Gặp người nửa đời sống dưới lòng đất - Kỳ cuối:

Vinh quang nghề thợ mỏ

Anh Nguyễn Trọng Thái được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bằng khen.
Anh Nguyễn Trọng Thái được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bằng khen.
TP - Để lấy được những mẻ than đen nhánh, lấp lánh trong lòng đất, thợ mỏ phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân trong hầm tối, đối diện muôn vàn nguy hiểm luôn rình rập. Với họ, tất cả chỉ là “gia vị” của cuộc sống, nghề mà họ đã chọn ăn vào xương máu. Nghề cực nhọc nhưng đem lại không ít vinh quang.

Những chiến binh trong lòng đất

Công ty CP Than Hà Lầm (Quảng Ninh) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những đơn vị hàng đầu của tập đoàn, không chỉ hàng đầu về sản lượng khai thác mà còn đứng đầu về số lượng những cá nhân, tập thể xuất sắc nhiều lần được TKV vinh danh. Là đơn vị kiểu mẫu cùng hệ thống máy móc hiện đại, Hà Lầm đang ngày càng khẳng định vị thế của một “mỏ vàng đen” số 1 vùng Đông Bắc.

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những người thợ mỏ cũng chính là những người lính vừa sản xuất vừa chiến đấu. Tay cuốc, tay súng, họ làm nên những chiến thắng vẻ vang. Trên những ngọn đồi các khu mỏ ở Quảng Ninh, vẫn còn đó những lô cốt, những trận địa pháo minh chứng cho một quá khứ hào hùng của những người con đất mỏ anh dũng trong chiến đấu và nỗ lực trong lao động.

Chàng thanh niên Nguyễn Trọng Thái đầu quân cho Công ty CP Than Hà Lầm lúc tròn 19 tuổi. Từ khi học việc, Thái luôn tâm niệm sẽ trở thành một người thợ giỏi. Suốt 23 năm, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân dưới hầm lò, Thái đã đào được bao nhiêu ki lô mét đường hầm, Thái không thể nhớ. Để đến lúc tuổi ngoại tứ tuần, Thái chỉ nhớ mình vinh dự 2 lần đứng trên bục vinh quang để nhận danh hiệu cao quý nhất.

Nghề thợ mỏ không phải là một công việc nhẹ nhàng, những người thợ phải làm việc trong lòng đất không ngừng nghỉ để khai thác những vỉa than hình thành cách đây hàng triệu năm. Công việc vất vả là thế, gian nan là thế nhưng họ luôn mang trong mình một ý chí kiên cường, một sức khỏe bền bỉ và một tâm hồn lạc quan để có thể bám trụ với nghề.

“Thợ mỏ mà không có lòng yêu nghề thì khó lòng bám trụ. Nhiều thanh niên học xong, đầu quân làm thợ mỏ nhưng chỉ được vài ba năm, thậm chí vài tháng đã xin nghỉ việc vì nghề thợ mỏ không dành cho những người yếu tim” - Công nhân Nguyễn Hữu Thành, Công trường kiến thiết cơ bản 1, Công ty CP Than Hà Lầm tâm sự.

Vào những năm 2000, ngành than gặp nhiều khó khăn, công nhân phải nghỉ luân phiên vì công việc ít. Nguyễn Trọng Thái cũng không phải là ngoại lệ. Từ một công nhân luôn dẫn đầu về sản lượng khai thác anh phải nghỉ việc về chạy xe ôm phụ giúp vợ con kiếm sống qua ngày - “Từ khi nghỉ việc, không đêm nào tôi ngủ được vì nhớ nghề. Nhớ tiếng rù rù của máy khoan khi gặp đá, nhớ không khí nóng hổi của những mẻ than chạy trên băng tải, nhớ những nụ cười lấm lem của anh em đồng đội mỗi buổi tan ca...”- Anh Thái bồi hồi kể lại.

Vinh quang nghề thợ mỏ ảnh 1 Anh Nguyễn Trọng Thái cùng Giám đốc Cty Than Hà Lầm Trần Mạnh Cường khảo sát đường lò.

Vì quá yêu nghề, anh quyết định quay lại làm việc và tự hứa sẽ bám trụ với nghề than. Cũng từ đó, đã hơn 20 năm, anh chỉ làm đúng mỗi một vị trí là tổ trưởng tổ đào lò mang tên chính mình, chỉ huy hơn 30 công nhân đào hàng chục ki lô mét đường lò. Nhiều công nhân dưới quyền của anh có người đã lên giữ những chức vụ, vị trí chủ chốt trong công ty. Nhưng với anh, đào lò là công việc duy nhất khiến anh cảm thấy vui và hứng khởi.

Thái tâm sự, trong cuộc đời thợ lò của mình, kỷ niệm khiến anh không bao giờ quên là khi anh nắm được tay đồng đội trong hầm sâu và biết đồng đội mình còn sống trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (12/2014, tại tỉnh Lâm Đồng), khiến 12 công nhân bị mắc kẹt sâu trong lòng đất. Cái cảm giác nỗ lực đào lò than nó khác hoàn toàn với cảm giác đào hầm để cứu đồng đội. Nó thiêng liêng và nhiều cung bậc cảm xúc. Từng nhát xẻng như từng bước chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho đồng đội.

“Đang đi làm ca 1 thì được Giám đốc đích thân xuống lò gọi về. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, tôi và 5 anh em thợ lò ở các đơn vị khác bay thẳng vào Lâm Đồng. Đến nơi lúc 9h tối, được giao nhiệm vụ mở đường, tôi cùng 1 nhóm anh em bắt tay ngay vào công việc. Lúc đấy, thực sự tôi chỉ biết đưa hết những kinh nghiệm xương máu của nghề ra để đào. Mất 26 tiếng cật lực, vận dụng hết mọi khả năng, cuối cùng chúng tôi cũng nắm được tay đồng đội và vui sướng vỡ òa khi biết cả 12 người vẫn còn sống” - Anh Thái bồi hồi kể lại cuộc giải cứu sập hầm thủy điện Đạ Dâng.

Mẫu mực

Đến Hà Lầm, nhắc đến Nguyễn Trọng Thái ai cũng cười bảo “Lại đến học hỏi kinh nghiệm đào lò chứ gì?”. Anh nổi tiếng với cả quãng đời đào lò chưa hề để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào, mọi người còn nói vui - “Mắt nó nhìn được xuyên cả đất cả đá nên chỗ nào nguy hiểm là nó tránh, vậy nên đi làm với nó thì khỏi lo gặp sự cố”.

Không chỉ đào lò giỏi, Nguyễn Trọng Thái còn là một cây sáng kiến hàng đầu của công ty. Mỗi sáng kiến của Thái đều được áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Điển hình là sáng kiến “Dập bụi trong khi thi công bằng cách sử dụng bơm áp lực, bơm nước”. Môi trường khai thác trong hầm lò rất khắc nghiệt, nhiều công nhân phải đi rửa phổi vì hít phải nhiều bụi than. Chính sáng kiến của Thái đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho công nhân ngành than.

Mỗi năm, anh Thái đóng góp vài chục sáng kiến và được hội đồng thẩm định của công ty ghi nhận và khen thưởng. Nhiều công nhân đùa bảo - “Vịt đẻ trứng còn ngày có ngày không, đằng này ông Thái cứ hở ra là đẻ được sáng kiến, quả đúng là thiên tài”. Những sáng kiến của anh góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao độ an toàn trong sản xuất cho công ty. Không ít lần, anh “ôm” hàng chục triệu tiền thưởng về nhà do sáng kiến mang lại hiệu quả lớn cho công ty.

Vinh quang nghề thợ mỏ ảnh 2 Dấu chân của anh Thái được đúc đồng trong bảo tàng.

Mấy năm đầu khi mới vào nghề, anh Thái còn bỡ ngỡ, sau đó, năm nào anh cũng đạt danh hiệu thợ đào lò xuất sắc nhất của Tập đoàn TKV. Đặc biệt, trong 10 năm liền, anh liên tục giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tập đoàn. Không chỉ đưa ra sáng kiến của mình, Nguyễn Trọng Thái còn là người thường xuyên trực tiếp tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo về những thiết kế, thay đổi cách khai thác trong hầm lò.

Lớp thợ lò này đến, lớp kia đi, tổ đào lò lừng danh TKV cơ bản chỉ còn anh ở lại cho đến giờ. Nhiều người bảo anh “khùng” vì cứ bám riết lấy nghề thợ lò, người ta chạy chọt để lên chức còn không được, đằng này anh được cất nhắc đàng hoàng mà không chịu đi. Anh Thái chỉ cười rồi nhẹ nói - “Mỗi người sinh ra đều có một vị trí, khi đặt đúng vị trí họ sẽ tỏa sáng. Tôi tự nhận thấy mình chỉ thích hợp với công việc này. Dù sao đi nữa nghề thợ mỏ cũng đã vinh danh tôi”.

“Vài năm nữa già đi, mắt không tỏ, chân không còn vững để chui lò thì tôi sẽ trở về cùng vợ mở một cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động cho anh em công nhân. Dù không còn được chui lò nhưng tôi vẫn muốn làm một việc gì đó để góp phần bảo vệ cho công nhân, những người anh em như ruột thịt” - Nguyễn Trọng Thái chia sẻ.

Chia tay Nguyễn Trọng Thái cùng tổ đào lò Hà Lầm, chúng tôi thấy rưng rưng với những câu chuyện, những hình ảnh người thợ mỏ. Nhem nhuốc cùng bụi than, nhưng thường trực nụ cười rạng rỡ khi chui lên từ lò sâu. Họ xứng đáng được gọi với cái tên “Những chiến binh trong lòng đất” như lời của bài hát Tôi là người thợ lò - “Kìa tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận/Kìa nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn/Ta đi khơi nguồn suối than, cho than xuôi về bến/Ta đi nhen ngọn lửa nhiệt tình cách mạng...”.

“Mỗi người sinh ra đều có một vị trí, khi đặt đúng vị trí họ sẽ tỏa sáng. Tôi tự nhận thấy mình chỉ thích hợp với công việc này, dù sao đi nữa nghề thợ mỏ cũng đã vinh danh tôi”.

Nguyễn Trọng Thái, tổ trưởng tổ đào lò, Công trường cơ bản 1, Công ty CP Than Hà Lầm

Với những đóng góp, thành tích đặc biệt của mình, Nguyễn Trọng Thái đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2007; Huân chương Lao Động hạng Ba, năm 2010; Chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương, năm 2012; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, năm 2013. Và đặc biệt, với việc lọt vào danh sách gồm 30 tập thể, cá nhân xứng đáng nhất của “Vinh quang Việt Nam: Dấu ấn 30 năm đổi mới” - 2017, anh 2 lần được “Vinh quang Việt Nam” vinh danh.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.