Vụ 20.000 viên thuốc hết 'đát': 'Phải mổ xẻ xem trách nhiệm thuộc về ai'

Bệnh nhân điều trị tại BV Truyền máu và Huyết học TPHCM. Ảnh: Văn Minh.
Bệnh nhân điều trị tại BV Truyền máu và Huyết học TPHCM. Ảnh: Văn Minh.
TP - “Cần mổ xẻ xem trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao sự việc bị phát hiện rồi mới lên tiếng, viện dẫn lý do này kia? Nếu không bị phát hiện có khi ỉm đi luôn, chẳng ai biết. Cứ làm mãi như thế thì sao chấp nhận được!”, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với PV Tiền Phong về vụ 20 nghìn viên thuốc hết “đát” bị tiêu hủy. Ông Phong nói:

Qua theo dõi báo chí, tôi thấy bên bệnh viện trả lời do phía nước ngoài không chịu, lúc thay đổi lại chậm trả lời, rồi khi giao thuốc kiểu viện trợ lại là thuốc cận “đát” nên không xử lý được. Đến khi thuốc quá đát, phải tiêu huỷ. Điều này thật xót xa. Trong khi người dân bị bệnh, không có tiền mua thì lại để thuốc quá “đát” vì thủ tục! Cho dù đưa ra lý do gì đi nữa thì nhìn vào đó rõ ràng có sự tắc trách.

Tôi cũng rất buồn vì điều này. Đáng lẽ, nếu bên nước ngoài không chịu thì có thể báo cáo Bộ Y tế, hoặc xin ý kiến Chính phủ để can thiệp bằng đường ngoại giao để tháo gỡ kịp thời. Đằng này cứ khư khư mình có dự án, mình ôm, mình không buông. Khi không đạt theo yêu cầu thì cứ cam chịu, đến lúc thuốc quá “đát” phải bỏ đi. Như vậy bên viện trợ vừa không đạt được mục đích, còn dân mình cũng không nhờ được gói hỗ trợ.

Ông có nhận xét gì về cách làm của các cơ quan trong vụ việc này?

Cần phải làm rõ trách nhiệm. Khi anh đã tham gia dự án, quản lý dự án theo mục đích của họ, khi chưa đạt theo yêu cầu, hay có những biến động phát sinh thì phải có trách nhiệm đề nghị điều chỉnh kịp thời. Việc này lẽ ra anh phải làm đến nơi đến chốn. Thế nhưng anh lại làm không kịp thời, khi chưa nhận được trả lời, anh lại bỏ luôn mà không đả động gì đến nữa.

Từ thực tế đó có thể khẳng định vai trò tham mưu ở đây chưa tới, cũng đồng nghĩa với việc trách nhiệm không cao mới dẫn đến hậu quả như thế. Chính vì vậy, tôi cho rằng phải mổ xẻ cho rõ, xem trách nhiệm thuộc về ai, vai trò tham mưu của ai. Tại sao sự việc bị phát hiện ra như thế rồi bây giờ mới lại lên tiếng, lý do này lý do kia? Còn nếu không bị phát hiện có khi ỉm luôn đi, chẳng ai biết. Cứ làm mãi như thế thì sao chấp nhận được?!

Theo tôi, trong thời gian qua, thuốc đặc trị gần như do các công ty dược (không những ở nước ngoài mà còn ở trong nước) thao túng. Khi giao cho anh này, anh kia lại dẫn đến độc quyền mặt hàng đó, để rồi giữ giá, leo giá, thậm chí ép giá thu lợi. Việc xuất nhập khẩu các loại thuốc đặc trị, tính toán, phân kỳ, giao nhiệm vụ cần phải rõ ràng, công khai, minh bạch. Từ đó mới tạo ra sự cạnh tranh giữa các công ty, dẫn đến giảm giá và người dân được nhờ. Còn nếu cứ âm thầm làm như thế này thì giá sẽ bị thao túng hết, dẫn tới hàng loạt những bất cập sau này.

Vụ 20.000 viên thuốc hết 'đát': 'Phải mổ xẻ xem trách nhiệm thuộc về ai' ảnh 1

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Y tế TPHCM và Bộ Y tế trong vụ này là gì, thưa ông?

Bài học đầu tiên là vấn đề phân cấp quản lý, cần quy trách nhiệm cho rõ, chứ không phải dự án giao rồi cứ thế thả bỏ, thiếu quản lý, kiểm tra. Nếu có sự kiểm tra, đôn đốc rốt ráo thì những vấn đề như vừa qua đã không xảy ra. Ngoài ra cũng đừng giao cho các bệnh viện, cứ mạnh ai nấy tranh thủ dự án như hiện nay, khiến những quy định ràng buộc không xử lý được.

Do vậy cần phải giao nhiệm vụ cụ thể, cùng sự can thiệp từ phía Bộ Y tế về mặt quản lý chuyên môn mới mang lại hiệu quả. Mang thuốc về để phục vụ nhân dân chứ không phải đem về chỉ làm lợi cho đơn vị này, đơn vị nọ. Tất cả những vấn đề xảy ra, Bộ Y tế phải được biết, được báo cáo rõ, đồng thời cũng phải quản lý, kiểm tra, hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt trong vấn đề quản lý dược hiện nay, từ sản xuất, nhập khẩu, đến cung ứng phải khách quan, minh bạch và công khai để tạo ra sự cạnh tranh. Điều đó cũng tạo ra cơ hội để công nghiệp dược trong nước phát triển, không bị lệ thuộc vào nước ngoài, nhất là đối với những loại thuốc đặc trị mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Thế nhưng cứ với cách làm như hiện nay thì ai đầu tư, ai sản xuất? Chắc chủ yếu vẫn chỉ nhập về bán, nhận tiền cho nhanh. Do vậy, Bộ Y tế cần sớm vào cuộc, thay đổi cách làm, không để nhóm lợi ích nào chi phối, có như vậy mới mang lại hiệu quả.

Cảm ơn ông.

“Mang thuốc về để phục vụ nhân dân chứ không phải đem về chỉ làm lợi cho đơn vị này, đơn vị nọ. Tất cả những vấn đề xảy ra, Bộ Y tế phải được biết, được báo cáo rõ, đồng thời cũng phải quản lý, kiểm tra, hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt trong vấn đề quản lý dược hiện nay, từ sản xuất, nhập khẩu, đến cung ứng phải khách quan, minh bạch và công khai để tạo ra sự cạnh tranh”.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

MỚI - NÓNG