón thực hiện mô hình kinh tế mới trồng cây cà phê. Khi đã có công ăn việc làm ổn định, một lần nữa vốn tín dụng chính sách đồng hành, giúp gia đình chị An thay đổi cuộc sống khi chị được vay vốn của chương trình nhà ở xã hội.

Chị An chỉ là một trong hàng triệu người dân đã thay đổi số phận nhờ đồng vốn chính sách. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 91 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, có hơn 12 triệu lượt hộ đã được vay vốn. Trong đó, có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, đến nay, 100% cấp ủy, đảng, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy chính quyền chủ động bố trí ngân sách ủy thác, huy động các nguồn lực và sử dụng nguồn vốn gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Đánh giá về tín dụng chính sách, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, cả nước đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật. “Chỉ thị 40 đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng nhân dân, là đòn bẩy kinh tế, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ mục tiêu Đảng đề ra, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tín dụng chính sách góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu giảm nghèo trên thế giới”, ông Vượng nhấn mạnh.

Ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng Thị trường tài chính, Ngân hàng Thế giới đánh giá, tín dụng chính sách với sự hỗ trợ của Chính phủ thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thực hiện thành công tại Việt Nam.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp…để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 tốt hơn nữa.      

MỚI - NÓNG