Vô cảm với tham nhũng

Vô cảm với tham nhũng
TP - “Có người nghĩ tham nhũng ở đâu đâu, không phải ở cơ quan, đơn vị mình nên rất thờ ơ với tham nhũng. Đừng để xã hội có những người bàng quan, vô cảm chung sống với tham nhũng” - ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) phát biểu thảo luận, chiều 5-11.
Vô cảm với tham nhũng ảnh 1

Khó phát hiện, xử lý - Vì sao?

Dẫn báo cáo “có địa phương trong năm không phát hiện, xử lý vụ tham nhũng nào”, ĐB Xướng đặt vấn đề: “Có phải tình hình ở đó tốt đẹp như vậy không? Thực tế, yếu tố tự kiểm tra nội bộ rất yếu, trong năm chỉ có 25 cơ quan đơn vị tự phát hiện được tham nhũng. Vì phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, nên mới có vụ việc như Vinashin”. Ông đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá thỏa đáng hơn về kết quả phòng, chống tham nhũng; cần củng cố và nâng niềm tin trong nhân dân bằng cách nói phải đi đôi với làm.

"Tham nhũng rất khó phát hiện, phát hiện rồi thì phải điều tra, xét xử nghiêm minh, nhưng chúng ta xử án treo nhiều, cải tạo nhiều, xử không nghiêm khiến nhân dân hoài nghi" - ĐB Đặng Văn Xướng 

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, người dân khi cần giải quyết việc gì sẵn sàng đưa hối lộ, công chức thì sẵn sàng nhận phong bì. Khi phạm luật Giao thông, người ta thường đưa tiền để không bị xử phạt nữa. Năm 2009, tiến hành kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thì chỉ có 24/63 tỉnh, thành hoàn thành.

“Tham nhũng phát hiện chủ yếu cấp cơ sở, cấp cao giảm dần. Phải chăng, cấp cao hơn thì thủ đoạn tinh vi hơn, dính dáng nhiều cấp, nhiều người hơn, nên khó phát hiện, xử lý”- ĐB Xướng đặt câu hỏi.

Nhắc lại câu nói của người xưa mà ông từng nói trước QH “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nói: “Theo báo cáo, các vụ tham nhũng giảm 31%. Vậy có phải chống tham nhũng thoái trào không? Hay tham nhũng là liều thuốc bôi trơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội?”.

ĐB Đặng Văn Xướng
ĐB Đặng Văn Xướng.

Chức to càng phải công khai tài sản

“Chức càng to càng phải công khai, công bố rộng rãi tài sản của anh, nếu không sẽ không bao giờ chúng ta trả lời được nhân dân rằng cán bộ đó lấy đâu ra hàng trăm hécta đất, biệt thự triệu đô, có tiền cho con cái đi du học, tiêu xài...” - ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phát biểu chiều qua 5-11.

Theo ông Xuân, báo cáo của Chính phủ có vẻ lạc quan, nhưng thực tế tình hình tham nhũng không có chuyển biến tích cực, bởi phát hiện số vụ thấp không có nghĩa tham nhũng đã giảm đi. Muốn giảm tham nhũng, cán bộ phải công khai tài sản, thu nhập như các nước đã làm, ông nói.

ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) lo ngại, tham nhũng còn nhiều nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đặc biệt, có vụ việc một cấp ủy ra nghị quyết thu hồi đất để chia đất cho cán bộ. “Không phải những cán bộ đó không có nhà, mà là có nhà rồi nhưng muốn lấy nhà nữa để chia cho con cái của họ” - ông Anh thẳng thắn.

ĐB Phạm Quốc Anh. Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Phạm Quốc Anh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bức xúc tệ nạn, bạo lực

Một số ĐB cho rằng, năm 2010 diễn biến tội phạm khá phức tạp, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, bỏ rơi trẻ sơ sinh ở các bệnh viện, nhiều vụ án giết người tàn bạo.

“Nhiều người sợ đi ra đường không được an toàn do tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông gia tăng. Cả ngành công an và xã hội phải vào cuộc. Nhưng số tội phạm bắt được tương đương với số phát sinh. Chưa kể, hơn 17 ngàn đối tượng truy nã đang lẩn trốn ngoài xã hội, hơn 4 ngàn đối tượng rất nguy hiểm” – ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nói. ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, công tác quản lý văn hóa xã hội thiếu chặt chẽ góp phần dẫn đến tình trạng bạo lực gia tăng.

“Nhiều vụ học sinh đánh nhau rồi tung lên mạng, rất nhức nhối. Phải chăng do đạo đức xuống cấp, gia đình nuông chiều, hay do họ thường xuyên đánh đập con cái, làm gương xấu cho các cháu? Hay đó là biểu hiện chạy theo thành tích, không báo cáo cấp trên?” - ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG