Vinashin không “nghe” Bộ Tài chính

Có nhiều việc, Vinashin đã không tuân theo kiến nghị của Bộ Tài chính
Có nhiều việc, Vinashin đã không tuân theo kiến nghị của Bộ Tài chính
TPO – Bộ đã kiểm tra nhiều lần và phát hiện sai phạm, đã kiến nghị điều chỉnh nhưng có việc Vinashin thực hiện, có việc không thực hiện – Bộ trưởng Tài chính, Vũ Văn Ninh cho biết.

Những ý kiến, tâm tư của người dân quanh vấn đề Vinashin đã được các đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Vũ Văn Ninh sáng nay, 23 – 11.

Ai chịu trách nhiệm về Vinashin?

Đại biểu Đặng Như Lợi, đoàn Cà Mau hỏi về tình hình tài chính hiện nay của Vinashin, khi Tập đoàn này mua nhiều con tàu đã quá thời hạn dùng. "Bộ trưởng có thấy trách nhiệm của mình không" – vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn.

Bộ trưởng Tài chính, Vũ Văn Ninh
Bộ trưởng Tài chính, Vũ Văn Ninh. Ảnh: Tuổi Trẻ
 

Đáp lại, người đứng đầu ngành Tài chính cho hay, tổng tài sản Vinashin hiện nay trên 104 nghìn tỉ, nợ 86 nghìn tỉ; một số tàu, máy móc mua đã cũ. Nhưng số đó không phải là mất hết và cần có kiểm toán xác định giá trị thực.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng, việc can thiệp hành chính của Nhà nước với các doanh nghiệp hiện nay đang dần hạn chế, mà dần dần giao quyền sản xuất, kinh doanh cho các tập đoàn, tổng công ty.

Về việc kiểm tra Tập đoàn này, Bộ trưởng Tài chính cho hay, Bộ đã kiểm tra nhiều lần, và có phát hiện sai phạm, đã kiến nghị với Chính phủ; tuy nhiên, có những việc Vinashin thực hiện nghiêm nhưng có những việc thực hiện chưa nghiêm theo ý kiến của Bộ.

Đại biểu Trịnh Thị Nga, đoàn Phú Yên hỏi tiếp: “Bộ nào phải chịu trách nhiệm, đồng chí nào phải chịu trách nhiệm?”.

Còn đại biểu Ngô Minh Hồng, đoàn TP Hồ Chí Minh, phân tích, Vinashin được cho vay lại hơn 12 nghìn tỉ, trong khi dự toán Ngân sách năm nay của TP Hồ Chí Minh là 28 nghìn tỉ. Vậy việc cho vay đó có đúng nguyên tắc?

Không trả lời đích danh bộ nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, người đứng đầu ngành Tài chính cho hay, Tập đoàn Tàu thủy này đã đầu tư dàn trải nên hiệu quả không cao, đã bị hủy một số hợp đồng nên gặp khó khăn...

Sẽ tái cơ cấu Vinashin – ông Ninh khẳng định và cho biết, khoản tiền Tập đoàn này vay lại là do phát hành trái phiếu Chính phủ, chứ không phải lấy từ Ngân sách, nên đối chiếu các quy định là phù hợp.

Giá xăng và giá vàng

Người dân phải đóng tiền (thông qua giá xăng) vào quỹ bình ổn xăng dầu, nhưng có lúc, giá xăng thế giới giảm mà giá xăng Việt Nam lại không giảm theo? – đại biểu Vi Trọng Lễ, đoàn Phú Thọ nêu nghịch lý.

Để trả lời, Bộ trưởng ngành Tài chính dẫn chứng một loạt quy định của Nhà nước cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng. Trong tháng 10 và 11 vừa qua, tuy giá xăng thế giới tăng, nhưng giá xăng trong nước không lên theo; đó là do các doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn này – Bộ trưởng lấy ví dụ.

Về việc giá xăng thế giới giảm nhưng trong nước không giảm theo, ông Ninh giải thích, vì khi giá tăng, các doanh nghiệp không tăng ngay, nên khi giảm, phải cần có thời gian để các doanh nghiệp hòa vốn, mới bắt đầu giảm giá.

Còn về vấn đề giá vàng “nhảy múa”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Trần Văn Giàu, trong phần “chia lửa” với Bộ trưởng Ninh, đã nêu 2 nguyên nhân ở nước ngoài khiến giá của kim loại này diễn biến phức tạp. Đó là do các nước có nền kinh tế lớn điều chỉnh chính sách tiền tệ và việc đầu cơ vàng diễn ra quyết liệt.

Trong 12 năm qua, lượng vàng nhập của Việt Nam lớn hơn lượng xuất là 74 tấn – Thống đốc cho hay.

Bộ Tài chính chưa tính được tiền chi Đại lễ

Trả lời câu hỏi của GS Nguyễn Lân Dũng, đoàn Đăk Lăk về tiền chi cho Đại lễ có phải 94 nghìn tỷ hay không, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, Bộ chưa nắm được số liệu chính xác.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, việc Hà Nội xây dựng công trình đường xá, cầu...thì nếu không có Đại lễ cũng phải làm, để phục vụ nhân dân.

Theo Viết
MỚI - NÓNG