Việt Nam và Nhật Bản xúc tiến đầu tư tầm Chính phủ

Việt Nam và Nhật Bản xúc tiến đầu tư tầm Chính phủ
TP - Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Nhật Bản, dự kiến sẽ tổ chức 2 hội thảo quan trọng về xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, tổ chức tại Osaka và Tokyo.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ KH&ĐT, đây là cơ hội ngàn vàng để doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp trao đổi với các đối tác Nhật Bản về các cơ hội kinh doanh.

Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Nhật Bản được đánh giá là dịp để hai bên xúc tiến đầu tư ở tầm Chính phủ. Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đang quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.

Chính sự thành công của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang là sự khích lệ rất lớn cho các nhà đầu tư khác đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Chuyến đi lần này của Thủ tướng sẽ là dịp để các doanh nghiệp hai bên cụ thể hoá các ý tưởng hợp tác cũng như tìm kiếm các ý tưởng mới.

Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hoạt động tại Việt Nam là một bằng chứng sinh động để thuyết phục các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nhiều tên tuổi lớn của Nhật Bản như: Toyota, Honda, Mitshubishi, Canon, Sumitomo Bakelite, Denso, Toto, Yamaha, Matsushita đã đến Việt Nam. Ngay sau khi ổn định sản xuất, nhiều Cty Nhật Bản đã bắt đầu tăng vốn và mở rộng quy mô sản xuất.

Tháng 9/2006, Cty Toto Vietnam đã khánh thành nhà máy thiết bị vệ sinh cao cấp thứ hai tại KCN Thăng Long với tổng vốn đầu tư 52 triệu USD, công suất 750 ngàn sản phẩm/năm. Trước đó, một nhà máy với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD cũng đã đi vào hoạt động, thu được kết quả rất khả quan.

Ông Koji Takeshima - Tổng giám đốc Cty Toto Vietnam khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, mức sống của người dân Việt Nam ngày càng nâng cao và Toto xác định Việt Nam là một thị trường tốt để mở rộng đầu tư.

Theo nhận định của ông Thắng, thành công của những doanh nghiệp như Toto sẽ khích lệ những nhà đầu tư khác đang có ý định thâm nhập thị trường Việt Nam.

Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết thêm, việc mới đây Nhật Bản và Việt Nam ký kết giai đoạn II Sáng kiến chung Việt - Nhật về môi trường kinh doanh là cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn từ Nhật Bản. “Sau hơn 2 năm thực hiện Sáng kiến chung Việt - Nhật giai đoạn I, với 125 vấn đề được đưa ra bàn bạc, giải quyết, môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể” - Bộ trưởng Phúc nói.

Trong khuôn khổ Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam 2006 vừa diễn ra gần đây, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản đã chính thức ra mắt tại Hà Nội trên cơ sở  hợp tác của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo cục Đầu tư nước ngoài, hiện Nhật Bản có hơn 600 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6,5 tỷ USD, đứng thứ ba sau Đài Loan và Singapore.

Riêng trong năm 2005, Nhật Bản có 107 dự án cấp mới; 106 dự án xin tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký 913 triệu USD. Đầu tư của Nhật Bản chủ yếu là vào lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,5 tỷ USD, chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài và tập trung ở 5 địa phương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hoá, Đồng Nai, Bình Dương).

Đáng chú ý là hiện nay, số lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ (như: đào tạo nhân lực, phân phối, dịch vụ hậu cần, vận tải) đang có xu hướng gia tăng. Hiện, đã có 126 dự án với tổng số vốn 1,07 tỷ USD được cấp phép trong lĩnh vực này.

Bộ KH&ĐT tin rằng, sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước và tạo đà cho một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản.  

MỚI - NÓNG