Vietnam Airlines nâng chuẩn tiếp viên

Vietnam Airlines nâng chuẩn tiếp viên
Điểm yếu nhất của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, theo điều tra của Tổ chức nghiên cứu xếp hạng hàng không Skytrax (Anh) là khả năng ngôn ngữ, giao tiếp với khách chỉ đạt hạng 3 sao, tương đương với mức trung bình.
Vietnam Airlines nâng chuẩn tiếp viên ảnh 1

Nâng cao chất lượng phục vụ khách là một biện pháp cạnh tranh. Ảnh: VnExpress.

Tuy kết quả xếp hạng của Skytrax cho thấy chất lượng phục vụ của đội tiếp viên VNA đã vượt năm trước 6 bậc, nhưng khả năng phục vụ khách hạng thương gia (C) chỉ đứng thứ 39, phục vụ khách hạng thường (Y) đứng thứ 38 trên tổng số 66 hãng được xếp hạng.

Trong khi đó các đối thủ láng giềng như Thai Airways, Malaysia Airlines, Singapore Airlines, China Airlines đều lọt vào top 10.

Khả năng phục vụ chưa cao, theo bà Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines Nguyễn Minh Hà, xuất phát một phần từ thực tế đầu vào của tiếp viên hàng không quá thấp.

Thông thường, nam nữ chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học, 18 tuổi trở lên, trình độ ngoại ngữ 225 điểm Toeic, đảm bảo yêu cầu về chiều cao, sức khỏe, là đủ tiêu chuẩn. Sau 3 tháng đào tạo về an toàn bay và kỹ năng giao tiếp là các bạn trẻ bắt đầu tham gia phục vụ khách trên các chuyến bay.

Bà Hà thừa nhận phải đạt tối thiểu 450 điểm Toeic mới có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, mức 225 điểm là quá thấp.

Để khắc phục tình trạng tiếp viên yếu ngoại ngữ, VNA chấp nhận cả phương án tuyển tiếp viên vào sau đó tiếp tục đào tạo thêm. Tuy nhiên, thời gian vài ba tháng dường như không cải thiện được tình hình.

Nhiều tiếp viên cũng chịu khó tìm gia sư luyện thêm vào giờ rảnh rỗi nhưng kết quả rất hạn chế. Có gia sư hỏi: "Tiếng Anh thế này thì em làm sao giao tiếp được trên máy bay", cô học trò hồn nhiên trả lời: "Câu nào dễ em nói, câu nào khó nhờ đồng nghiệp nói giúp".

Đội ngũ tiếp viên của VNA gồm 1.600 người và hơn 200 nhân viên mặt đất, phục vụ hơn 13 triệu lượt hành khách. Hãng dự định sẽ tăng thêm 200 người vào cuối năm nay.

Các hãng hàng không như Korean Air, Malaysia Airlines, China Airlines có trường đào tạo tiếp viên riêng, ứng viên có độ tuổi 20-21, tiếng Anh giao tiếp tốt, trình độ văn hóa từ cao đẳng trở lên.

Tiếp viên kém ngoại ngữ thường ngại giao tiếp với khách và đây là một lý do họ bị đánh giá là không thân thiện. Mới đây, Vietnam Airlines đã nâng yêu cầu tiếng Anh đầu vào khi tuyển tiếp viên lên 400 điểm Toeic.

Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines đang tính chuyện tăng độ tuổi tuyển dụng lên ít nhất 20 tuổi. Theo bà Hà, nhiều em mới tốt nghiệp phổ thông trung học còn quá non nớt trong giao tiếp, thiếu kiến thức, kinh nghiệm xã hội để có thể giao tiếp với hàng triệu khách hàng. Tuy có đào tạo nhưng 3 tháng không đủ để trang bị cho nhiều em sự tự tin.

"Nụ cười tưởng dễ nhưng nếu không xuất phát từ trái tim, từ sự tự tin, hiểu biết thì nó lại trở thành vô cùng khó", một tiếp viên đã giải nghệ tâm sự.

Tiêu chuẩn về ngoại hình cũng được xem xét điều chỉnh. Trước đây chỉ cần nữ có chiều cao 1,58 m và nam 1,68 m, nhưng nay Vietnam Airlines đã thuê, mua nhiều máy bay mới cỡ lớn, chiều cao từ sàn tới hộc để hành lý cao hơn máy bay cũ rất nhiều.

"Để nâng cao chất lượng phục vụ khách, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo hãng cho phép thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo thay vì tự làm như hiện nay", bà Hà cho hay.

Riêng về kỷ luật lao động, Vietnam Airlines tuyên bố sẽ sa thải bất cứ tiếp viên nào bị phát hiện buôn lậu trong quá trình tham gia các chuyến bay quốc tế. Gần đây nhất là trường hợp của tiếp viên Lưu Thị Liên bị hải quan Australia phạt do buôn lậu thuốc lá.

Bà Hà cho biết chế độ đãi ngộ với tiếp viên chưa hẳn là cao nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều. Nếu một tiếp viên bay đủ định mức 80 - 90 giờ một tuần thì mỗi tháng họ thu nhập khoảng 12 triệu đồng.

Theo Việt Phong
VnExpress

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.