Voi hoang không nhập đàn

Bảo mẫu Ninh hướng dẫn phóng viên cách cho Gold bú sữa.
Bảo mẫu Ninh hướng dẫn phóng viên cách cho Gold bú sữa.
TP -  Sau nhiều lần liều mình chặn đường voi đi vẫn không trả được voi con cho đàn voi hoang dã, nhóm cán bộ nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk trở thành bảo mẫu cho chú voi lạc mẹ. Một trưa hè đầy hoa nắng dưới tán rừng khộp ở Trạm Cứu hộ voi rừng, phóng viên vừa trải nghiệm việc cho voi bú sữa, vừa nghe các bảo mẫu dũng cảm kể chuyện chăn voi... 

Ai thương voi, xin cho voi thêm sữa !

Đó là lời nhắn nửa đùa, nửa nghiêm túc của ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk (sau đây viết tắt là Trung tâm) với phóng viên báo Tiền Phong, khi nghe tôi hỏi sao nhìn Gold có vẻ gày thế.

Đặt tên cho voi con lạc mẹ là Gold, hẳn Trung tâm quý nó như Vàng. Tuy nhiên, chú voi độ 6 tháng tuổi này còn lâu mới mọc đủ răng để ăn được cây lá, nên từ nay tới khi đó, riêng việc ứng tiền mua sữa bột trẻ em pha cho Gold uống mỗi ngày, vốn không có trong dự trù tài chính của năm, cũng khiến Trung tâm lo vàng mắt.           

Tiếp phóng viên trong gian nhà tuềnh toàng gắn tấm biển nhỏ “Trạm cứu hộ voi” nằm lẫn trong màu xanh cây lá của dải rừng khộp bạt ngàn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, anh Cao Xuân Ninh (30 tuổi), “bảo mẫu” của voi Gold, và anh Phan Phú (27 tuổi), “bảo mẫu” của voi June, kể cho tôi nghe bao nỗi nhọc nhằn, nguy hiểm mà những người làm công tác bảo tồn voi phải trải qua, khi bất đắc dĩ rước Gold về.  

Là nhân viên Phòng Voi hoang dã, nhà lại ở xã Ea Lê, huyện Ea Súp, nơi voi rừng hay về phá rẫy tìm thức ăn, nên về nhà cuối tuần, Ninh vẫn tranh thủ theo dõi tình hình voi trên địa bàn. Thứ Bảy ngày 28/3/2015, Lâm trường Chư M’lanh báo về Trung tâm: có một voi con lọt xuống giếng. Ninh cùng 2 cán bộ của Trung tâm phóng xe máy tới nơi lúc 10 giờ sáng, thấy dưới lòng giếng cạn đường kính khoảng mét rưỡi trồi lên mảng đầu chú voi con ngoi ngóp ngập trong bùn, trông rất tội nghiệp.

Nhóm cứu hộ ôm cây, cành thả xuống, voi con hiểu ý, dẫm lên, trồi dần. Có thêm mấy nông dân tới giúp, Ninh lội xuống giếng luồn dây qua bụng voi, trên miệng giếng, 6 người nắm các đầu dây hò nhau kéo. Voi con được lôi lên bờ nằm rũ rượi, lấm lem. Ninh chạy đi múc nước khe suối vào can nhựa đem về rửa sạch bùn đất quanh vòi, cho nó uống nước, chờ Trung tâm thuê xe càng lùi vô chỗ trũng, ôm voi con ủn lên xe, ước lượng nó nặng hơn nửa tạ. Ninh ngồi trên rơ mooc giữ voi, lắc lư nảy xóc 6 cây số mới về tới Trạm quản lý bảo vệ rừng của lâm trường…

Có tiếng voi rống. Đã đến giờ nó uống sữa. Ninh lại chiếc kệ chất đầy hộp sữa bột Dielac loại dành cho trẻ em 6 tháng tuổi, cỡ hộp 900 gr. Ninh cho biết, bây giờ, mỗi ngày Gold uống gần hết 3 hộp. Chưa kể công chăm sóc, tiền sữa, tiền chuối chín, nước dừa, nước trái cây vào bụng Gold mỗi ngày lên tới gần bạc triệu. Ninh đong sữa bột vào ca nhựa, cân cẩn thận rồi pha, chế đầy 2 bình gắn núm vú to dài, đưa tôi một bình, mời tôi ra chuồng voi cùng cho Gold bú.

Trả lại voi con bất thành

Tại chuồng voi, Ninh và Phú kể tiếp. Trưa hôm đó, Ban giám đốc và cán bộ Trung tâm kéo vào Trạm, chỉ dẫn cách bơm nước lên tắm rửa, cách pha sữa cho voi con khoảng 3 tháng tuổi bú bình. Nhận được tin báo đàn voi rừng có quay lại chỗ giếng cạn tìm voi con, ông Huỳnh Trung Luân chỉ đạo ngay trong đêm phải chở voi con về trả lại cho mẹ nó. 

Chín giờ tối, cho voi con bú thêm một bình sữa nữa, rồi Phú, Ninh và thạc sĩ thú y Phạm Văn Thịnh, người từng sang Srilanka học tập kỹ năng cứu hộ voi,  cùng leo lên xe cày giữ voi con, quay vào gần chỗ giếng nước, lùa voi vào một chiếc cũi gắn kết lỏng lẻo bỏ lại giữa rừng, để nếu mẹ nó trở lại sẽ dễ phá cũi dẫn con đi.

Sau giấc ngủ mê mệt, 5 giờ sáng Ninh đã bật dậy để cùng anh Đỗ Viết Thụ, Trưởng Phòng bảo tồn voi hoang dã của Trung tâm, phóng xe máy vào chỗ đặt cũi voi. Cũi vẫn còn đó, voi chẳng thấy đâu. Hơn nửa tiếng sau, đồng bào chạy tới báo tin có con voi nhỏ thẩn thơ một mình trên lán rẫy...

Ngồi trên xe cày xóc mệt gấp nhiều lần đi bộ, nên lần này, Phú đem dây tới cột voi, lếch thếch dắt bộ voi 6 cây số về Trạm. Giám đốc bảo chuyển voi con đến điểm cứu hộ đặt tạm sau trụ sở Vườn Quốc gia Yok Đôn cách Trạm hơn 30 km, nơi voi June đang được các chuyên gia điều trị vết thương. Đường dài, thùng xe hàng rộng, hai người thay nhau giữ voi mệt hết hơi. Về nơi ở mới, voi con được đặt tên là Gold. Vì nó chưa mọc răng, chưa ăn gì được, Trung tâm phải hỏi ý kiến nhiều chuyên gia về loại sữa, lượng sữa pha cho Gold bao nhiêu thì vừa, để bảo đảm Gold đủ dinh dưỡng mà không sợ bị đau bụng.

Hai ngày sau, Lâm trường Chư M’lanh báo tin phát hiện một đàn voi rừng. Giám đốc Luân động viên anh em chịu khó thêm lần nữa để voi con được gặp voi mẹ.

Ba anh em Phú-Tân-Thịnh dựng lều giữa rừng gần chiếc cũi nhốt Gold để tiện chăm sóc nó, đợi đàn voi đi qua. Đêm thứ hai, khoảng 20 giờ, vọng về tiếng rống của đàn voi hoang dã. Nhóm người leo tót lên cây cao im lặng quan sát. Đàn voi di chuyển rất nhanh đến gần, rồi tràn qua, khuất hẳn. Phú tuột xuống kiểm tra thì thấy toàn bộ chiếc lều cùng mọi vật dụng đã bị đàn voi dẫm đạp, xé nát, nhưng chiếc cũi có Gold đứng im lìm trong đó cách chừng một trăm mét thì vẫn còn nguyên.

Liều mình vì thương voi

Mệt nhoài, chẳng còn lều che sương gió, cả nhóm lăn ra ngủ giữa những bụi cây. Sáng hôm sau, chuyên gia voi Jack Highwood (người Anh) bay sang hỗ trợ. Phương án mới được đưa ra là để voi dễ nhập bầy, không nhốt Gold vào cũi nữa.

Đêm đó, Phú và Tân đứng giữ Gold giữa rừng. Phú kể: “Nói thật, tụi em vừa hồi hộp vừa sợ hãi, nhưng ai cũng muốn voi Gold được về với bầy đàn, nên phải cố tỏ ra cứng cỏi. Hai mươi mốt giờ đêm, đàn voi kéo tới, vừa hú vừa bẻ cành, đạp cây gẫy răng rắc. Chờ đàn voi cách khoảng 20 mét, hai đứa mới lia đèn pin, thả Gold ra. Phú băng rừng, Tân chạy men đường cái, hy vọng voi mẹ tìm thấy Gold sẽ không truy đuổi hai thằng người.

Nhưng chẳng biết trong đàn có voi mẹ không, mà trong khi chúng ào ạt vượt qua, Gold vẫn lẽo đẽo bám theo Tân ra đường cái. Tân xô nó quay lại, rồi cắm đầu chạy miết. Vừa về tới Trạm bảo vệ rừng Chư M’lanh, điện thoại đã reo, dân gọi báo thấy một chú voi con đang rượt theo một chiếc xe máy ngoài đường.

Voi hoang không nhập đàn ảnh 1

June và Gold thân thiết với cả nhóm bảo mẫu.

Lần thứ tư, đích thân ông Jack cùng Ninh và Phú dẫn Gold về gần cái giếng, xế chiều gặp đàn voi rừng cách chỉ 15 mét mới thả Gold, lên ô tô phóng đi, mặc đàn voi rống ầm ĩ phía sau. Hơn nửa tiếng quay lại không thấy Gold đâu, cả nhóm mừng rỡ nghĩ phen này Gold đã về với đại ngàn hoang dã. Ngờ đâu hôm sau, người ta lại gặp nó lang thang gần hồ Ea Súp Thượng, cách chỗ thả hơn 3 km.


Đến nước này thì Trung tâm chịu thua việc voi Gold không thể nhập bầy, đành làm cho nó một cái chuồng êm ấm. Tổ chăn voi 5 người được giao trách nhiệm chăm lo, nuôi dạy cả 2 chú voi đực lạc đàn June và Gold, gồm: Cao Xuân Ninh - trung cấp Kế toán, Võ Nhật Tân - trung cấp Lâm nghiệp, Phan Phú - cao đẳng Công nghệ sinh học, và 2 thạc sĩ thú y Phạm Văn Thịnh, Lê Võ Thị Anh Đào. Sau một khóa bồi dưỡng 3 tuần về kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ voi không dùng roi vọt do bà Erin Luise Ivory (người Mỹ), chuyên gia huấn luyện động vật, trực tiếp hướng dẫn, Ninh chính thức trở thành “bảo mẫu” cho bé Gold. Vuốt ve dỗ Gold chịu há miệng lớn ra, Ninh chỉ cho tôi xem trong góc hàm nó nhú ra hai gốc răng sữa trắng bóng.

Gần đó, Phú vo cơm thành từng nắm to trộn bột canxi thơm bọc kín 10 viên thuốc kháng sinh ở giữa, dỗ cho voi June ăn, rồi rửa chân, xức thuốc cho nó để vết mổ lấy cọng kẽm rỉ sét ra khỏi chân hồi tháng trước mau lành. Được Trung tâm cứu June khi đang sập bẫy đầy mình thương tích hồi tháng 2/2015, khi đó nó mới nặng khoảng 5 tạ. Dù phải trải qua nhiều đợt điều trị đau đớn, thương tật vẫn chưa lành, nay June nặng gần 1 tấn. Với cặp ngà cân đối, đôi mắt sáng láu lỉnh, nếu vòi không sứt, chân không què do dính bẫy bọn “voi tặc” độc ác, hẳn June sẽ là một chàng voi khỏe đẹp, dũng mãnh.

Dù nghỉ trưa hay nghỉ đêm, 2 chàng bảo mẫu độc thân cũng thường mắc võng nằm cạnh chuồng voi, để mỗi khi tỉnh giấc, June và Gold không hốt hoảng lồng lên đi tìm. Sau mỗi bữa ăn, June và Gold lại được bảo mẫu đưa đi dạo chơi, chạy nhảy đùa nghịch. 

Nơi Trạm cứu hộ đang chăm sóc June và Gold đã được tỉnh khoanh vùng 200 ha dành riêng cho voi. Trong một vài năm tới, dưới tán rừng khộp xòe lá rộng tuyệt đẹp bên hồ Đắk Minh trong xanh bát ngát, sẽ lần lượt mọc lên Bệnh viện Voi, khu chăn thả bán hoang dã, và trụ sở chính của Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk. Rất có thể June và Gold sẽ được ghi danh như những “công dân đặc biệt” đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của Trung tâm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.