Với nhiều người Mỹ, chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt

Với nhiều người Mỹ, chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt
“Đã 30 năm, nhưng vết thương chiến tranh Việt Nam vẫn len lỏi tới từng gia đình Mỹ, che phủ hành lang quyền lực tại Washington” – Cựu phóng viên chiến trường Joe Galloway đánh giá.

Joe Galloway nói hãy nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004 để thấy ông Bush và ông Kerry đã bị những hình ảnh chiến tranh Việt Nam chi phối như thế nào; hãy hỏi chuyện các gia đình vừa đón hài cốt cha anh họ trở về, hãy gặp hàng trăm người hàng ngày đến đứng trước Bức tường tưởng niệm lính Mỹ tại Washington; hãy đến thăm những cựu binh bị thương tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để xem chiến tranh đã thực sự chấm dứt và hãy đến Capital Hill để xem Quốc hội Mỹ khó xử như thế nào vào 3 giờ chiều ngày 30/4/2005 khi đại diện của hơn 50.000 hội viên thuộc Hiệp hội Cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (VVA) đến đòi quyền lợi...

George Herring, tác giả cuốn Vietnam: American’s Longest War (Việt Nam: Cuộc chiến tranh lâu dài nhất của Mỹ) nói rằng Việt Nam vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới các quyết định về chiến tranh, hoà bình và chính trị ở Mỹ.

Phóng viên Brian Padden của đài VOA nói rằng hình ảnh trực thăng đến “bốc” người Mỹ khỏi Toà Đại sứ ở Sài Gòn vẫn ám ảnh nước Mỹ sau 30 năm. Một cuộc chiến tranh có 2 triệu rưỡi lính Mỹ tham chiến, 58.000 người bỏ mạng, gây ra sự chia rẽ chưa từng có trong lòng đất nước và là cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ chịu thất bại còn lâu mới thực sự kết thúc.

Cũng như phóng viên Galloway, cựu binh Jan Scruggs tỏ ra gay gắt khi ai đó nói rằng chiến tranh đã thực sự chấm dứt.

Với Scruggs, vẫn còn đó vết thương trên thân thể trong một trận chiến năm 1969 ở chiến trường Việt Nam và đau hơn là vết thương tinh thần. Scruggs kể lại, ông đã bị bạn bè, thậm chí cả những cô gái mà ông yêu mến xa lánh khi từ chiến trường Việt Nam trở về. Điều này đã thôi thúc ông đứng ra thành lập Quỹ Tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam (VVMF) năm 1979.

Quỹ này đã huy động được 8 triệu USD để xây Bức tường tưởng niệm lính Mỹ tử trận và hàng triệu USD phục vụ cho hoạt động hàn gắn chiến tranh ở Mỹ và Việt Nam. Scruggs nói nếu chiến tranh đã thực sự chấm dứt, ông và các thành viên khác trong VVMF đã không phải hàng ngày đi vận động quyên góp tiền để giúp đỡ cho các cựu chiến binh Mỹ, các nạn nhân ở Việt Nam...

Với Chuck Ward, Giám đốc điều hành tổ chức Sứ mệnh cựu chiến binh (VWAM) đã thực hiện hàng loạt dự án hỗ trợ y tế, giáo dục tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Chuck kể rằng, những người Mỹ đến đóng góp tiền cho VWAM đều nói cuộc chiến tranh vẫn còn đó và họ phải có một phần trách nhiệm.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam với những người ở cương vị chỉ huy dường như còn nặng nề hơn nữa. Tướng Corbin Lee Cherry, từng chiến đấu ở mặt trận Thừa Thiên – Huế sang Việt Nam dịp này cùng 2 cựu binh nữa trong ban lãnh đạo của VVA. Đến Việt Nam một cách lặng lẽ, ở trong một khách sạn “khiêm tốn” ở Hà Nội, tránh tiếp xúc với báo chí và chỉ đến chào Hội Cựu chiến binh Việt Nam vào ngày 26/4.

Với câu hỏi “Chiến tranh đã kết thúc chưa?”, Tướng Corbin Cherry nói hãy xem những việc mà ông và các cựu binh khác vẫn làm để có câu trả lời. Ông không muốn nói về cuộc chiến tranh mà muốn dành thời gian để hàn gắn, khắc phục nỗi đau bằng những hành động cụ thể như trao tặng xe lăn, thuốc men...

Với tướng 3 sao Hal Moore, người chỉ huy phía Mỹ trong trận La-Đrăng nổi tiếng năm 1965 tại Pleiku, chiến tranh Việt Nam là một nỗi đau lớn. Hơn cả những gì đã viết trong cuốn sách mà Hollywood dựa vào để dựng thành bộ phim cùng tên “Chúng tôi từng là lính” (We were soldiers...), chiến tranh Việt Nam là một phần cuộc sống của ông hiện nay.

 Vết thương thể xác đã khiến ông bị liệt từ nhiều năm qua, phải ngồi xe lăn và ngay cả việc đánh máy vi tính trả lời thư điện tử của các cựu binh khác cũng phải nhờ đến vợ là bà Julie.  

MỚI - NÓNG