'Vỡ trận' lễ hội đón năm mới 2018 ở Hồ Gươm: Chốn lao xao

Rác thải ngập đường sau giao thừa.
Rác thải ngập đường sau giao thừa.
TP - Mấy hôm cuối năm, đi qua quảng trường Nhà hát Lớn thấy rầm rầm dựng khung sắt thép chuẩn bị cho sân khấu hoành tráng đón năm mới, lòng cũng rộn ràng. Trước đó, Noel, thử hòa mình vào dòng người ở phố đi bộ Hồ Gươm để rồi nhận ra rằng chỉ vài loại đối tượng là hợp với việc có mặt nơi này vào những thời khắc đặc biệt.

Khoảng hai tiếng đồng hồ dạo Hồ Gươm đêm 24/12, thấy toàn người và người đi xuôi đi ngược, còn thì không có gì đặc biệt lắm, mà Hà Nội là trung tâm văn hóa giải trí của đất nước đấy nhé, còn Hồ Gươm là trái tim của thủ đô.

Đèn, hoa không lộng lẫy mấy, chỉ hơn ngày thường một chút. Đường hơi tối, thành ra người muốn ngắm người, không dễ. Hàng quán ở các phố lân cận thì khá tấp nập. Hàng phở phố Chân Cầm cắt Lý Quốc Sư, người xếp hàng dài y thời bao cấp. Mon men đến Nhà thờ Lớn thì thôi rồi, như nêm. Sân khấu dựng lên giữa sân nhà thờ, dàn đồng ca biểu diễn các bài hát của Thiên Chúa giáo một cách sôi động với âm thanh khuếch đại, không thế e không đáp ứng được biển người? Nên là chuồn vội, không định ngó nghển gì nữa.

Countdown ở Bờ Hồ vừa rồi mới gọi là bi kịch. Gợi nhớ cao trào đại lễ Nghìn năm Thăng Long dạo nào.

Hồi đó, hơn 7 năm trước, tôi cũng dại dột hòa vào biển người để rồi kẹt cứng, tiến thoái lưỡng nan ở đoạn gần Bưu điện Hà Nội. May mà hàng tiếng đồng hồ, chỉ là một không khí chen lấn lặng lẽ chứ không ai hô hoán báo động giả gì cả, chứ trong cái biển người đó có kẻ báo động giả rồi giẫm đạp lên nhau hòng thoát thân thì chưa biết điều tệ hại nhất xảy ra sẽ là gì. Lúc đó, thật sự thương lực lượng cơ động giải cứu từng người và nhóm người để họ được an toàn.

Sáng mùng 1, xem đoạn phim quay cảnh phụ nữ, trẻ em, cả thanh niên được đưa lên xe cứu hỏa để cấp cứu vì bị ngất ở phố đi bộ Hồ Gươm trong thời khắc đón năm mới, mà cám cảnh. Có người bình phía dưới: “Mở hàng năm 2018, xe cứu hỏa biến thành cấp cứu 115 hehe”.

Chính quyền tuyên bố tổ chức tới ba chục điểm biểu diễn nghệ thuật chào năm mới chứ không ít nhưng tâm lý mọi người cứ thích nhao lên Bờ Hồ thì biết làm thế nào. Đêm Noel, hỏi anh taxi Grab thì được biết tắc nhất đêm đó, ngoài đoạn quanh phố đi bộ còn có khu vực hướng về Royal City và Times City, vì dân tình cũng đổ đến hai “city” khá đông.

Nhà văn Hồ Anh Thái người có dịp đi rất nhiều nước, nói khá nghiệt với tôi: “Cái thú a dua tụ tập của nhân loại (không chỉ dân ta) thì nếu có Chúa trời, vị ấy sẽ trên cao nhìn xuống mà thương hại: Một đàn kiến bò quanh miệng chén hoan hỉ mà không biết cái chết liền kề”.

Nhà văn Lê Minh Khuê thì đoán: “Những người cố nhao đến chốn đông đúc nghẹt thở, chắc họ đang cố tìm cái gì đó, cũng phải tìm cái gì đó. Nhưng đi đến đâu xả rác đến đấy thì người Việt mình chắc nhất thế giới. Số người sống bản năng, hoang dã trong chúng ta còn đông lắm”.

Hình ảnh bãi rác khổng lồ ở thành phố Hồ Chí Minh thời khắc đón năm mới, khiến nhân viên môi trường tha hồ việc mà làm, cũng là một điểm trừ xấu xí khi mà ngành du lịch tuyên bố mục tiêu đón 15, 16 triệu lượt khách quốc tế năm nay, hơn năm ngoái vài triệu.

Trong quan sát của tôi đêm Noel, những người yêu nhau ra Bờ Hồ thời điểm đó vào lúc nghìn nghịt là có lý hơn cả bởi một khi đã yêu thì bất kể nơi chốn và không khí, cứ tay trong tay bát phố, sở lượn là vui rồi.

“Ta đi yêu người ta yêu nhau” (thơ Việt Phương). Người ngắm người cũng là cái thú. Nhưng cái thú này nên được cân nhắc lợi hại. Lợi mà bất cập hại thì thôi chứ. Gây nên cảnh chen vai thích cánh, làm khó chính quyền, thất thủ, thì phải bơn bớt đi chứ. Thất thủ khắp nơi.

Thỉnh thoảng có dịp đến những phố thuộc “Hà Nội 7, Hà Nội 8” trở ra, nghĩa là xa trung tâm, hiểu vì sao “lên Bờ Hồ” vào thời khắc đặc biệt, nhất là có bắn pháo hoa, là niềm vui của nhiều người. Vì Bờ Hồ mới thật Hà Nội, vả lại có nhiều nơi mà đi chơi lắm đâu. Thế rồi dân ngoại tỉnh nữa- với nhiều người trong số họ thì Bờ Hồ, Hà Nội vẫn là miền đất hứa, xứng đáng để hướng về, hòa vào.

Nghe nói quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục dịp đón năm mới vừa qua không chỉ có thất thủ, ngập rác, ngất xỉu mà cả mất cắp, quấy rối tình dục... Không ngạc nhiên. Từng đi xem ca nhạc “bãi”, hồi nhỏ, tôi và bạn bè hiểu thế nào là góc tối của con người, nó gây tội ác khiến ám ảnh suốt tuổi thơ những đứa trẻ con nhà lành. Nên bây giờ thà để con cái vị thành niên thành “gà công nghiệp” một chút còn hơn thả gà ra đuổi, cho chúng tự do đi chơi ở chốn đông người, tai họa khôn lường- nhiều người bảo nhau thế.

Để có được hình ảnh dân chúng hân hoan đón năm mới trên các phương tiện thông tin đại chúng là nỗ lực của chính quyền và các ngành liên quan- nào an ninh trật tự, y tế... Chính quyền nhiều việc phải làm trong khi đời sống của người dân còn đầy rẫy khó khăn về vật chất, tinh thần. Chả nhẽ thời khắc giao thừa, đếm ngược (mốt du nhập vài năm nay) mà lại nằm nhà- quan niệm thế cũng phải nhưng có lẽ mỗi người chúng ta nên chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu của mình, cân đối với năng lực của chính quyền. Với người thích phiêu lưu, tìm cảm giác mạnh thì cứ gọi là vô tư, “thích thì nhích”. Còn người già, trẻ em- phải tính. Riêng tôi và chúng bạn thì không phải bây giờ mà từ lâu đã thích Nguyễn Bỉnh Khiêm- “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao” cả nghĩa đen nghĩa bóng. Mang tiếng âm lịch, kể cả tự kỷ còn hơn là phải quen với chuyện ngất hoặc chứng kiến người khác ngất, bị xâm hại... Càng có tuổi chúng tôi càng hiểu rằng niềm vui mà phải trông chờ vào ngoại cảnh, thì khó trọn vẹn. Ví dụ phải nghe ca sĩ T.M vẫn với phong cách thời trang kỳ lạ, hát xong cao hứng bô lô ba la những câu ngô nghê trong thời khắc đếm ngược thiêng liêng, thì phải lẹ tay chuyển kênh ti vi lập tức và mong có sự rút kinh nghiệm nghiêm túc của nhà tổ chức, chứ chẳng nên tuế tóa xuề xòa quá.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.