Vinashin thực chất đã phá sản(?)

Vinashin thực chất đã phá sản(?)
TP - “Thay đổi người điều hành, cắt bớt nhiệm vụ, không cho làm kinh doanh bảo hiểm, không cho kinh doanh đa ngành, đa nghề..., thực chất là đã tái cơ cấu. Đấy chính là một hình thức phá sản, và tái cơ cấu sau phá sản”- Ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Trao đổi với báo chí sáng 3 - 11, ông Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có hai mô hình phá sản: Phá sản qua đêm kiểu Mỹ: doanh nghiệp (DN) vẫn hoạt động, chỉ có thay đổi pháp nhân (chủ DN). Nhưng với Vinashin chúng ta không thay đổi pháp nhân.

Mô hình thứ hai, phá sản kiểu châu Âu: DN đóng cửa và người ta bán tất cả DN với giá rất rẻ. Nhưng chúng ta đã tái cơ cấu nợ của Vinashin. “Có thể nói, về bản chất mình đã thực hiện các giải pháp như là với một DN đã phá sản”- Ông Kiên nói.

Theo báo cáo kiểm toán độc lập, tổng tài sản của Vinashin còn lớn hơn tài sản nợ, DN không mất vốn. Nhưng dòng tiền đầu tư của DN đang có vấn đề, vì thế Chính phủ với tư cách chủ sở hữu đã phải can thiệp.

“Chúng ta đã để Vinashin bung ra, đó là trách nhiệm của chủ sở hữu. Nhược điểm là phát triển quá nóng, không giữ được định hướng ban đầu của tập đoàn. Nhiệm vụ chính là đóng tàu mà lại cho thêm vận tải, trong khi chúng ta có hẳn một Tổng Cty vận tải biển? Còn con số 86 ngàn tỷ đồng phải nói rõ đó là tổng nợ ngân hàng, chứ không phải là thất thoát tài sản.Vụ Lã Thị Kim Oanh, một trăm tỷ đó là thất thoát tài sản, ở đây là nợ của Vinashin” - Ông Kiên phân tích.

Bên bờ vực

Lý giải về những khoản nợ của Vinashin quá lớn, gấp 13,7 lần vốn chủ sở hữu, nhiều khoản không thể trả đúng hạn, ông Kiên cho rằng chính vì thế chúng ta đã phải tái cơ cấu Vinashin. Về nguyên tắc, ít có DN nào không phải đi vay ngân hàng.

Trong nền kinh tế thị trường, DN có thể vay gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu. Đó là vấn đề hết sức bình thường. Nền kinh tế Mỹ có những Cty đầu tư rủi ro, anh có ý tưởng kinh doanh mang đến ngân hàng sẽ cho vay vốn. Lúc đó vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, vì chủ sở hữu chẳng có tý vốn nào. Hay ví dụ như ở Nhật, nợ quốc gia đến 200% GDP. Mỹ cũng nợ nhiều, nhưng chưa vượt quá GDP. Vậy mặc dù nợ nhiều, nhưng quan trọng phải tùy thuộc khả năng trả nợ của DN đó.

Theo ông Kiên, trong hai mô hình phá sản, Vinashin có mỗi thứ một tý. Nhưng chúng ta không để tập đoàn này rơi vào mô hình nào. Nếu để phá sản kiểu châu Âu, mấy vạn người sẽ phải ra đường ngay. Còn để phá sản kiểu qua đêm, về lý thuyết thì làm được. Nhưng Chính phủ là chủ sở hữu nên không thể bỏ, mà phải tái cơ cấu.

Tiền Phong: Xin hỏi rõ hơn, đầu kỳ họp trả lời báo chí, ông nói: “Vinashin thực chất đã phá sản rồi”. Nhưng, phát biểu trước QH ông lại nói: “Về mặt cân đối kinh tế, không phải Vinashin đã phá sản”, tại sao vậy?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chưa ai tuyên bố nó phá sản, nhưng để khôi phục, xây dựng lại một Vinashin mới thì những biện pháp chúng ta áp dụng với Vinashin như là biện pháp áp dụng với một DN đã phá sản. Các ĐBQH nói Chính phủ điều hành kiên quyết chính là ở chỗ đấy. Lần này, mình làm khác các lần trước: Các lần khác chúng ta khoanh nợ, tính toán lại, còn lần này mình công khai nợ luôn, đưa con người mới thay vào các vị trí, làm kiên quyết hơn.

Tức là thay vì tuyên bố phá sản chúng ta tuyên bố tái cơ cấu?

Cân bằng sổ sách kế toán thì về kinh tế nó chưa phá sản. Nhưng ở đây với tư cách là chủ sở hữu, tôi thấy anh đầu tư như thế, tôi dự báo và lường trước sẽ không có hiệu quả, thì tôi tái cơ cấu anh.

 
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.