Vốn ODA: 246 triệu USD một đi không trở lại

Vốn ODA: 246 triệu USD một đi không trở lại
Báo cáo giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội vừa công bố con số sơ bộ: Chỉ tính đến đầu năm 2003, có 34 dự án của các doanh nghiệp với số tiền thực vay hơn 246 triệu USD từ nguồn vốn ODA hầu như không có khả năng trả nợ.

Số liệu mà chúng tôi thu thập được, trong thời gian từ năm 1999-2002, các bộ được ưu đãi tiếp nhận nguồn vốn ODA nhiều nhất là Bộ GTVT (hơn 4.160 tỉ đồng), Bộ Công nghiệp (hơn 3.790 tỉ đồng), Bộ NN-PTNT (hơn 1.626 tỉ đồng), Ngân hàng Nhà nước (hơn 1.241 tỉ đồng), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hơn 993 tỉ đồng)... Sau đó các bộ này phân bổ về địa phương theo ngành của mình.

Theo phân tích của Ủy ban Đối ngoại của QH, một nguyên nhân làm nguồn vốn này bị thất thoát lãng phí là do nhiều bộ, ngành, địa phương xem ODA là “tiền chùa” nên sử dụng... “tùy theo ý thích”. Chẳng hạn, Bộ GTVT bỏ ra hơn 143 tỉ đồng để đầu tư cho các ban quản lý dự án (PMU), trong đó có PMU18 của Bùi Tiến Dũng làm tổng giám đốc.

“Ở cả Trung ương và địa phương, vẫn còn quán tính bao cấp, xem vốn ODA không hoàn lại là tiền Chính phủ đi vay. Chính phủ vay tiền nước ngoài thì Chính phủ có trách nhiệm trả nợ”. Với quan niệm “xài tiền chùa”, nên dù đã hơn 10 năm “nối lại” nguồn vốn ODA, đến thời điểm này hầu hết các địa phương chưa đưa ra được quy hoạch sử dụng vốn ODA đến năm 2010.

Buông lỏng quản lý

Những con số do Ủy ban Đối ngoại của QH công bố chỉ là bề nổi của sự thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng nguồn vốn ODA. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, trong thời gian từ năm 1993-2005, tổng vốn ODA được giải ngân đạt 15,9 tỉ USD.

Nhiều công trình, dự án đã được hình thành từ nguồn vốn này. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án vẫn chưa được tổng kết và chưa có tiêu chí để đánh giá. Do đó, số tiền thất thoát không chỉ dừng lại ở con số triệu USD mà có khả năng lên đến hàng tỉ USD như phát biểu của một số đại biểu tại kỳ họp QH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân nhận xét: “Việc quản lý các dự án sử dụng vốn ODA chỉ nặng về quản lý ban đầu. Còn công tác theo dõi, kiểm tra trong suốt quá trình thực hiện ít nhiều còn bị xem nhẹ, thậm chí còn bị buông lỏng!”.

Nhiều ý kiến cho rằng với cơ chế quản lý còn nặng về “xin-cho” nên hiện nay hầu hết các thông tin về nguồn vốn ODA các địa phương có được còn rất nhỏ giọt và phụ thuộc vào khả năng theo đuổi của mỗi địa phương. Tình trạng này vô hình chung tạo khe hở cho tiêu cực và làm cho việc phân bổ dự án ODA mang nặng tính ban phát.

Có thu hồi được tiền thất thoát

Dư luận đặt vấn đề: 34 dự án ODA với số tiền hơn 246 triệu USD liệu có thu hồi được? Bộ Tài chính cho rằng những dự án này trước hết cơ quan cho vay lại là Quỹ Hỗ trợ phát triển, hoặc các ngân hàng thương mại cần làm việc kỹ với các chủ dự án và cơ quan chủ quản cấp trên “để phân tích nguyên nhân, tìm các biện pháp khắc phục...”. Khi nào khó khăn, cơ quan cho vay lại báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn nợ, hạ mức lãi suất cho vay, chuyển thành vốn ngân sách cấp phát...

Với cách thu hồi nợ theo kiểu “xem xét tìm nguyên nhân”, xem ra nguồn vốn ODA bị thất thoát khó có khả năng thu hồi. “Quá vô lý. Hiện nay mỗi năm một người dân VN phải “còng lưng” trả nợ bình quân 40 USD cho khoản vay vốn ODA, trong khi nguồn vốn này đang bị thất thoát do buông lỏng quản lý!” - ông Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn, bức xúc.

Theo Dương Nam Cường
Người Lao Động

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.