Vĩnh Long: Cán bộ “cố thủ” nhà công

Vĩnh Long: Cán bộ “cố thủ” nhà công
Nhà của Nhà nước cấp tạm, nay yêu cầu trả lại để bố trí cơ quan làm việc nhưng nhiều cán bộ ương quyết “bám trụ” dù đã có nhà, đất ở nơi khác
Vĩnh Long: Cán bộ “cố thủ” nhà công ảnh 1
Dãy nhà mặt tiền đường 30-4, thị xã Vĩnh Long, Nhà nước cho nhiều cán bộ tạm cư nay không đòi lại được

Từ thời bao cấp, dãy nhà mặt tiền đường 30-4, trung tâm mua bán sầm uất thuộc phường 1, thị xã Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) được Nhà nước bố trí cho một số cán bộ khó khăn chỗ ở vào ở tạm.

Đến nay do thiếu trụ sở làm việc, UBND thị xã Vĩnh Long có nhu cầu thu hồi để bố trí cho các cơ quan thì nhiều người viện đủ lý do để làm ngơ hoặc kéo dài thời gian trả nhà tiếp tục “bám trụ” để... cho thuê thu lợi.

Có đất vẫn viện cớ khó khăn!

Ông Trương Hải Phương, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long, dù đã có 533 m2 đất tại đại lộ Phạm Thái Bường, khóm 4, phường 4, cho thuê mở quán ăn, nhà hàng H.G, vẫn viện cớ... khó khăn về chỗ ở, chưa trả căn nhà số 89 đường 30-4 cho Nhà nước. Còn căn nhà của Nhà nước ông đang ở thì cho thuê phía trước với giá gần 1 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Châu, cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, đã có một thửa đất được cấp quyền sử dụng đất tại khóm 1, phường 4, diện tích 103,4 m2, thế nhưng vẫn muốn sở hữu căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại địa chỉ số 87 đường 30-4 để vừa ở vừa... cho thuê. Còn đất ở đường Phạm Thái Bường thì cho thuê bán quán cà phê.

Vợ chồng ông Lâm Văn Diệp hiện đang công tác tại một cơ quan Trung ương tại TPHCM, gia đình sinh sống tại TP nhưng vẫn chưa “buông” căn nhà mặt tiền ở đây (số 93 đường 30-4). Hiện ông đang cho một người em ở và mở tiệm chụp hình. Hơn thế, ông đã được UBND tỉnh cấp một phần đất tọa lạc tại khóm 2, phường 4.

Tương tự, bà Chủ tịch Hội Bệnh nhân nghèo thị xã Vĩnh Long Huỳnh Thị Chi đã được cấp đất, sau đó sang nhượng về xã Tân Ngãi (thị xã Vĩnh Long) xây nhà nhưng vẫn “níu” lại căn nhà số 99 cho thuê làm tiệm uốn tóc.

Đáng nói hơn là trường hợp ông Lê Văn Ráng, cán bộ Ban Tôn giáo Dân tộc tỉnh, UBND thị xã cấp đất để ông di dời trả lại căn nhà số 97 nhưng ông cương quyết không nhận đất. Thậm chí có cán bộ còn đệ đơn xin hóa giá nhà ở tạm này thành nhà của mình. Trong khi đây là nhà chuyên dùng, cho cán bộ ở tạm không thu tiền từ nhiều năm nay nên không thuộc diện Nhà nước bán theo Nghị định 61/CP của Chính phủ.

Cơ quan hành chính không có nơi làm việc

Trong khi cán bộ tranh thủ viện nhiều lý do để “bám” nhà của Nhà nước thì các phòng ban của thị xã phải đặt trong những căn phòng chật chội, xuống cấp. Nhiều phòng làm việc phải bố trí tạm nhiều chỗ hết sức bất hợp lý. Ban quản lý các dự án được bố trí tạm trong khu nhà ăn của UBND thị xã.

Bất hợp lý hơn là Phòng Nông nghiệp và Phòng Công thương được ghép chung rất chật chội. Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng nằm chung trong một căn nhà đã xuống cấp... Nhiều phòng có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, buộc phải di dời tạm dưới tầng trệt, trên lầu của hội trường Nhà Văn hóa thị xã.

Theo Quyết định 147/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì định mức sử dụng của chuyên viên và các chức danh tương đương là 8-10 m2, trưởng - phó phòng các cấp 10-12 m2, chưa kể các công trình phụ trợ.

Nhưng ở đây bình quân diện tích sử dụng của các cơ quan thị xã Vĩnh Long hiện chỉ đạt 7,5 m2/người, tính cả các bộ phận phục vụ phụ trợ như nơi tiếp khách chung, họp, lưu trữ hồ sơ, nơi đặt máy chuyên dùng, khu vệ sinh...

Điển hình, trạm thú y bình quân chỉ đạt 3 m2/người, chưa kể phải dùng một diện tích bố trí một máy vi tính và nơi khách đến làm việc. Một số máy chuyên dùng phải gởi nhờ nơi khác, gây khó khăn trong công tác chuyên môn.

Phòng Công thương và Phòng Nông nghiệp chỉ đạt bình quân 5,25 m2/người. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất mỗi ngày bình quân tiếp 60-70 lượt người, nhưng chỉ có 7 m2/người, chưa kể 3 máy vi tính và nơi tiếp khách...

Ông Nguyễn Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Long, cho biết nhiều lần UBND thị xã vận động các cán bộ trả lại nhà nhưng nhiều người vẫn cương quyết không chịu di dời, bất chấp sự bức xúc, chất vấn liên tục của dân chúng, cán bộ, đảng viên tại những kỳ họp HĐND thị xã.

Theo Người Lao động

MỚI - NÓNG