Dọc đường cứu trợ, Kỳ 2:

Vớt người trên đỉnh lũ

Hơn 20.000 suất quà đã đến người dân vùng lũ kịp thời nhất
Hơn 20.000 suất quà đã đến người dân vùng lũ kịp thời nhất
TP - Trong lúc nước lũ đang đạt đỉnh tại Quảng Bình, các đoàn từ thiện, thậm chí là cả lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận để tiếp tế thức ăn, nước uống cho người dân một số vùng bị cô lập, thì cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Trường Thịnh đã có mặt ở những nơi bị ngập nặng nhất, bằng các phương tiện tối tân và hiện đại nhất giúp dân vùng lũ.

Ði trên đỉnh lũ

Sáng 19/10, nước lũ lên nhanh, nhiều địa phương ở Quảng Bình báo về, lũ đã vượt mốc kỷ lục năm 1950. Tiếng kêu cứu khắp nơi, Quảng Bình gần như thất thủ. Tại thời điểm đó, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã tính đến phương án lập cầu hàng không bằng trực thăng và huy động người nhái để cứu dân ở những vùng bị cô lập nặng.

Tại các thôn vùng cồn nổi trên sông Son và sông Rào Nan như Hà Sơn, Khe Zét, xã Quảng Sơn; Minh Tiến, xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), ngày thường vốn đã bị cô lập vì bốn bề sông nước, lũ tràn về chảy xiết, cộng với sóng lớn những tàu thuyền bình thường không thể đi lại được. Nước chạm mái nhà, trong lúc tính mạng hàng trăm người dân nơi đây đang hết sức nguy cấp, Tập đoàn Trường Thịnh có mặt kịp thời.

Ông Võ Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thịnh nhớ lại: “Đêm 18/10 là một đêm không ngủ của cả Quảng Bình. Trên mạng xã hội tiêng kêu cứu, khẩn cầu khắp nơi. Tôi đã tập hợp anh em trong tập đoàn họp bàn và đi đến quyết định táo bạo: “Chúng ta phải đến những nơi cô lập nhất chưa có ai đến để cứu hộ và cứu trợ vì chúng ta có phương tiện và con người”. Không kịp gom hàng từ bên ngoài, được bao nhiêu thực phẩm ăn được ngay như bánh mì, xúc xích, mì tôm, sữa, nước uống có trong Sunspa resort (một đơn vị thành viên của Tập đoàn Trường Thịnh - PV) chúng tôi gom hết trong đêm, đóng thành từng phần, để đến 4 giờ sáng ngày 19/10 lên đường”.

Để đến được những thôn cồn nổi bị chia cắt này, Tập đoàn Trường Thịnh phải dùng đến gần chục lượt xe cơ giới gắn cần cẩu để chở và tăng bo xuồng cao tốc và nhu yếu phẩm vượt qua những đoạn đường bị nước lũ chia cắt. “Rất may, gần như địa bàn nào trong tỉnh chúng tôi cũng có công trình đang thi công, nên việc huy động xe máy không mấy khó khăn. Đến những nơi bị nước lũ chia cắt, chúng tôi hạ xuồng để đi tiếp và khi đến bờ bên kia thì có lực lượng xe máy chờ sẵn ở đó để tăng bo, tiếp tục lên đường. Ngày thường từ TP Đồng Hới ra các xã như Quảng Sơn, Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) chỉ mất chừng một giờ đồng hồ, nhưng do nước lũ chia cắt nhiều đoạn đường nên việc di chuyển hết sức khó khăn, phải mất chừng 5 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được” - Anh Bùi Xuân Tài, Trợ lí Tổng GĐ Tập đoàn Trường Thịnh, người trực tiếp tham gia các chuyến đi cứu trợ nhớ lại.

Vớt người trên đỉnh lũ ảnh 1

3 người được cứu trên đỉnh lũ được đưa về Đồng Hới

Theo anh Tài, sinh ra và trưởng thành trên vùng đất khắc nghiệt Quảng Bình, trải qua không biết bao nhiêu mùa mưa lũ, nhưng anh thật sự hoang mang trước cơn lũ vừa rồi. Sau nhiều chặng tăng bo, khi ra đến cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh (thị xã Ba Đồn), nhìn về vùng Nam thị xã này chỉ thấy một màu bạc trắng, làng mạc ngập trong biển nước. Tại đây đoàn quyết định hạ xuồng, chất hàng băng qua xã Quảng Hoà, xã Quảng Minh để đến thôn Hà Sơn xã Quảng Sơn.

Ðến đầu tiên và kết thúc sau cùng

Hai chiếc xuồng cao tốc, mỗi chiếc 200 mã lực mà Hải quân Hoa kỳ vẫn thường dùng, được những người bạn của Tập đoàn Trường Thịnh chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra, băng qua biển nước về thôn Hà Sơn. “Khi vừa đến bên này bờ sông Rào Nan, người dẫn đường chỉ tay về phía bên kia sông bảo đó là thôn Hà Sơn làm cả đoàn ai cũng ngao ngán. Nước chảy xiết, sóng lớn… chỉ cần một sơ suất nhỏ, dòng lũ sẽ đẩy thuyền ra đến cửa biển. Cả đoàn dừng lại hội ý, người lái thuyền có vẻ không tự tin lắm, nhưng đã đến đây rồi không sang không đành lòng, chúng tôi quyết định vượt sông Rào Nan” - anh Tài kể.

Một cảnh tượng kinh hoàng, những mái nhà dân chỉ còn lấp ló trong dòng nước lũ. Từ chỗ đi cứu trợ, nhóm của anh Tài trở thành những người cứu hộ. Nhiều người dân “tính mạng ngàn cân treo sợi tóc” đã được cứu, phát thực phẩm, nước uống và đưa đến nơi an toàn. Cứ thế, hết thôn Hà Sơn, sang thôn Khe Zét, rồi đến thôn Minh Tiến… nhóm của Tập đoàn Trường Thịnh và những người bạn đã bất chấp nguy hiểm cứu giúp người dân đang trong hoạn nạn.

Anh Tài nói, nhóm cứu trợ của Tập đoàn Trường Thịnh đã ứng cứu hàng trăm người trong lũ khắp các địa phương ngập nặng trong lũ trên địa bàn Quảng Bình, nhưng anh vẫn nhớ nhất trường hợp, 3 người trong một gia đình ở thôn Lộc Hạ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Hôm đó là ngày 20/10, xuồng các anh cập vào thôn Lộc Hạ để tiếp tế người dân bị cô lập trong lũ thì nghe tiếng kêu cứu yếu ớt từ một mái nhà lắp xắp nước.

“Tôi cho ghé thuyền vào thì nhà có 3 người, bà ngoại và người mẹ vừa sinh con được 10 ngày. Họ nói đã nhịn 3 ngày nay chưa có gì ăn và xin về TP Đồng Hới, nơi có nhà nội của cháu bé ở đó. Nhìn người mẹ tiều tuỵ không bế nổi đứa con còn đỏ hỏn ai cũng xót xa. Tôi cho 1 xuồng cao tốc chở 3 người ra và điều xe ô tô lên chở về Đồng Hới. Nếu chúng tôi không có mặt kịp thời, không biết họ sẽ ra sao nữa” - anh Tài nói.

Theo ông Võ Hoàng Anh, là một Tập đoàn đứng chân trên vùng đất Quảng Bình khắc nghiệt nên rất tường tận nỗi khổ của người dân vùng lũ. Tập đoàn có chủ trương là cứu trợ theo tiến độ của lũ lụt. Khi lũ còn cao thì cứu trợ thức ăn nhanh, nước uống… thậm chí là cả băng vệ sinh phụ nữ; khi lũ rút rồi thì cần hỗ trợ người dân tái thiết để ổn định cuộc sống. Đến nay, Tập đoàn Trường Thịnh và những người bạn đã cứu trợ hơn 20.000 suất quà cho người dân vùng lũ, và hiện Tập đoàn đã huy động được hơn 4 tỷ tiền mặt để giúp dân tái thiết sau lũ.        (Còn nữa)

Trong đợt này, ngoài việc trao tận tay người dân bị thiệt hại nặng, Tập đoàn Trường Thịnh sẽ đầu tư xây dựng 2 nhà tránh lũ cộng đồng ở 2 thôn bị ngập sâu nhất, để người dân có nơi trú ẩn mỗi khi lũ lụt tràn về. “Trường Thịnh và những người bạn đã huy động mọi nguồn lực, ngày đêm không biết mệt mỏi để cứu trợ cho bà con ở những vùng bị cô lập nhất, vùng sâu, vùng xa nhất trong những ngày vừa qua. Bà con đang khó khăn chúng tôi chưa dừng lại. Tập đoàn Trường Thịnh sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con vùng lũ quê mình cho đến lúc ổn định cuộc sống” - ông Võ Hoàng Anh nói.

MỚI - NÓNG