Việt Nam đối mặt với 'bão đôi'

Việt Nam đối mặt với 'bão đôi'
TPO-  “Trong những ngày tới có khả năng chúng ta phải đối phó với hiện tượng bão đôi. Do tác động tương hỗ giữa hai áp thấp nhiệt đới khiến diễn biến của bão hết sức phức tạp và nguy hiểm"- Ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ưcho biết.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư đến 13 giờ hôm nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,8 đến 9,8 độ Vĩ Bắc; 118,7 đến 119,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (từ 50 đến 61 km/h), giật trên cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía nam Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư chiều nay, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết áp thấp nhiệt đới này di chuyển nhanh và có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Nam Bộ vào ngày 23/11. Do ảnh hưởng của báo, từ ngày mai, các tỉnh thuộc khu vực Trung và Nam bộ sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ông Tăng cũng cho biết ở ngoài khơi biển Philippine hiện cũng xuất hiện một áp thấp nhiệt đới khác với sức gió mạnh trên cấp 7, giật trên cấp 7. Dự báo áp thấp này cũng có khả năng mạnh lên thành bão.

Từ sáng mai cấm biển các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Nếu áp thấp mạnh lên thành bão và đến tối 22/11 bão đổ bộ đất liền như dự báo của Đài dự báo Hải quân Mỹ thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống do hiện vùng biển phía Nam có rất nhiều tàu thuyền.

“Với tốc độ di chuyển theo như dự báo thì chúng ta chỉ còn một ngày để chuẩn bị. Bão chỉ cần đi sượt qua, không đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh phía Nam cũng sẽ gây thiệt hại rất lớn do nhà dân chủ yếu là nhà tạm và khu vực này có nhiều tàu bè đang hoạt động.

Hơn nữa kinh nghiệm chỉ đạo phòng chống lụt bão ở đây yếu, đồng bào chủ quan với bão vì hàng vài chục năm nay ở khu vực này không chịu ảnh hưởng của gió bão”- Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu tất cả các tỉnh ĐBSCL phải có phương án phòng chống bão. Các địa phương có thể chịu ảnh hưởng của bão chậm nhất trong sáng mai phải thực hiện cấm biển.

Toàn bộ các tàu thuyền đang đánh cá ở quần đảo Trường Sa và vùng biển miền Tây phải di chuyển vào bờ. Những tàu ở ngoài xa không vào kịp cần chủ động liên hệ với đất liền để được hướng dẫn vào lánh nạn tại nước bạn.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ ban ngành có liên quan ngay trong đêm nay phải gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm vào bờ và cấm tàu thuyền ở đất liền ra khơi hoạt động; đồng thời lập tức rà soát lại nguồn dự trữ quốc gia về lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo phao cứu hộ,… để sẵn sàng phương án đối phó nếu có tình huống xấu xảy ra.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương phải có biện pháp bình ổn giá cả, cân đối hàng hóa tại các tỉnh miền Trung để tránh việc tăng giá tại khu vực này. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất cấm biển từ sáng mai tại các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão

Cũng trong ngày hôm nay, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có Công điện số 128 gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và Kiên Giang, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ ngành yêu cầu thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các địa phương kiểm tra không cho tàu thuyền ra khơi, đặc biệt đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố. Thông báo cho các đảo, khu công nghiệp dầu khí, du lịch để có phương án ứng phó.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các đia phương chuẩn bị kế hoạch sơ tán dân có nguy cơ nguy hiểm, nhất là những nhà tranh tre, mái tôn, tường xây mỏng, không đủ sức chịu đựng với gió mạnh. Đồng thời có phương án tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng và các công trình dân sinh, kinh tế.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương, Ban chỉ đạo PCLB các cấp hoãn các cuộc họp không cần thiết, tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo thường xuyên về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia TKCN.

MỚI - NÓNG