Vụ 3 mẹ con chết thảm do cháy: Cả nghìn cơ sở không đảm bảo phòng cháy

Vụ cháy làm 3 mẹ con chết thương tâm vào sáng 4/12.
Vụ cháy làm 3 mẹ con chết thương tâm vào sáng 4/12.
TP - 3 mẹ con tử vong trong vụ cháy rạng sáng qua 4/12 tại TPHCM một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lơ là với “bà hỏa” cuối năm.

Tang thương do cháy

Vụ cháy khiến ba mẹ con tử vong thương tâm tại căn nhà nằm trong hẻm 161D, Lạc Long Quân, phường 3, quận 11 vào rạng sáng 4/12 khiến nhiều người không khỏi xót thương khi chứng kiến anh Đinh Văn Mười (41 tuổi, chủ nhà) cuống cuồng leo lên mái nhà tìm cách cứu vợ con nhưng bất thành. Căn nhà chỉ khoảng 90m2 gồm một tầng trệt và một gác lửng là nơi ở của 9 người là anh em họ gần như tan hoang sau vụ cháy. Bàn ghế, quần áo, những cuốn vở học sinh ướt nhẹp, cháy xém nằm lăn lóc trên nền nhà. Mọi thứ như sụp đổ trước mắt người chồng chỉ sau một giấc ngủ khi người vợ là chị Nguyễn Thị Bích L., hai con Đinh Ngọc Trà M. (15 tuổi) và Đinh Thị Bích Q. (16 tuổi) ra đi không một lời từ biệt.

Hàng xóm nạn nhân cho biết, gia đình anh Mười có hoàn cảnh rất khó khăn. Gần chục người ở trong căn nhà chật hẹp. Hàng ngày, anh Mười đi làm thợ hồ, chị L. làm lao công cho một trường học gần nhà, một số thành viên khác thì bán ốc trong hẻm để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình dù có khó khăn nhưng những người trong nhà anh Mười rất hòa thuận và vui vẻ với hàng xóm. “Nhà ở đông nhưng chưa bao giờ tôi thấy gia đình anh Mười có cãi vã. Hàng ngày sau giờ học, hai đứa nhỏ sau giờ học hay qua nhà tôi chơi. Mới tối qua cái L. còn qua nói sáng nghỉ làm để chở con đi bệnh viện khám bệnh. Ai ngờ…”, bà Ngô Thị Liên (67 tuổi, hàng xóm) rơm rớm nước mắt.

Theo lực lượng PCCC quận 11, căn nhà bị cháy gồm một trệt, một gác lửng tổng diện tích khoảng 90m2, trong đó có 9 người là họ hàng với nhau sinh sống. Sau khi dập lửa, lính cứu hỏa vào bên trong kiểm tra thì thấy ba mẹ con nạn nhân chết trong phòng ngủ trên gác, đồ đạc xung quanh đã cháy rụi hoàn toàn. Dù diện tích cháy nhỏ, thiệt hại về tài sản không nhiều nhưng thiệt hại về người lại đặc biệt nghiêm trọng. Vụ cháy như một lời cảnh báo về tình trạng mất an toàn PCCC ở khu dân cư cũng như các khu công nghiệp, đặc biệt là hình thức nhà ở kệt hợp kinh doanh… trong khi thời tiết TPHCM đang chuyển từ mùa mưa qua mùa khô.

Tổng kiểm tra hoạt động PCCC

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, hiện có đến gần 1.100 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC, đã có hàng chục vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người cũng như tài sản ở các cơ sở này. Những cơ sở này mặc dù luôn hiện hữu rất nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ nhưng chủ cơ sở lại tỏ ra lơ là, trong khi lực lượng PCCC không thể xử phạt hay áp dụng các biện pháp chế tài.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tham mưu, Cảnh sát PCCC TPHCM thông tin, cuối năm là thời điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao và gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi thời điểm này, người dân, doanh nghiệp nhập lượng lớn hàng hóa về để kinh doanh, các trung tâm thương mại tích trữ hàng hóa dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. Công tác PCCC hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác tổ chức thực hiện quy định của pháp luật, công tác tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, trả bồi thường thiệt hại do cháy gây ra…

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, để đảm bảo công tác PCCC trong thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, Cảnh sát PCCC TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về PCCC. Tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh, xưởng sản xuất, nhà hàng, quán bar, karaoke, vũ trường… để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC. Đồng thời, đề nghị các quận huyện phải tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm để hạn chế tình trạng cháy nổ xảy ra dịp cuối năm.  

Trong năm 2017, trên địa bàn TPHCM xảy ra 1007 vụ cháy làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản lên đến 92,5 tỷ đồng (chưa tính vụ cháy làm 3 mẹ con tử vong sáng 4/12). Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do tai nạn trong sử dụng điện. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh (398/1.007 vụ cháy). 

MỚI - NÓNG