Việt Nam xếp thứ 4 thế giới về cải thiện đời sống người dân

Để cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN, từ nay tới năm 2020, Việt Nam cần đầu tư khoảng 113 tới 143 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng (Ảnh: Bảo Anh)
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN, từ nay tới năm 2020, Việt Nam cần đầu tư khoảng 113 tới 143 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng (Ảnh: Bảo Anh)
TPO - Ngày 22/3, tại Hà Nội, một nghiên cứu của BCG cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới (ví trí thứ 4 trên tổng số 149 quốc gia được đưa vào nghiên cứu) về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng về kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhiều thành tựu ấn tượng

Theo nghiên cứu của Cty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG), Việt Nam hiện đang là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới, xếp ví trí thứ 4 trên tổng số 149 quốc gia được đưa vào nghiên cứu về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng về kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là kết quả phân tích sử dụng công cụ Đánh giá Phát triển bền vững (SEDA) do BCG thực hiện và được trình bày chi tiết trong báo cáo dành cho Việt Nam mang tên “Đất nước Hoa Sen: Duy trì thành tựu ấn tượng của Việt Nam về cải thiện đời sống người dân”.

Theo nghiên cứu, với chỉ số GDP đầu người (dựa trên cân bằng sức mua) chỉ đạt gần 5.200 USD nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP tính theo đầu người trung bình là 10.000 USD. Việt Nam cũng đạt kết quả ở mức trên trung bình về khả năng chuyển đổi sự phát triển kinh tế thành những nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Được biết, SEDA đo lường chất lượng cuộc sống người dân thông qua ba yếu tố nền tảng, thể hiện trên 10 phương diện như: sự ổn định kinh tế, y tế, quản trị nhà nước, các vấn đề môi trường...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Chris Malone, thành viên hợp danh của Cty tư vấn quản lý BCG, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế tại Việt Nam cho biết, những kết quả này một lần nữa cho chúng ta thấy rõ ràng hơn về những điều chúng ta vốn luôn tin tưởng bấy lâu nay. Đó là mặc dù phải nỗ lực trong điều kiện còn hạn chế, Việt Nam đã có được những thành công đáng ghi nhận trong chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành chất lượng cuộc sống khi so sánh với các quốc gia có thu nhập cao hơn. “Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu xem xét đến đà tăng trưởng kinh tế khá cao khoảng 7.1% mỗi năm trong thời gian vừa qua”, ông Chris Malone nói.

3 thách thức lớn

Theo BCG, 3 lĩnh vực chính mà Việt Nam cần giải quyết để giữ duy trì thành công đó là lao động – việc làm; cơ sở hạ tầng; lĩnh vực dịch vụ công và quản trị nhà nước.

So sánh với 4 quốc gia ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines), điểm SEDA của Việt Nam về mức thu nhập, cơ sở hạ tầng, quản trị nhà nước và môi trường hiện tương đương với mức điểm thấp nhất của 4 nước cộng lại. Trong khi đó, điểm SEDA về lao động-việc làm của Việt Nam lại ngang với 4 nước, điều đó có nghĩa rằng Việt Nam cũng đang đối mặt với một loạt các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực lao động-việc làm bao gồm: năng suất lao động thấp, thiếu đáng kể nhân công làm nghề. Đây chính là những vấn đề đang tạo nên thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước,

“Việc triển khai hành động cụ thể trong các lĩnh vực quan trọng này sẽ là một chặng đường dài tiến tới khẳng định liệu Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đầy tham vọng như đã đặt ra hay không. Điểm mấu chốt của các mục tiêu này là nhằm phát triển Việt Nam từ một nền kinh tế công nghiệp dựa vào nhân công giá rẻ trở thành một nền kinh tế dựa vào nền tri thức hiện đại”, ông Chris Malone nói.

Theo BCG, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, để duy trì đà phát triển kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực tới năm 2020, Việt Nam cần đầu tư khoảng 113 tới 143 tỷ USD.

Tuy nhiên, nguồn ngân sách công hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu đầu tư hạ tầng. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc hay Ấn Độ trong các kế hoạch và triển khai mô hình hợp tác công tư, nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư tư nhân và tạo nên hiệu quả tốt lớn nhất từ các nguồn đầu tư đó.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.