Virus cúm A/H1N1: Nguy cơ biến chủng độc lực cao

Virus cúm A/H1N1: Nguy cơ biến chủng độc lực cao
Bộ Y tế nhận định virus cúm A/H1N1 lây lan rộng, nguy cơ lớn cho sự biến đổi thành chủng có độc lực cao, lây lan nhanh ở Việt Nam, theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hôm qua.

>> Đặc điểm chung của bệnh cúm A/H1N1

Ngày 21/7, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những diễn biến mới nhất của dịch cúm A (H1N1), đặc biệt là việc xuất hiện hai chùm ca bệnh tại Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trực tiếp làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm Tp.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo khẩn cấp các biện pháp chống dịch tại các trọng điểm bị dịch này.

TPHCM chuyển sang giai đoạn 2 phòng chống dịch cúm A/H1N1

Chiều 21/7, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có cuộc họp khẩn với ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 thành phố để bàn giải pháp trước tình hình dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng trong cộng đồng và phương án đối phó với dịch tại các trường học trong năm học mới.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các trường học sát khuẩn toàn bộ trường học trước khi khai giảng năm học, đồng thời sau đó mỗi tuần đều thực hiện sát khuẩn môi trường. Khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt phải báo cho ngành y tế để có phương án xử lý kịp thời tránh lây lan. Tăng cường điều trị tại chỗ, hạn chế di chuyển. Đồng thời, chuyển sang giai đoạn 2 phòng chống dịch cúm A/H1N1 vì có hiện tượng ca bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

Giai đoạn này tiếp tục giám sát ca bệnh, tăng cường điều trị tại chỗ, hạn chế di chuyển, tăng cường công tác giám sát ngoài cộng đồng.

Đề nghị Sở Y tế lập kế hoạch phòng chống dịch ở giai đoạn 3 khi có ca tử vong xảy ra để kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

Theo Bộ Y tế, chùm ca bệnh tại Đồng Nai là những người cùng tham gia vào một bữa tiệc ngày 9/7/2009 gồm 31 người và ba Việt kiều từ Mỹ về tại ấp Việt Kiều xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Sau đó, một người con của 3 Việt kiều này được thông báo dương tính với cúm A (H1N1) do phát hiện tại cửa khẩu. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã tiến hành điều tra và xử lý y tế đối với các trường hợp tiếp xúc, đến ngày 19/7/2009 ghi nhận 24 trường hợp trong số những người dự tiệc bị dương tính với cúm A (H1N1).

Chùm ca bệnh tại TP. Hồ Chí Minh: là học sinh và 1 cô giáo thuộc Trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, phường Phước Long A, quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Đến ngày 19/7/2009 đã ghi nhận 22 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1). Trong số 5 trường hợp ghi nhận đầu tiên ngày 18/7/2009 có 1 học sinh về quê cùng tham dự bữa tiệc với người thân tại Đồng Nai (như đã nêu trên).

Bộ Y tế cho biết, hiện nay số trường hợp cúm A(H1N1) trên thế giới tiếp tục tăng nhanh. Một số nước khu vực Đông Nam Á có xu hướng tăng nhanh và ghi nhận nhiều trường hợp tử vong. Nhiều nước trên thế giới, dịch đã lan rộng trong cộng đồng và ngoài tầm kiểm soát. Vi rút lây lan nhanh trong cộng đồng.

Đã ghi nhận bệnh nhân cúm A(H1N1) lây lan tại trường học, trong thời gian tới là thời điểm học sinh, học sinh, sinh viên tựu trường, là điều kiện cho vi rút dễ lây lan và bùng phát thành dịch tại các trường học, cơ quan, cộng đồng.

Vi rút cúm A(H1N1) lây lan rộng, nhiều trường hợp không có triệu chứng, nguy cơ lớn cho sự biến đổi thành chủng có độc lực cao, lây lan nhanh ở Việt Nam. Vì vậy, nguy cơ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới là rất lớn. Mùa đông sắp tới dịch có thể phát triển mạnh do điều kiện thời tiết tạo thuận lợi cho vi rút phát triển.

Từ ngày 18 đến 20/7, Bộ trưởng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trực tiếp đến TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các hoạt động chống dịch cúm A (H1N1). Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tạm thời đóng cửa trường học có học sinh dương tính với cúm A(H1N1) trong vòng 1 tuần.

Trước tình hình dịch cúm A(H1N1) diễn biến rất phức tạp, đã ghi nhận trường hợp cúm A (H1N1) trong trường học nên nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng là rất lớn, để chủ động phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) tại các địa phương, ngày 21/7 Bộ Y tế cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) các cấp định kỳ hàng tuần, hàng ngày, đột xuất để kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo việc đóng cửa trường học, cơ quan, hạn chế tập trung đông người khi có ca bệnh lây lan.

Đồng thời, Bộ đề xuất để cán bộ y tế và các Bộ, ngành tham gia phòng chống dịch, trực dịch 24/24 giờ được hưởng chế độ phòng, chống dịch cúm A (H1N1).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định việc lây lan cúm A (H1N1) là không thể ngăn chặn được trên phạm vi toàn cầu. Đối với các nước đã có lây lan liên tục trong cộng đồng thì việc chú trọng vào giám sát, xét nghiệm từng ca bệnh đòi hỏi phải tập trung nguồn lực lớn, trong khi việc giám sát và xử lý các trường hợp bệnh có lâm sàng nặng để tránh tử vong là cần thiết hơn.

Tiếp tục khuyến cáo việc đánh giá vi rút học, để theo dõi biến đổi của vi rút để quản lý ca bệnh và phát triển vắc xin. WHO khuyến cáo các nước nên mua vắc xin phòng cúm A (H1N1) để cung cấp cho người dân, trước hết ưu tiên cho đội ngũ cán bộ y tế để đảm bảo duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đến ngày 19/7 đã có 136.432 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 139 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 765 trường hợp tử vong. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số nước nam bán cầu, nơi hiện giờ là mùa đông như Ôt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Chi lê, Ac-hen-ti-na...

Tại Trung Quốc đã ghi nhận 17 học sinh dương tính với cúm A (H1N1) tại một số trường học ở thành phố Bắc Kinh. Thành phố Bắc Kinh đã tiến hành đóng cửa trường học và giám sát chặt chẽ 20 giáo viên...

MỚI - NÓNG