<STRONG>(Phần 1)</STRONG>

Vụ án Hương Cảng: Kỳ 4 - “Châu chấu đá voi”

Vụ án Hương Cảng: Kỳ 4 - “Châu chấu đá voi”
Trong nguyên văn bản thảo của tác giả Lê Tư Lành, tiếp theo các chương đã đăng là các chương nêu lên cuộc “đấu trí” vô cùng cam go của các luật sư và Tống Văn Sơ đối với các thủ đoạn nham hiểm, tinh vi, thậm chí trắng trợn của chính quyền thực dân Anh – Pháp trong việc hãm hại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Vụ án Hương Cảng: Kỳ 4 - “Châu chấu đá voi” ảnh 1
Quang cảnh Bến cảng Hương Cảng năm 1931

Đó là các chương “Bắt trái phép, giam trái phép”, “Hỏi cung sai thủ tục, làm giả tờ cung khai”, “Trục xuất là trái phép”

Vì có quá nhiều sự kiện, chi tiết đan xen, nên chúng tôi mạn phép tóm lược lại thành một chương nhan đề là “Châu chấu đá voi” để bạn đọc tiện theo dõi.

Như đã biết, trước khi phiên tòa diễn ra, toàn quyền Đông Dương đã phái một viên thanh tra sang tận Hương Cảng “bày mưu tính kế” với mật thám Anh tại Hương Cảng bằng mọi cách phải dẫn giải Tống Văn Sơ về Việt Nam để hành hình. Cảnh sát Anh cũng đều gần như thuộc lòng “lý lịch” của Tống Văn Sơ.

Chúng biết rất rõ Tống Văn Sơ là Nguyễn ái Quốc, một lãnh tụ cộng sản, từng sang Liên Xô học, thậm chí, chúng còn nắm rõ Nguyễn Ái Quốc đã từng tham gia bao nhiêu Hội nghị Quốc tế cộng sản, phát biểu ra sao, và nắm trong tay cả ảnh của Nguyễn Ái Quốc. Mục đích cuối cùng của Tòa án Hương Cảng là buộc Tống Văn Sơ phải thừa nhận mình là Nguyễn ái Quốc và là cộng sản, từ đó chiểu theo luật pháp Anh quốc tại Hương Cảng trục xuất Tống Văn Sơ về Việt Nam giao cho chính quyền thực dân Pháp, trừ khử một “lãnh tụ cộng sản cực kỳ nguy hiểm”.

Chính bởi thế, ngay trong phiên tòa lần thứ nhất (31/7/1931), quan tòa đã buộc tội “Tống Văn Sơ, tức Nguyễn Ái Quốc là tay sai của Liên Xô, phái viên của Đệ tam Quốc tế cộng sản đến Hương Cảng để phá hoại chính quyền ở đây và vì lẽ đó sẽ bị trục xuất khỏi Hương Cảng vào ngày 18/8/1931, do chiếc tàu thủy An-gi-ê (Algiers) của Pháp chở về Đông Dương”!

Vụ án Hương Cảng: Kỳ 4 - “Châu chấu đá voi” ảnh 2
Báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 19/6/1931 đăng tin về việc nhà cầm quyền Anh bắt nhà cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc (ở đây, báo L’Humanité có sự nhầm lẫn là bắt Nguyễn Ái Quốc tại Thượng Hải)

Thực tế có rất nhiều tài liệu, bằng chứng để Tòa án Hương Cảng “kết tội” Tống Văn Sơ. Song, với tài năng xuất chúng, các luật sư đã không sa đà vào các tài liệu, chứng cứ – cạm bẫy do Tòa án Hương Cảng giăng ra, mà các vị luật sư đã vô cùng khôn khéo áp dụng nghiệp vụ đúng luật pháp Anh quốc để lật ngược thế cờ, dồn chính quyền Hương Cảng từ thế “quan tòa” trở thành “bị cáo” với những hành vi vi phạm pháp luật (Anh quốc) một cách nghiêm trọng!

Việc đầu tiên, các luật sư vạch trần việc bắt người trái phép của chính quyền Hương Cảng. Bị lên án như vậy, đại diện chính quyền trong phiên tòa đành phải công nhận việc bắt Tống Văn Sơ không có giấy phép là bất hợp pháp nhưng để sửa sai, 5 ngày sau, 11/6 chính quyền đã ký lệnh bắt ông Tống và ngày 12/6 thì bắt chính thức và giam ông Tống vào ngục Vic-to-ri-a. Tòa án coi như lệnh bắt giam này là lệnh bắt giam lần thứ nhất.

Ngay lập tức luật sư lên tiếng:  Thưa các ngài, thế nào là bắt người? Và ông tự trả lời: Bắt người là đưa một người ở trạng thái tự do vào trạng thái mất tự do. Ngày 6/6, ông Tống đã bị bắt trái phép và bị giam ở Sở cảnh sát cho đến ngày 12/6 ông Tống vẫn còn đang bị giam giữ nghĩa là vẫn đang ở trong trạng thái mất tự do.

Theo pháp luật thì chính quyền chỉ  có thể bắt một người đang ở trạng thái tự do để đưa vào trạng thái mất tự do. Nay, trong trường hợp này, ông Tống vốn đã bị mất tự do từ ngày 6/6, vậy mà ngày 12/6, chính quyền lại ký lệnh bắt ông thì thật là một việc tối phi lý. Người ta không thể nào lại đi bắt một người đã bị bắt và hiện đang bị giam giữ.

Lúc này, đại diện chính quyền và quan tòa thực sự đuối lý và buộc lòng phải đồng ý với luật sư. Song, quan tòa cũng chẳng phải vừa. Họ nghĩ ngay ra một “kế” để đập lại luận điểm của luật sư. Cuối phiên tòa thứ nhất, họ tuyên bố trả tự do cho Tống Văn Sơ.

Các luật sư và “bị cáo” thực sự ngỡ ngàng tưởng như nghe lầm. Nhưng không, đúng như thế. Quan tòa còn đưa cho Tống Văn Sơ đầy đủ giấy tờ được thả. Thế nhưng, khi Tống Văn Sơ vừa mặc thường phục cầm theo giấy tờ được thả, vừa ra khỏi nhà tù một đoạn đường thì bỗng có một tên cảnh sát tiến đến, đưa ra trước mặt ông Tống một giấy phép bắt người và nói giọng rất trịnh trọng:

- Thưa ông, hiện giờ ông đang ở trạng thái tự do, chính quyền có lệnh bắt ông, mong ông vui lòng hợp tác!

Dứt lời, viên cảnh sát dẫn ông Tống trở lại nhà tù. Sau đó, chính quyền Hương Cảng cho tiếp tục  tiến hành cuộc xử án. Tại phiên tòa liền sau đó, luật sư đã chính thức công nhận giữa tòa rằng chính quyền bắt lần này là hợp với thủ tục pháp lý.

Quan tòa chưa kịp hí hửng thì luật sư đã tiếp lời: Thưa tòa, thưa ngài đại diện chính quyền, chúng tôi không đề cập đến việc bắt Tống Văn Sơ nữa mà xin nhấn mạnh rằng, suốt thời gian qua, khách hàng của chúng tôi đã bị giam giữ một cách trái pháp luật.

Theo luật pháp Anh quốc hiện tại, nhà chức trách có thể giam bị cáo trong vòng 14 ngày kể từ khi bị bắt. Trong thời gian này, nhà chức trách phải tiến hành hỏi cung và lập hồ sơ. Nếu trong 14 ngày đó việc lập hồ sơ chưa làm xong, nhà chức trách có thể ký lệnh giam thêm 7 ngày nữa, sau đó, chính quyền nhất thiết phải đưa bị cáo ra tòa xét xử không thể giam thêm một ngày nào nữa.

Đối chiếu với trường hợp bị cáo Tống Văn Sơ, lẽ ra, hạn cuối cùng là ngày 2/7 chính quyền phải đưa bị cáo ra tòa hoặc phải trả tự do. Vậy mà thực tế, ông Tống không những không được trả tự do mà lại bị chính quyền giam giữ thêm bằng một lệnh bắt giam mới. Như vậy kể từ ngày 2/7 đến khi phiên tòa thứ nhất (31/7) mở thì ông Tống đã bị giam trái phép  đúng 30 ngày, chưa kể thời gian bị giam trái phép từ ngày 6/6 đến khi có lệnh bắt chính thức!

Trước lập luận rõ ràng, khúc triết của luật sư, vị đại diện chính quyền Hương Cảng đành phải thở dài mà tìm cách chối quanh: Tôi không muốn công nhận điều gì khi chưa có chỉ thị. Ngài cứ truy ép tôi (ý nói luật sư - PV) như trước đây tôi cũng đã thường bị truy ép bắt phải công nhận đủ mọi thứ…

Dường như cảm thấy quá đuối lý, quan tòa liền xoay chuyển tình hình bằng cách cho rằng việc bắt, giam Tống Văn Sơ chỉ là sai sót về thủ tục pháp lý, còn bản thân Tống Văn Sơ trong lời cung khai đã tự nhận mình là Nguyễn ái Quốc, tức là lãnh tụ cộng sản An Nam.

Bằng chứng là bản cung khai do một người Anh lão luyện, đầy kinh nghiệm tố tụng là William Thomson, Phó Bí thư Hoa vụ hỏi cung Tống Văn Sơ ngày 14/7/1931. ở dưới bản cung có ký tên tuyên thệ của W.Thomson. Chánh án đã trưng ra trước tòa bản cung khai này, nguyên văn:

“ – Hỏi: (bằng tiếng Anh) Tên là gì?

- Đáp: Tống Văn Sơ (tên khác là Lý Thụy, tên khác nữa là Nguyễn Ái Quốc).

- Hỏi: Bao nhiêu tuổi?

- Đáp: Ba mươi sáu tuổi.

- Hỏi: Sinh quán ở đâu?

- Đáp: ở thị trấn Đông Hưng.

Rõ ràng, theo bản cung trên thì Tống Văn Sơ đã tự nhận mình là Lý Thụy, Nguyễn ái Quốc – mục đích cuối cùng của thực dân Pháp – Anh.

Ngay lập tức, luật sư đã vạch trần chi tiết những sai phạm trong việc hỏi cung và nghiêm trọng hơn, chính quyền đã làm giả bản hỏi cung. Cụ thể, trước tiên, đối chiếu với luật pháp Anh quốc lúc đó, nhà chức trách sau khi bắt một người nào đó phải tiến hành hỏi cung ngay sau 24 giờ, nếu sau ngày bắt là ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ, thì việc hỏi cung phải được bắt đầu ngay sau ngày Chủ nhật hay ngày lễ đó.

Nhân viên hỏi cung chỉ được quyền hỏi 7 câu hỏi in sẵn trên một tờ giấy, tuyệt đối không được hỏi ra ngoài phạm vi 7 câu hỏi gồm: Tên, tuổi, sinh quán, nghề nghiệp, thời gian cư trú, quan hệ xã hội, người và vật làm chứng. Nếu lời khai chưa rõ, người hỏi cung có thể đặt thêm một số câu hỏi nhưng tuyệt nhiên phải nằm trong nội dung 7 câu hỏi trên.

Luật sư vạch rõ rằng, trong trường hợp hỏi cung Tống Văn Sơ, nhà chức trách đã vi phạm về thời gian, nội dung và cuối cùng là thay bằng một bản cung giả. Cụ thể, cho mãi tới ngày 14/7, tức  là 1 tháng 8 ngày, chính quyền mới tiến hành hỏi cung Tống Văn Sơ và lại đặt quá nhiều câu hỏi không nằm trong phạm vi 7 câu hỏi như luật pháp Anh quốc  quy định.

Song điều quan trọng nhất là chính quyền đã đưa ra một bản cung giả trong đó gán ghép cho Tống Văn Sơ tự nhận mình là Lý Thụy, Nguyễn ái Quốc. Bằng chứng là lá đơn tố cáo của Tống Văn Sơ nêu rõ rằng, bản cung mà ông Tống khai là do ông viết trực tiếp khi trả lời, còn bản cung giả thì lại được đánh máy lại và ghi thêm là ông Tống đã nhận rồi.

Đến đây, xin nói thêm rằng, ngoài sự biện hộ tài tình của luật sư, bản thân Tống Văn Sơ cũng đã vô cùng sắc sảo, khéo léo trong việc “hòa âm” cùng luật sư  để đối phó với mật thám, quan tòa. Như chúng ta đã biết, sau này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh cũng đã rất nhiều lần vượt qua những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” bằng sự bình tĩnh, nhanh trí và thông minh tới mức tuyệt diệu.  Chuyện kể rằng, đúng vào lúc ông Tống đang bị giam trong nhà tù Vic-to-ri-a, bọn  mật thám thì đang tìm mọi cách để buộc ông Tống phải tự nhận mình  là Nguyễn Ái Quốc. Một hôm, có một “nhà báo” An Nam, bút danh là Văn Leo vào thăm ông Tống. Vừa mới tới, ông ta đã chào to bằng tiếng Việt: Xin chào ông Nguyễn ái Quốc!”. Ông Tống lúc đó vẫn ngồi yên, giữ thái độ thản nhiên, tỏ ra không hiểu tiếng Việt. Vị “Nhà báo” liền chuyển sang nói bằng tiếng Anh, lúc đó, ông Tống mới bắt chuyện. Cuối cùng, Văn Leo nói bằng tiếng Anh rằng: “Cứ tưởng ông là Nguyễn Ái Quốc, nay thấy ông không nói được tiếng Việt, vậy ông không phải là Nguyễn Ái Quốc nhỉ?”. Lại một chuyện khác. Ngày 14/7/1931, trước khi bước vào hỏi cung, W.Thomson làm ra vẻ vồn vã như đã từng quen nhau từ trước, cười cười, nói nói và gọi ngay ông Tống là “Nguyễn ái Quốc”, rồi sau đó, W.Thomson liền nói hết tên thật và bí danh mà ông Tống hay dùng, nơi sinh, năm sinh, các nơi đã đi qua, quá trình hoạt động, kể cả việc ông Tống dự mấy Đại hội Quốc tế cộng sản…

Sau suốt mấy giờ đồng hồ dùng đủ mọi biện pháp, “ngón nghề” để buộc Tống Văn Sơ phải tự nhận là Nguyễn Ái Quốc mà không đạt được ý định, “con cáo già” W.Thomson bèn quyết định tung ra “đòn độc”: Ông ta đặt ra trước mặt Tống Văn Sơ một tấm hình chụp nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc đầu đội mũ dạ cứng hình quả dưa, dưới ảnh có đề Đồng chí Nguyễn Ái Quốc bằng chữ in. W.Thomson chắc mẩm rằng, lần này, ông Tống hết đường chối cãi. Tống Văn Sơ cầm bức ảnh lên ngắm nghía một thoáng rồi trả lời: “Tôi thấy cái ảnh này trông giống tôi!” Rồi ông Tống lại nói thêm:

- Và có thể là tôi!

Nghe được câu đó, W.Thomson mừng rỡ như bắt được vàng, chưa kịp nói câu gì thì Tống Văn Sơ lại thản nhiên nói tiếp: - Nhưng chưa bao giờ tôi đội cái mũ này!

Kẻ hỏi cung ớ miệng, không nói được câu gì, chỉ còn cách giơ hai tay lên đầu, mặt nhăn nhó tựa như chó cắn phải mướp nóng!

Mặc dù bất lực và đuối lý hoàn toàn trước lý lẽ sắc bén, đúng “pháp luật” của luật sư và bị cáo, ngay tại phiên tòa thứ hai, vị chưởng lý vẫn tuyên bố xanh rờn: “Ngày 12/8/1931, Thống đốc Hương Cảng đã ký lệnh trục xuất Tống Văn Sơ, kèm theo lệnh bắt phải xuống tàu thủy của Pháp để về Đông Dương vào ngày 18/8/1931

Tính mạng của Tống Văn Sơ như “ngàn cân treo sợi tóc”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG