Vợ chồng già bán nhà nuôi con người khác… ăn học

Vợ chồng già bán nhà nuôi con người khác… ăn học
Mấy chục năm qua, sau 16 lần phải chuyển chỗ ở nhưng đôi vợ chồng già vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì những người con nuôi và con đẻ của họ đều chăm ngoan, học giỏi.
Ông Lý và vợ là bà Kía
Ông Lý và vợ là bà Kía.

Mặc dù gia đình mình đã có 4 người con nhưng chỉ vì tình thương người, sự cảm thông, lòng nhân ái, ông Nguyễn Minh Lý ngụ ở thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) đã không tiếc tiền của nhận nuôi, chăm sóc, chu cấp tiền cho những đứa trẻ là con người khác ăn học nên người.

Và, để những đứa trẻ có được những tấm bằng đại học, cao đẳng…vợ chồng ông đã phải làm thêm bao nhiêu công việc cực nhọc. Cuối cùng, khi không đủ tiền cho những người con nuôi ấy ăn học, ông bà đã quyết định bán luôn cả căn nhà mình đang ở lấy hơn 3 cây vàng, rồi cùng nhau đi ở đậu. Mấy chục năm qua, sau 16 lần phải chuyển chỗ ở nhưng ông vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc vì những người con nuôi và con đẻ của ông đều chăm ngoan, học giỏi.

Cựu binh nhân hậu

Chúng tôi tìm tới nhà ông Lý vào một ngày cuối năm nắng oi ả. Hỏi người dân thị trấn Đông Hải nhà của ông Tư Lý thì hầu như không ai là không biết, mặc dù ông liên tục… chuyển nhà. Trong căn nhà mới khá khang trang, ông Tư kéo chúng tôi vào nhà rồi giục vợ đi pha trà mời khách.

Ông bảo, sau hơn 20 năm ở đậu (ở ké) nhiều nơi, cách đây đúng 1 năm, tôi mới có được căn nhà này. Mà cũng không phải do vợ chồng tôi xây dựng đâu, tất cả đều là tiền của chính quyền địa phương và bà con trong vùng quyên góp với mấy nhà hảo tâm ở trên Sài Gòn biết chuyện xây giúp đấy.

Rồi, vừa nhìn ra khoảng sân trước hiên nhà, người đàn ông có gương mặt rất nhân hậu ấy vừa kể: "Tôi sinh năm 1948 nhưng đã tham gia cách mạng từ khi mới 13 tuổi.

Ngày ấy, tôi chủ yếu là dẫn đường, tiếp tế lương thực cho các đồng chí hoạt động cách mạng trong vùng mà thôi. Đến khi đất nước thống nhất, năm 1976, tôi được phong hàm trung úy và tham gia công tác tại Bệnh xá Công an Cà Mau rồi Bệnh xá Công an tỉnh Minh Hải (cũ).

Đến năm 1979, tôi chuyển ngành sang công tác tại Bệnh viện huyện Giá Rai (Bạc Liêu) rồi từ năm 1980 tôi lại công tác ở Trạm Y tế thị trấn Gành Hào và Bệnh viện Đông Hải của tỉnh cho đến khi nghỉ hưu năm 2011".

Trong quá trình gần như trọn vẹn cả đời công tác và tham gia cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân, ông Lý luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp, mẫu mực trong lòng bệnh nhân. Tuy nhiên, ở đời thường, ông còn làm được nhiều hơn thế khi đã dang rộng vòng tay nhân ái cưu mang, giúp đỡ, nuôi dưỡng hơn chục đứa trẻ nghèo nên người trong ánh mắt thương yêu của những người xung quanh.

Kể về chuyện này, ông bảo: "Chuyện ấy cũng tình cờ lắm. Đó là vào khoảng năm 1978, khi vợ chồng tôi mới có với nhau một đứa con gái đầu lòng là Thu Thảo.

Một hôm, tôi đi khám bệnh dưới trạm y tế ở Hộ Phòng (huyện Giá Rai) thì gặp một đứa bé chừng 2-3 tuổi gì đó quần áo rách rưới, bị cha mẹ bỏ rơi, đang khóc lóc vì quá đói và khát.

Nhìn cảnh ấy, thú thực tôi không đành lòng nên nảy ra ý định đưa cháu bé về nuôi. Bế cháu bé về nhà, vợ tôi, bà Kía cứ mắt tròn, mắt dẹt bảo có phải đây là… con rơi của tôi không.

Tôi cười, kể lại câu chuyện và bà ấy đã đồng ý nhận nuôi, đặt tên nó là Bé Thảo với mong muốn, sau này lớn lên đứa bé sẽ hiếu thảo, biết giúp đỡ mọi người xung quanh. Có lẽ, để cứu giúp, nuôi nấng được gần hai mươi người con nên người, công lao lớn nhất phải là bà Kía vợ tôi chứ tôi chỉ biết đi kiếm tiền về mà thôi.

Sau đó, cứ lần lượt những đứa con nuôi thứ 2, thứ 3 cho tới thứ 14 đều được vợ chồng tôi nhận nuôi, bên cạnh 4 đứa con do mình sinh ra. Tất nhiên, khi có thêm con thì cuộc sống gia đình sẽ vất vả, khó khăn hơn. Mà đó lại là những năm tháng đất nước còn khó khăn, cuộc sống của mọi người đều vất vả, có được bữa cơm no mỗi ngày đã là niềm hạnh phúc rồi.

Thế nên, ngoài việc làm ban ngày ở bệnh viện, tôi phải mở thêm một phòng mạch ở nhà cũng như nhận khám chữa bệnh tận nhà cho những bệnh nhân trong vùng để có tiền nuôi các con và cho chúng ăn học nên người, dù đó là con đẻ hay con nuôi. Mặc dù rất cố gắng nhưng với sức làm việc của hai vợ chồng ông, việc nuôi nấng và cho cả 18 người con ăn học có vẻ là quá sức.

Thế nên, từ một gia đình thuộc loại kinh tế khá giả, có thu nhập ổn định trong vùng, vợ chồng ông Lý-bà Kía dần dần trở nên túng quẫn vì con. Mặc dù vậy, ông không buồn, đổi lại ông cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn những đứa con khôn lớn, đó là niềm vui vô bờ bến rồi.

Đến năm 1980 thì ông bà đành rứt ruột bán đi căn nhà đang ở để có tiền nuôi con chứ nhất định không chịu để bất cứ người con nào phải bỏ học giữa chừng. Thế nên, cả đại gia đình ông bà đành phải đến xin bà con lối xóm cho cất cái nhà tạm trên mảnh đất trống để ở, tránh mưa gió qua ngày.

Cứ thế, suốt quãng thời gian 24 năm, ông bà cùng các con đã phải chuyển nơi cư ngụ tới 16 lần, nhưng cũng vẫn là đi ở nhờ, ở đậu trên đất của người khác bởi làm được đồng tiền nào, ông bà cũng đều dành hết cho các con.

Người con trai duy nhất ngày tốt nghiệp đại học
Người con trai duy nhất ngày tốt nghiệp đại học.

Chuyện đời 18 người con tên Thảo

Một trong những lý do khiến vợ chồng ông đặt tất cả 18 người con đều tên Thảo là vì muốn tất cả những người con ấy dù là con nuôi hay con đẻ khi đã về sống với vợ chồng ông, đều bình đẳng như nhau.

Ngoài ra, ông bà cũng có ý mong muốn sau này lớn lên, tất cả các con đều hiếu thảo với cha mẹ, hàng xóm và những người xung quanh bởi ở đời, quan trọng nhất không phải là giàu hay nghèo mà là cái đức, cái tâm với những người xung quanh vậy.

Thế nên, ngoài một người con bị khiếm thị bẩm sinh, không có điều kiện đến trường mà chỉ ở nhà học chữ nổi thì tất cả những người còn lại đều được ăn học tử tế. Và, kết quả đã không phụ lòng cha mẹ vất vả, những người con của ông, từ lớn đến bé đều giúp đỡ, bảo ban nhau học giỏi, chăm ngoan.

Hiện nay, ngoài người con trai tên Minh Thảo đỗ đại học, hiện đang sống và làm việc ở TP.HCM thì 3 người con khác của ông Lý, bà Kía cũng đậu cao đẳng, có người đã lập gia đình, đang sinh sống ở những địa phương lân cận.

Những người con khác, tùy theo sức học của từng người mà có người đã tốt nghiệp phổ thông, đang đi học nghề, có người làm công nhân. Những ai chưa lập gia đình vẫn đều sống cùng ông bà.

Những người con tên Thảo của ông bà
Những người con tên Thảo của ông bà.

Kể về cuộc sống hiện nay, bà Kía cười bảo: “Bây giờ, sau mấy chục năm vất vả nuôi nấng, vợ chồng tôi tự hào là các con đều đã khôn lớn nên người. Mặc dù chúng đều có cuộc sống riêng và đi xa nhưng cứ đến dịp cuối năm, gần tết như hiện nay, đứa nào cũng chuẩn bị để về thăm cha mẹ.

Mới tết năm ngoái, khi được mấy nhà hảo tâm ở trên Sài Gòn góp tiền xây cho căn nhà này, cả đại gia đình tôi mừng rơi nước mắt. Hy vọng tết năm nay các con sẽ về đông đủ để mọi người quây quần bên nhau”.

Ngoài căn nhà mà gia đình ông bà đang sinh sống do những nhà hảo tâm khắp nơi quyên góp dựng nên thì vừa rồi, ông Nguyễn Minh Lý cũng vinh dự được nhận bằng khen về phong trào thi đua người tốt, việc tốt và gia đình khuyến học toàn quốc bởi có thể nói, gia đình ông chính là một trong những hình mẫu về tấm gương vượt khó, yêu thương nhau hiếm có, xứng đáng cho những gia đình khác noi theo, học tập.

Theo Hoàng Giang
Dòng Đời

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.