Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên - Kỳ cuối:

Với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đã hoàn thành nhiệm vụ

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao.
TP - Cuộc sống với những phong phú, đa dạng. Quốc hội đang nợ cử tri không ít luật, bộ luật. Rồi không hiếm những bộ luật chưa ban hành hoặc vừa ban hành một thời gian đã lạc hậu với cuộc sống thì lại phải thu về, tháo dỡ ra sửa sang lại. Mỗi lần sửa đổi luật nó tờ tợ như cái khó của việc sửa nhà? Để là cái áo, tháo là cái tấm, các cụ từng nói vậy!

Lại nhớ ngay đến nhà thơ Hoàng Trần Cương. Ấy là cái lần lão than vãn về sự chậm lụt, tụt hậu của giới viết lách luôn lẽo đẽo ngơ ngác và cũ mèm trước dòng chảy ào ạt tươi mới của cuộc sống. Mấy câu thơ lão dẫn ra của Hữu Thỉnh: Chưa viết giấy đã cũ/ Chưa viết sông đã đầy/ Chưa viết chợ đã đông/ Chưa viết đồng đã bạc/ Câu thơ đứng giữa trời sao cứ thấy na ná công việc của anh làm luật ở xứ mình? Lão lại dẫn cả Kinh Dịch, rằng, cái nghề lẫn cái người xây dựng pháp luật chừng như luôn mắc vào quẻ Vị tế ? Quẻ Vị tế (chưa qua sông) nằm ở vị trí chót cùng của chuỗi liên hoàn  64 quẻ Dịch. Vị tế như hành trình mà cõi con người phải vượt qua. Cõi ấy trải suốt 64 thời của dịch biến.  Những là gian nguy, chia lìa,  niềm vui… Trải hết thời âm thịnh đến buổi dương hồi, hết Bĩ lại Thái. Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh… Tưởng được ngồi thở phào  ở quẻ Ký tế (đã qua sông, quẻ thứ 63). Tưởng rằng việc đời đã tất, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước một nấc nữa thôi là đi hết đường dài. Nhưng kỳ diệu thay, cái điều bất ngờ của Kinh Dịch, ở cái bước sau cùng ấy lại là quẻ Vị tế: Một dòng sông khác lai hiện ra trước mặt, và con người lại phải cất bước, khởi đầu trở lại cuộc hành trình.

Nhớ lần Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bộc bạch với vài nhà báo rằng, những ngày cuối, những giờ cuối trước khi bản Hiến pháp được thông qua, được công bố trước quốc dân đồng bào có nhiều chuyện hấp dẫn đáng để giới cầm bút nhọc công tốn sức…

Theo sự hé mở thì đó là những việc phát sinh bất ngờ, vô tiền khoáng hậu và theo đó là lao động cật lực theo nghĩa đen từ ông Chủ tịch Quốc hội đến các tham mưu, chuyên viên để làm cái việc hoàn chỉnh bản Hiến pháp mới.

Ông thẳng thắn rằng việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp 2013 là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời làm lãnh đạo cũng như nhiệm kỳ Chủ tịch Quốc hội của ông.

“Phải đào sâu suy nghĩ, gạn đục khơi trong, chắt lọc tinh hoa trí tuệ”. Ông kể, đến 5-7 giờ chiều ngày trước khi thông qua Hiến pháp thì Ủy ban soạn thảo vẫn còn tiếp thu và chỉnh sửa. Tuy nhiên, không phải mọi ý kiến, vấn đề đều được đưa và phản ánh vào Hiến pháp. “Đáp ứng được phần lớn mong muốn, nhu cầu của người dân là thỏa nguyện rồi” - Chủ tịch Quốc hội tiết lộ.

Nghe đã mê nhưng hình như là một cách từ chối khéo bởi đến bây giờ vẫn chưa có một cuộc gặp nói đúng hơn là buổi làm việc để tường thêm chuyện ngoài lề, bếp núc của việc xây dựng Hiến pháp 2013 như ông đã từng ngỏ?  Chợt nghĩ, nếu ông Chủ tịch Quốc hội sau này có một cái hồi ký (tại sao không?) chẳng hạn thì những chuyện ấy đưa vào hẳn là thú vị?

Còn việc quan trọng thứ hai là ông đã chuẩn bị ra sao để góp phần tìm người thay mình? Lựa một lúc ông ra hành lang phòng Diên Hồng trong giờ giải lao, tôi có hỏi ý ấy. Vẫn cái cười và chất giọng quen thuộc, đại ý, ngay từ đầu không phải chọn một mà nhiều phương án. Nhân sự cuối cùng là bà Nguyễn Thị Kim Ngân như mọi người đã thấy, đã biết…

Vẫn là cái chung chung. Chưa phải dạng bếp núc của việc nhân sự như cánh nhà báo tò mò muốn tường tận?

Trở lại việc hoàn chỉnh bản Hiến pháp.

Nghe ông Chủ tịch Quốc hội trải lòng như vậy, nhiều người cũng chỉ nghĩ ông đang nói về những nhọc nhằn cùng phức tạp của việc xây dựng và hoàn chỉnh bản Hiến pháp năm 2013.

Cử tri, suốt nhiệm kỳ Quốc hội  khóa XIII từng chứng kiến rất nhiều thời điểm, nhất là tại các kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội những động thái mạnh mẽ của Chủ tịch Quốc hội!

Thói thường nhiều quan chức, hình như chỉ mạnh chỉ bạo khi đã hưu. Chả thế mà đột xuất cần tiếng nói vào những vấn đề gai góc, nhạy cảm mạnh bạo, quyết liệt một chút,  để cho nhanh cho lành, cánh báo chí thường tìm đến các cụ hưu.

Còn tại vị? Nhỡn tiền các phóng viên, bao lần đôn đáo chầu chực đợi chờ chỗ sở làm cũng như tư gia, đường đột gửi cả câu hỏi qua đường email nhưng cực hiếm có quan chức đương tại vị  dụng phương pháp “hỏi thẳng, đáp thật”.

Nhưng với ông thì ông nói.

Mạnh và bạo đến mức xì xào. Từng lắm người đã ngài ngại rằng, liệu bạo và thẳng vậy thì có sao không?

Mới đây, 23/2/2016, khi thảo luận về thủ tục hành chính, vấn đề cấp giấy phép hành nghề vừa khó khăn vừa phức tạp, ông Nguyễn Sinh Hùng bật lên: “Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, quá nhiều thủ tục gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa!”. Ngày 17/2/2016, cũng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thấy Chính phủ lại xin hoãn trình Luật Biểu tình và xin hoãn rất nhiều lần, ít ra là từ ba năm qua. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng băng: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi? Do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi. Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi.  Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”.

Người vốn quen nghe, một chiều thuận tai  hẳn có cảm giác nghịch nhĩ khi bất ngờ nghe từ ông Chủ tịch Quốc hội khi ông cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) rằng cần phải làm rõ thế nào là “tuyên truyền chống phá nhà nước”.

Không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được. Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt”.

Có lúc căng. Hội trường dậy lên tiếng cười vui vẻ thư giãn khi ông không cười:  Cứ thả lá diêu bông ra đuổi mãi không được đâu.

Cái lá diêu bông ông nói là thứ gì vậy?

Khi góp ý kiến trong phiên thảo luận về “Luật Phí và Lệ phí” khiến dân chúng điêu đứng, ông Nguyễn Sinh Hùng kêu rằng, “Một quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí. Trời đất ơi, như thế người dân sống sao được”.  Thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng, Chủ tịch Quốc hội bức xúc: Bắt người dân chạy 15, 20 cái giấy mới đủ. Những thủ tục hành chính trở thành nỗi khiếp sợ của nhân dân mỗi cửa xin phép là mỗi cửa cơ hàn.

Rồi.

Đã là Nghị quyết của Đảng thì phải súc tích để làm. Nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp luật phải rõ ràng minh bạch, sau đó văn bản cấp trên mới giao cho cấp dưới. Tinh thần là phải đi thẳng vào văn bản pháp luật. Các anh cứ thả lá diêu bông ra đuổi mãi không được đâu”.

Lần ấy (sáng 22/12/2014) chứng kiến vẻ hoan hỉ của cánh báo chí đang tác nghiệp tại Quốc hội khi chứng kiến một loạt ý kiến của Chủ tịch trong thảo luận về “Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân”.

Có điều khoản phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với 5 hành vi vi phạm của nhà báo khi tham dự phiên tòa để tác nghiệp.

"Người ta đã có thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu, xuất trình rồi cho vào, vậy thì tại sao lại còn hỏi giấy giới thiệu? Đã xuất trình thẻ rồi lại còn giấy giới thiệu nữa, có phải là thủ tục hành chính phiền hà không? Thế nào là hành vi cản trở? Cản trở cứ giấy phép to đẻ ra giấy nhỏ, giấy nhỏ đẻ ra giấy con. Nội quy này tôi thấy không nên đưa vào đây”.

Có khi lực lượng phản động vào phá phiên tòa thì không giữ được mà lại vớ nhầm phải những người tử tế là mấy anh nhà báo”.

“Các cụ nói là đa thư loạn mục, lắm thầy rầy ma”. Ông nói vậy khi cho ý kiến về kinh phí thực hiện đề án giáo dục mới “Nếu làm dưới con số đề ra thì tốt, nhưng vượt quá thì sao? Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ tôi nghe tôi cũng sợ quá!”.

Nổi trội nhiệm kỳ khóa XIII là lần đầu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như ông Chủ tịch Quốc hội khẳng định “Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát”.

Cũng có nghe đó là việc làm độc đáo của Quốc hội Việt Nam.  Nhưng gì thì gì, dân đều đồng tình, cử tri ủng hộ nhất trí với tiếng chuông cảnh tỉnh vang lên từ Quốc hội đã khiến cho không ít quan chức dân cử phải soi lại mình?

Cũng chưa kịp làm cái việc thống kê bao nhiêu những phát biểu góp ý kiểu ngôn trung nghịch nhĩ ấy của ông Chủ tịch Quốc hội.

Nhẹ nhàng và thanh thản là sắc thái phong phú của cụm từ  đã hoàn thành nhiệm vụ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Vẫn còn đó những day dứt. Những thứ nợ dân nợ nước ấy là thông điệp bàn giao, như cách trao nhiệm vụ cho người kế nhiệm cùng khóa mới vậy?

Đính chính

Tiền Phong số 90 ra ngày 30/3/2016, trong kỳ 3 kí sự “Tình cảm chân thành, dấu ấn khó quên”, với tiêu đề “Với anh Ba Dũng” của tác giả Xuân Ba có nêu: Anh trung úy trẻ mà nhà văn Anh Đức đeo bám ấy là Nguyễn Tấn Dũng.

Thực tế, thời điểm năm 1962 xảy ra trận chiến đấu ác liệt của du kích địa phương với địch ở Hang Hòn, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng khi đó còn nhỏ tuổi nhưng đã tham gia lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang, do thông thạo địa bàn ở đây đã lập được chiến công. Cộng với nhiều thành tích trước và sau trận Hang Hòn, chiến sĩ Nguyễn Tấn Dũng được tham gia Đại hội chiến sĩ thi đua điển hình tiên tiến của tỉnh Kiên Giang. Tại đó nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức) đã gặp điển hình Nguyễn Tấn Dũng như bài viết. Thời điểm đó Nguyễn Tấn Dũng là chiến sĩ chứ chưa phải là sĩ quan.

Do nhầm lẫn của người cung cấp tư liệu và người viết nên đã xảy ra sai sót đáng tiếc này.

Tiền Phong cùng tác giả chân thành cáo lỗi cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bạn đọc.      

TP

MỚI - NÓNG