Vụ án Hương Cảng: Kỳ 4 - “Châu chấu đá voi”

Vụ án Hương Cảng: Kỳ 4 - “Châu chấu đá voi”
Quả vậy, ngay trong phiên xử thứ 2 (ngày 15/8/1931), viên chưởng lý đã tuyên bố ngày 12 tháng 8/1931, thống đốc Hương Cảng đã ký lệnh trục xuất Tống Văn Sơ về Đông Dương vào ngày 18/8/1931, tức 3 ngày sau đó.

(Phần 2)

Tình hình đã trở nên hết sức nguy hiểm cho tính mạng của Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc. Các luật sư đã ý thức rõ được điều đó nên đã đấu tranh một cách rất mạnh mẽ, tiếp đó, tùy diễn biến tình hình, lúc thì cương quyết, lúc uyển chuyển sao cho có thể vô hiệu hóa được lệnh trục xuất kia.

Trước hết, luật sư đã vạch trần âm mưu và sự cấu kết chặt chẽ của hai chính quyền Pháp - Anh, bằng cách đưa ra các bức điện mật của Toàn quyền Đông Dương với chính quyền Hương Cảng. Sau đó, luật sư nhấn mạnh: Việc chính quyền Hương Cảng ký lệnh trục xuất ông Tống và công bố lệnh đó ngay trong khi tòa án đang xét xử chưa xong là một vi phạm luật pháp nghiêm trọng.

Trong trường hợp này, tòa án đang họp, chưa có kết luận bị cáo phạm tội gì, đáng chịu hình phạt gì mà thống đốc đã ra lệnh trục xuất là không đúng pháp chế Anh quốc. Những luận điểm của luật sư tuy làm phật lòng chưởng lý, nhưng ông ta vẫn phải hứa rằng: Tôi cố gắng đảm bảo rằng, cho đến khi phiên tòa này (15/8) công bố việc phán xét, bị can vẫn sẽ còn có mặt tại đây!

Tại đây, có nghĩa là chưa bị trục xuất. Đó là thắng lợi bước đầu của Tống Văn Sơ và các luật sư. Phiên toà hôm đó (15/8) họp tới 6 giờ chiều vẫn chưa xong. Đây là ý định của các luật sư cố tình kéo dài thời gian cho qua ngày 18/8. Cuối cùng, toà phải họp phiên thứ 3 vào ngày 17/8, nghĩa là một ngày trước khi lệnh trục xuất của thống đốc Hồng Kông có hiệu lực.

Bước vào phiên xử thứ 3, các luật sư đưa ra nhiều lý lẽ nhằm kéo dài phiên xử cho hết buổi chiều ngày 17/8 để tòa không kết thúc được, cũng có nghĩa là sáng hôm sau, không thể trục xuất được Tống Văn Sơ. Các luật sư đã thành công trong việc dồn viên chưởng lý phải hứa trước tòa rằng:

- Nếu tòa chưa giải quyết xong trong ngày hôm nay (17/8) thì sẽ có biện pháp thay bằng một chiếc tàu khác chạy cùng đường sang Đông Dương là tàu Tướng Mét - dinh - gơ (Metjinger), nó sẽ rời Hương Cảng ngày 1/9/1931.

Đã là một bước thắng lợi lớn. Không dừng ở đó, luật sư đấu tranh phải ghi rõ việc đó như sau:

“Nếu việc xét xử không xong trong ngày hôm nay (thứ 2 ngày 17/8), dù kết quả thế nào chăng nữa, Tống Văn Sơ sẽ không bị trục xuất trước khi tàu nhổ neo ngày 1/9 hay vào khoảng thời gian đó”.

Tuy nhiên, như đã biết, chính quyền Hương Cảng đã quyết chí bằng mọi cách phải trục xuất được Tống Văn Sơ về Đông Dương giao cho Pháp, cho nên, ngay trong buổi chiều 17/8, khi phiên tòa đang xét xử, thống đốc Hương Cảng biết rằng lệnh trục xuất thứ nhất do ông ấy ký sẽ không thể thực hiện kịp nên ông thống đốc đã cho ban hành ngay chiều hôm đó lệnh trục xuất thứ 2 buộc Tống Văn Sơ phải xuống tàu Mét - dinh - gơ vào ngày 1/9/1931 về Đông Dương.

Với sự nhanh trí, thông minh tuyệt vời, các luật sư đã vạch rõ tính bất hợp pháp và phi lý của lệnh trục xuất số 2 này. Thứ nhất, các luật sư phân tích rằng, về mặt pháp lý, không thể có hai lệnh trong cùng một thời gian đối với cùng một con người, về cùng một việc.

Lệnh trục xuất thứ hai chỉ được ban hành khi tòa án tuyên bố hủy lệnh thứ nhất. Sau đó Luật sư tiếp lời: Tôi xin khẳng định luôn rằng kể cả lệnh thứ 2 này của thống đốc Hương Cảng cũng không thể ban hành.

Vì sao ư? Vì theo như ông chưởng lý tuyên bố, lệnh thứ 2 này được thống đốc ký vào chiều ngày 15/8 và ban hành vào chiều 17/8. Các vị ở đây ai cũng biết chiều 15/8 là chiều thứ Bảy. Theo quy định tại Anh quốc và thuộc địa thì chế độ làm việc của các cơ quan công quyền được nghỉ vào chiếu thứ Bảy và Chủ nhật liền kề.

Tôi xin đảm bảo với các vị là người ta sẽ hoàn toàn mất công mà không tìm được dấu vết gì chứng tỏ Hội đồng hành chính họp chiều thứ Bảy ngày 15/8, và nếu có định họp về khuya đi nữa thì chắc chắn không đủ quorum (nguyên gốc tiếng Latin, thuật ngữ chỉ số thành viên cần thiết tham gia họp, biểu quyết).

Mặc dù biết rõ sự thật đúng như phân tích của luật sư, nhưng viên chưởng lý vẫn ngoan cố khăng khăng rằng Hội đồng hành chính có họp vào chiều 15/8 và quyết định, còn ông thống đốc chỉ việc ký vào lệnh trục xuất thứ 2 thôi.

Đến lúc này, luật sư thấy cần phải lột mặt nạ những kẻ gian dối: Vậy thì yêu cầu tòa cho mời ông thống đốc và các thành viên Hội đồng hành chính ra trước tòa để đối chất với luật sư, đồng thời phải công khai luôn biên bản cuộc họp hôm đó ghi ý kiến của từng người về việc trục xuất Tống Văn Sơ.

“Ngón đòn” này của luật sư Lô - dơ - bi và đồng nghiệp tỏ ra hiệu quả vô cùng vì đã dồn toà án và chính quyền vào nguy cơ bị lấm lưng, bởi lẽ thứ nhất, thực tế, không có cuộc họp nào của Hội đồng hành chính vào chiều thứ Bảy ngày 15/8 cả nên lấy đâu ra “biên bản” trình toà. Hơn nữa, thống đốc và các thành viên HĐHC mà phải ra toà “hầu kiện” thì bẽ bàng lắm lắm.

Lúc này, vị chánh án như gà mắc tóc. Rõ ràng tòa không thể bác bỏ yêu cầu hợp pháp của luật sư, song cũng không có lý gì bác bỏ yêu cầu đó. Cuối cùng thì vị chánh án cũng nghĩ ra được một “diệu kế” làm cho luật sư cũng vừa lòng, mà chính quyền thì đỡ bẽ mặt, ông ta tuyên bố toà “tạm nghỉ”, sau đó, mời luật sư và chưởng lý vào phòng trong để thương lượng.

Sau một hồi “đàm phán”, tòa án và viên chưởng lý đồng ý đảm bảo Tống Văn Sơ sẽ không bị trục xuất về Đông Dương vào ngày 1/9. Đây là một thắng lợi rực rỡ vì các luật sư và Tống Văn Sơ trước mắt chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian trên dưới 10 ngày để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.

Sau khi đã hạ “knock - out” đối thủ, trở lại phiên tòa, luật sư “khiêm nhường” nói rằng xin rút yêu cầu đòi thống đốc và các thành viên HĐHC.

Những âm mưu thâm độc của thực dân Pháp - Anh bước đầu đã bị các luật sư vạch trần, song chính quyền Pháp và Hương Cảng vẫn giữ chặt hai lý do để trục xuất Tống Văn Sơ.

Thật vậy, trong các phiên tòa tiếp theo, viên chưởng lý cho rằng có hai lý do để trục xuất Tống Văn Sơ:

1. Tống Văn Sơ chính là Lý Thuỵ, Nguyễn Ái Quốc, một người cộng sản, tay sai của Liên Xô, phái viên của quốc tế cộng sản, sang hoạt động tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, làm nguy hại cho nền an ninh Hương Cảng.

2. Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền ở Đông Dương kết án tử hình vắng mặt năm 1929 hiện đang bị chính quyền Đông Dương truy nã, chính quyền Đông Dương nhờ chính quyền Hương Cảng bắt hộ để đưa về Đông Dương.

Luật sư biện hộ rằng: Phải khẳng định rằng không có một tài liệu, cơ sở vững chắc nào để kết luận Tống Văn Sơ là Nguyễn Ái Quốc, một người cộng sản. Cũng không có bằng chứng nào chứng minh Tống Văn Sơ là tay sai của Liên Xô cũng như phái viên của quốc tế cộng sản.

Thời gian cư ngụ tại Hương Cảng, Tống Văn Sơ không hề vi phạm bất kỳ điều gì đối với quy định của pháp luật Anh quốc. Ngay khi khám xét, lục soát tại số nhà 186 đường Tam Lung nơi Tống Văn Sơ bị bắt giữ, cảnh sát cũng không hề thu được bất kỳ một tài liệu có liên quan đến cộng sản hay phản loạn gây nguy hại cho anh ninh Hương Cảng.

Về lý do thứ hai, sau khi nêu lên tất cả những đạo luật của Anh quốc về quyền trục xuất ban hành từ thế kỷ XIX cho tới thời gian đó, luật sư khẳng định rằng Tống Văn Sơ không thuộc bất kỳ đối tượng nào thuộc diện phải bị trục xuất.

Để minh chứng, luật sư phân tích tiếp: Trên thực tế, cho tới đầu thế kỷ XX này, không hề có một vụ trục xuất nào cả, kể cả vụ án lớn xảy ra năm 1858 khi vua nước Pháp sang thăm nước Anh bị mưu sát. Chính quyền Pháp lúc đó cũng đã yêu cầu chính quyền Anh trao cho họ một trong những can phạm vào vụ mưu sát này.

Song, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là Cla - ran - đơn (Clarandon) đã từ chối và nói rằng “hoàn toàn không có một lý do nào buộc Nghị viện Anh thông qua Luật trao trả phạm nhân cho nước ngoài về một vụ án chính trị”.

Đến năm 1905, Nghị viện Anh đặt lại vấn đề trục xuất ngoại kiều, nhưng cấm không được trục xuất ngoại kiều nào về tội chính trị. Đầu năm 1914, ngay hôm sau khi tuyên bố tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất, Nghị viện Anh đã thông qua đạo luật cho phép chính quyền có thể giao chính trị phạm đang lánh nạn ở nước Anh hay thuộc địa cho nước khác. Nhưng đạo luật này chỉ có giá trị thi hành trong thời gian nước Anh có chiến tranh.

Khi hết chiến tranh, đương nhiên đạo luật ấy tự nó không còn hiệu lực. Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ I, nước Anh lại vẫn thi hành những đạo luật như trước cho đến bây giờ. Chính bởi thế, không tồn tại bất cứ lý do nào để trục xuất Tống Văn Sơ.

Những viện dẫn và lập luận của luật sư là hết sức chặt chẽ, đúng luật pháp Anh quốc, tuy nhiên, tại phiên tòa cuối cùng, phiên thứ 9 họp vào ngày 12/9/1931, vị chánh án đã tuyên bố thừa nhận 4 điểm:

1. Việc bắt là trái phép

2. Việc giam là trái phép.

3. Việc hỏi cung không đúng thủ tục.

4. Chính quyền đã làm giả mạo tờ cung.

Song điều quan trọng nhất là việc trục xuất thì vị chánh tòa tuyên bố: Việc chính quyền Hương Cảng trục xuất Tống Văn Sơ là hợp pháp!

Đây rõ ràng là kiểu “cả vú lấp miệng em”!

Sinh mạng của Tống Văn Sơ còn đang treo lơ lửng, chưa biết sẽ ra sao. 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG