Vụ 8 học sinh đuối nước: Nguy hiểm, từng được cảnh báo trước

Thi thể các học sinh được đưa lên bờ
Thi thể các học sinh được đưa lên bờ
TP - Tang thương đột ngột phủ kín một khu phố khi 8 học sinh cùng tử vong do đuối nước trên sông Đà. Theo gia đình các em cũng như chính quyền địa phương, sự việc đã xảy ra, hối hận cũng vô ích, cần nhất là phải rút ra những bài học, những việc cần làm để tránh tai nạn tương tự.

Khu phố trắng hoa tang

Sáng 22/3, hàng trăm học sinh, người dân mang theo những vòng hoa tang trắng muốt đi tới khu phố Hoàng Văn Thụ (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình). Họ đến tiễn đưa 8 học sinh xấu số qua đời chiều hôm trước do đuối nước khi chơi đùa tại sông Đà cách đó không xa. Khắp khu dân cư, đâu đâu cũng vang lên tiếng khóc, tiếng tụng kinh kèm những thanh âm não nề của nhạc hiếu. Trong đám tang, những người bà, người mẹ gục xuống nức nở bên những cỗ áo quan bé nhỏ. Cạnh đó là những người cha, người anh đứng thẫn thờ. 

Theo cơ quan chức năng, các em ở cùng một khu, thường chơi đùa cùng nhau và tai nạn khiến khu phố phải chịu 8 đám tang thương tâm, 8 bàn thờ chỉ bày hoa cúc trắng. Chiều 21/3, nhóm 10 cháu bé trong khu, đều là học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 được nghỉ học nên ra bãi sông chơi nhưng bị xoáy nước cuốn xuống. Lực lượng công an có mặt lập tức, kết hợp với dân vạn chài tìm các em nhưng nước sông Đà quá mạnh.

Trong số 10 học sinh nói trên, chỉ có 2 em còn sống gồm Xa Đình Hoàng (SN 2009) bơi được vào bờ và một em không biết bơi nên từ chối xuống sông. Còn lại 8 em tử vong gồm Nguyễn Bình Minh (SN 2004), Đinh Gia Bảo (SN 2005), Bùi Việt Cường (SN 2005), Nguyễn Anh Nam (SN 2009), Nguyễn Trung Kiên (SN 2009), Nguyễn Đức Huy (SN 2007), Nguyễn Anh Minh (SN 2007) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 2008).

Được chăm sóc, Hoàng vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc bởi chỉ trong vài phút, 8 người bạn của em đã tử vong, em nói: “Đến giờ, chính em cũng chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra”. Cậu bé kể lại, cả nhóm chơi bóng nước dưới sông khoảng 15 phút, quả bóng bất ngờ bị dòng nước đẩy ra xa. Một học sinh lớn tuổi cố bơi theo nhặt bóng nhưng thấy dấu hiệu bị nước cuốn nên tất cả hò nhau bơi vào bờ. 

Vụ 8 học sinh đuối nước: Nguy hiểm, từng được cảnh báo trước ảnh 1 Học sinh địa phương đến tiễn đưa những người bạn của mình

Hoàng là người gần bờ nhất nên nhanh chóng thoát được dòng nước cuốn nhưng 8 em còn lại không may mắn như vậy dù các em chỉ cách bờ khoảng 10m. “Em vừa lên bờ thì thấy các anh đang ngấp ngoái kêu cứu. Anh Bảo bơi ngay sau em, đang rất gần bờ thì bất ngờ bị nước lôi đi cùng bảy bạn kia.... Các anh kêu cứu trong 10 phút thì bị cuốn xuống hết. Em sợ nên chạy đi gọi người giúp”- Hoàng nói. 

Biển báo “cấm tắm” bị… bán sắt vụn

Ông Nguyễn Ngọc Hiển (SN 1969) cho hay, đoạn sông Đà nơi các cháu gặp nạn hầu như năm nào cũng có người đuối nước và chính ông từng cứu sống được 6 trường hợp nhưng lần này, ông không tới kịp. Ông kể, chiều 21/3, ông nghe tin có nhiều học sinh đuối nước nhưng tới nơi đã thấy nhiều người ôm mặt khóc và lực lượng cứu hộ đang làm việc. Lập tức, ông nhảy xuống và nhanh chóng phát hiện nhiều thi thể nằm úp cách xa nhau vài chục mét dưới đáy sông. 

Ông liên tục lặn nhiều lần và vớt được 3 cháu lên bờ, các em đều đã tắt thở, máu từ mắt, mũi chảy nhiều. Theo ông Hiển, do khai thác cát nhiều năm trước nên khúc sông này có một lòng chảo rộng, nước xoáy liên tục thành cột ngầm. Ông Hiển phán đoán: “Do bình thường nước chảy khá phẳng lặng song tại lòng chảo này lại xoáy liên tục nên có thể các em đã bị bất ngờ. Nếu không tỉnh táo, kể cả người bơi giỏi khi bị rơi vào lòng chảo này cũng khó thoát nạn”.

Ông nói thêm, bãi cát nơi đây rất đẹp, rộng nên dù chính quyền có biển cảnh báo nhưng nhiều người dân thường xuyên ra khu vực tắm, bơi lội. Một số người dân địa phương cho biết thêm, vào mùa hè, khu vực này đông như bãi biển, xe cộ của người đi tắm đỗ kín mặt đê. Ngay vài hôm trước, chiều nào cũng có người lớn ra đây tắm nhưng các cháu bé nói trên chơi đùa sớm, khi người lớn chưa ra nên không nhận được cảnh báo. Bãi sông nơi đây không nguy hiểm, có thể tắm, bơi lội nhưng dịch về phía thượng nguồn lại rất sâu, có xoáy nước. Những xoáy nước này ngầm dưới sông và sát cạnh bờ nên trẻ em, người nơi khác đến thường nhầm là an toàn.

Đáng chú ý, người dân cho biết những biển báo nguy hiểm được chính quyền cắm tại đây đã bị một số người nhổ đi bán sắt vụn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình - Phó chủ tịch UBND phường Thịnh Lang (nơi xảy ra sự việc) xác nhận ý kiến này nói, chính quyền từng cắm nhiều biển cảnh báo, cấm tắm tại khu vực các cháu gặp nạn. Tuy nhiên, một số biển bằng kim loại đã bị người dân nhổ đi còn biển kiên cố mới bị nước lũ cuốn trôi.

Mong không còn việc tương tự

Được hỏi việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, bà Bình khẳng định ủy ban phường thường xuyên gửi văn bản về các tổ dân phố nhắc nhở nguy cơ đuối nước ở trẻ; Đoàn thanh niên nơi đây cũng tiến hành dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh đồng  thời yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng chống tai nạn cho các em trước những dịp nghỉ hè... 

Bà Bình nói thêm: “Ở bãi sông nơi tai nạn, hầu như toàn người dân, trẻ em các phường khác đến tắm. Phường Thịnh Lang mọi người đều biết chỗ đó có hủm rất sâu nên tránh được”. Cũng theo lãnh đạo phường, trên địa bàn chưa hề có vụ đuối nước thương tâm như lần này. “Đây thật sự là việc quá thương tâm. Tôi mong đây sẽ trở thành bài học, thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và chính quyền cần để ý nhiều hơn đến các em” - bà Bình nói.

Tương tự, gia đình một số học sinh gặp nạn chia sẻ, họ thường xuyên nhắc nhở con cái việc không được trốn đi chơi đồng thời có ý thức dạy các em học bơi. Tuy nhiên, chiều 21/3, nhiều em được nghỉ học nên cả nhóm trốn ra bãi sông, chỉ báo với gia đình là đi chơi gần nhà. Anh Bùi Văn Luận (bố em Bùi Việt Cường) nói: “Mọi sự xảy ra không thể cứu vãn được, hối hận hay làm gì cũng đã muộn rồi. Đây là sự cảnh tỉnh cho gia đình và cho chính các em, không nên trốn bố mẹ đi chơi và cũng nên có kiến thức vững vàng để tránh được các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Bà Nguyễn Thị Cao – bà ngoại cháu Nguyễn Bình Minh nói nghẹn ngào: “Hai bà cháu tôi nương tựa vào nhau mà sống. Tôi đi rửa bát thuê cho nhà hàng để nuôi Minh ăn học. Thằng bé thương bà, hiểu hoàn cảnh gia đình nên giúp đỡ tôi công việc nhà. Nó thông minh và ngoan lắm. Có lần Minh nói, sau lớn lên nhất định sẽ về quê tìm bố. Nó cũng không trách khi mẹ đi bước nữa. Giờ nó mất rồi…”.

Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về trẻ em chiều 22/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự sốt ruột trong công tác bảo vệ trẻ em, khi mỗi năm vẫn có tới 2.000 trẻ em bị đuối nước, rồi tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bị xâm hại, bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu của người lớn… 

Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức một số hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thảo luận những vấn đề mới như mô hình điều tra thân thiện, toà án trẻ em…Trong thời gian tới, Ủy ban và các bộ ngành thành viên cần chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn các vụ bạo hành ở nhóm trẻ mẫu giáo, tiểu học; tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục ở bậc THCS, THPT; ngành công an lưu ý tình trạng sử dụng chất hướng thần gây nghiện trong một bộ phận học sinh. “Không chỉ vụ việc 8 em nhỏ đuối nước ở Hòa Bình mới đây mà trước đó là nhiều vụ đuối nước ở miền Trung, Tây Nguyên rất đau xót, thương tâm. Các đồng chí phải quyết liệt hơn nữa. Không chỉ dạy bơi cho trẻ mà phải có các cảnh báo những khu vực ao hồ, sông suối nguy hiểm”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Văn Kiên

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.