VN đề nghị WHO hỗ trợ 'test' nhanh phát hiện cúm lợn

VN đề nghị WHO hỗ trợ 'test' nhanh phát hiện cúm lợn
Trong hai ngày 26, 27/4, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã họp bàn các giải pháp ngăn chặn và phòng chống cúm lợn. Bộ Y tế đã đề nghị WHO cung cấp test nhanh và phương pháp chẩn đoán phát hiện nhanh dịch bệnh; hướng dẫn phòng, chống...
VN đề nghị WHO hỗ trợ 'test' nhanh phát hiện cúm lợn ảnh 1

Đo thân nhiệt tại sân bay Incheon, Seoul, Hàn Quốc. Đa số các quốc gia đã cài đặt lại hệ thống đo thân nhiệt được sử dụng chống đại dịch SARS vài năm trước. Ảnh : AP

Ngày 26/4, WHO đã cảnh báo về nguy cơ vi-rút cúm lợn H1N1, vừa làm hàng chục người Mê-hi-cô thiệt mạng, bị biến thể sang dạng "nguy hiểm hơn".

Quyền phụ tá Tổng Giám đốc WHO phụ trách y tế, an ninh và môi trường Keiji Fukuda cho rằng điều này rất có thể xảy ra khi vi-rút H1N1 ở lợn kết hợp với các chủng vi-rút gây cúm ở người. Khi đó, loại vi-rút mới sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm với con người.

WHO khuyến cáo tất cả các nước trên thế giới tăng cường cảnh giác, giám sát chặt chẽ và triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp và nhanh của dịch cúm tại các quốc gia, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Việt Nam về vấn đề này.

Thưa Tiến sĩ, cúm lợn A(H1N1) - gọi tắt là cúm lợn - là một dịch bệnh mang tính toàn cầu, WHO khuyến cáo tất cả các nước tăng cường cảnh giác, giám sát chặt chẽ và triển khai các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát. Theo Tiến sĩ, Việt Nam có nằm trong diện nguy cơ mà WHO khuyến cáo không?

- Bệnh cúm lợn lây truyền qua đường hô hấp với xu thế giao lưu toàn cầu, Việt Nam cũng như các quốc gia khác, bất kể ở xa hay gần tâm dịch đều có thể xâm nhập dễ dàng. Môi trường Việt Nam vẫn đang lưu hành chủng vi rút cúm A(H5N1) ở gia súc, gia cầm và người, theo WHO đó là môi trường hết sức thuận lợi cho cúm lợn xâm nhập và phát triển trên nền dịch bệnh cúm A (H5N1) và các dịch cúm khác.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai những biện pháp gì để chủ động đối phó với tình trạng dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào nước ta?

- Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã có công điện khẩn gửi các Sở Y tế, các Trung tâm Y tế dự phòng, các cơ sở điều trị chủ động tăng cường giám sát, phát hiện sớm và ngăn chặn ngay ca bệnh xâm nhập đầu tiên; đồng thời họp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để bàn các biện pháp đối phó nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan cũng như tác động của dịch đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội,... Bộ Y tế Việt Nam đã khởi động cơ chế phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể, các trung tâm phòng chống, dịch lập lại cơ chế trực 24/24 giờ; kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biên giới, cửa khẩu, sân bay v.v... Các cơ sở y tế rà soát lại phương tiện như máy thở, máy đo thân nhiệt, phương tiện khác để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Thưa Tiến sĩ, theo thông báo của WHO, hiện chưa có vacxin phòng cúm lợn cũng như phác đồ điều trị, thuốc đặc hiệu? Vậy thưa Tiến sĩ, ngành y tế có đành bó tay trước dịch bệnh này?

- Đúng như nhà báo nói, đến giờ này chúng ta chưa có vacxin đặc hiệu, phác đồ điều trị và thuốc đặc hiệu cho điều trị cúm lợn, vì chủng vi rút cúm lợn lần này là loại cúm mới, được kết hợp từ loại cúm lợn Bắc Mỹ, cúm lợn Á Âu, cúm gia cầm và cúm người thông thường.

Tuy nhiên, WHO cho biết, Tamiflu (thuốc điều trị bệnh nhân bị nhiễm SARS) có tác dụng điều trị cúm lợn A. Bên cạnh đó, diễn tiến của bệnh nhân nhiễm cúm lợn vừa qua khá giống với diễn tiến bệnh nhân SARS (về kinh nghiệm phòng chống SARS thì Việt Nam được WHO đánh giá cao về kinh nghiệm và hiệu quả phác đồ điều trị SARS tại Việt Nam).

Vì vậy, chúng ta yên tâm với kinh nghiệm, thuốc, phác đồ điều trị và tiềm lực trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam. Sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của bộ máy chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương và hệ thống y tế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là cam kết hết sức vững bền của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch.

Trong hai ngày 26 - 27/4, Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã họp bàn các giải pháp ngăn chặn và phòng chống cúm lợn. Theo đó, Bộ Y tế Việt Nam đề nghị WHO cung cấp test nhanh và phương pháp chẩn đoán để kịp thời phát hiện nhanh dịch bệnh; hướng dẫn phòng, chống dịch cúm lợn.

Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam cùng WHO xây dựng phác đồ điều trị và định hướng cách phòng, chống bệnh cúm lợn A(H1N1) phù hợp với điều kiện, con người Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng nhất, mỗi người dân, mỗi đơn vị và cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và tránh đến các vùng có dịch đang lưu hành.

Khi có dấu hiệu của dịch bệnh, người dân phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Như vậy, chúng ta có thể chủ động đối phó với dịch bệnh.

Cảm ơn Tiến sĩ.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG