Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ:

Vinh dự và trách nhiệm lớn lao

Vinh dự và trách nhiệm lớn lao
TPO - Ngày 14/1/1946, trong bức thư gửi đại diện Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu đưa vấn đề công nhận nền độc lập của Việt Nam và kết nạp Việt Nam ra trước Liên Hợp Quốc.

Khi ấy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mới ra đời tròn 3 tháng 12 ngày, đang phải đối phó với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp ở miền Nam hòng lập lại nền thống trị của họ. Khi ấy, LHQ vừa mới ra đời sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với vỏn vẹn 51 nước thành viên.

Đọc lại văn kiện lịch sử ấy và lời kêu gọi sau đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi LHQ, càng thấy tầm nhìn xa của Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi nói lên khát vọng độc lập và thống nhất cháy bỏng của dân tộc và mong muốn của Việt Nam "tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của LHQ".

31 năm sau, trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng và hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, ngày 20/9/1977, Việt Nam mới chính thức được kết nạp vào LHQ, là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương này.

61 năm sau đó, ngày 16/10/2007, Việt Nam được bầu với đa số áp đảo làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, cơ quan quyền lực nhất trong hệ thống LHQ, cùng với 4 nước khác đại diện cho các châu lục.

Tiếp theo việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc tham gia HĐBA đánh dấu bước tiến mới của Việt Nam vào trường hoạt động toàn cầu theo chủ trương của Nhà nước ta đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Đây cũng là điểm mốc quan trọng cho thấy Việt Nam đã kết hợp hài hòa tiến trình đổi mới trong nước, đổi mới về kinh tế, với việc mở rộng vai trò quốc tế của mình, không chỉ trong khu vực mà trên cả phạm vi thế giới. Sự kiện này vừa là vinh dự, vừa bao hàm trách nhiệm lớn lao.

Vinh dự và trách nhiệm lớn lao ảnh 1

Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu bầu các ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009.
Ảnh: Bùi Ngọc Hải.

Nó diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang ở vào thời điểm hết sức thuận lợi khi đất nước đã thống nhất, thực hiện quá trình hàn gắn các vết thương chiến tranh, đạt thành tựu nổi bật trong cuộc chiến chống nghèo đói và những kết quả đáng trân trọng trong lĩnh vực y tế giáo dục - những vấn đề chủ yếu nằm trong những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Hội nghị thượng đỉnh của LHQ đã đề ra.

Hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, không chỉ với tư cách một dân tộc đã chiến đấu kiên cường vì độc lập, tự do của mình, mà còn với tư cách một điểm sáng về sự năng động kinh tế của thế giới đang phát triển.

Từ nước chậm phát triển và thường xuyên là mục tiêu cứu trợ của các cơ quan LHQ, Việt Nam đã tạo nên đột phá với chính sách đổi mới, đưa nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh vào hàng đầu ở châu Á trong suốt gần một thập kỷ qua và trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn của các Cty nước ngoài ở châu Á.

Chính sách ngoại giao "là bạn và là đối tác tin cậy của các quốc gia" đang phát huy tác dụng, khi hàng loạt trở ngại được dỡ bỏ. Với sự ổn định về chính trị-xã hội, cùng với số dân đông hàng thứ 12 trên thế giới, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực ngày càng nâng cao.

Qua 30 năm tham gia tích cực các hoạt động của LHQ, với việc tham gia HĐBA, ngoại giao đa phương của Việt Nam sẽ mang tầm vóc mới, với những cơ hội mới, mà nếu tận dụng tốt có thể giúp thúc đẩy khai thác các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Dư luận cho rằng việc Việt Nam tham gia HĐBA là điều tốt cho cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Nhóm các nước châu Á cùng đa số áp đảo các nước bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Bảo an hy vọng Việt Nam với uy tín quốc tế của mình, với khát vọng hòa bình và công lý sẽ có nhiều đóng góp trong cơ quan quyền lực nhất này của LHQ, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến nỗ lực bảo vệ và duy trì hòa bình, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lại sau chiến tranh, giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ y tế giáo dục, và góp phần vào nỗ lực cải tổ bộ máy LHQ theo hướng dân chủ, hiệu quả hơn.

Là thành viên Hội đồng Bảo an, trách nhiệm cũng lớn hơn. Cương vị trong cơ quan quyền lực nhất này của LHQ đòi hỏi mỗi nước thành viên phải có bản lĩnh và trách nhiệm tham gia bàn thảo giải quyết các vấn đề toàn cầu, kể cả những điểm nóng ở xa môi trường địa lý của mình, chứ không chỉ những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân của mình hay khu vực của mình, mặc dù các vấn đề khu vực là một ưu tiên.

Các nước thành viên sẽ phải hoạt động ngoại giao tích cực hơn, tham vấn nhiều hơn, rèn luyện khả năng thích ứng tốt hơn với đòi hỏi đặt ra ở tầm vóc toàn cầu.

Thế giới còn tồn tại biết bao vấn đề gay cấn, từ tình trạng biến đối khí hậu đến việc giải quyết vấn đề chiến tranh hay hòa bình, tình trạng phổ biến hạt nhân, nạn ô nhiễm, bất bình đẳng, đói nghèo, mù chữ và bệnh dịch cùng những thống khổ khác mà hàng tỷ người trên thế giới đang phải gánh chịu.

Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế nói chung, và của những thành viên trong cơ quan quyền lực nhất này của LHQ, nơi hàng ngày, hàng tuần các vấn đề nóng bỏng nhất đều được đưa ra bàn thảo trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh lợi ích giữa các nước không phải bao giờ cũng đồng nhất.

Không thể kỳ vọng một nước tham gia HĐBA trong một nhiệm kỳ 2 năm có thể làm được gì ghê gớm xoay chuyển cả tình thế. Xây dựng một trật tự thế giới mới là quá trình tiệm tiến và lâu dài. Trong số 192 nước thành viên LHQ, hơn 120 nước đã từng ngồi vào chiếc ghế của HĐBA.

Tuy nhiên, người ta có thể đặt niềm tin và hy vọng ở những thành viên có khả năng hành động với tinh thần trách nhiệm trước những gì liên quan đến lợi ích chung của nhân loại, trước đòi hỏi phải xây dựng một thế giới an toàn hơn, bình đẳng hơn, một tương lai tốt đẹp hơn cho loài người.

Vinh dự và trách nhiệm lớn lao ảnh 2

Các cán bộ ngoại giao Việt Nam bên ngoài phòng họp của Đại hội đồng sau khi kết thúc cuộc bầu cử. Ảnh: Bùi Ngọc Hải.

Với nỗ lực của mình và cam kết sẽ "luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế" - như lời tuyên bố trịnh trọng của Thủ tướng nước ta tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng hôm 27/9 - cộng đồng quốc tế có thể gửi gắm niềm tin của mình vào Việt Nam, một trong những thành viên mới nhất trong tổ chức uy quyền này.

Làm tốt sứ mạng của mình, Việt Nam sẽ ghi được một dấu ấn tích cực trong hoạt động ngoại giao đa phương, hình ảnh của Việt Nam sẽ đẹp hơn nữa trong con mắt thế giới. Nó cũng giúp chúng ta học tập và chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích từ vị trí đặc biệt này.

Điều đó sẽ tạo nên thế và lực mới cho đất nước bước vào một chặng mới trong cuộc chạy đua gian nan nhưng vô cùng cấp bách nhằm chinh phục những mục tiêu cao trong công cuộc phát triển, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong nguyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền độc lập của nước Việt Nam hiện đại, người ngay từ những ngày đầu đã đặt hy vọng vào vai trò của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này với tư cách là cơ quan giúp bảo vệ và gìn giữ hòa bình thế giới.

Bùi Ngọc Hải
Viết từ Liên Hợp Quốc

MỚI - NÓNG