Vụ án Hương Cảng: Kỳ 6 - Những đóa sen nơi viễn xứ

Vụ án Hương Cảng: Kỳ 6 - Những đóa sen nơi viễn xứ
Còn nhớ, khi đồng ý nhận lời bào chữa cho Tống Văn Sơ, luật sư Lô-dơ-bi đã phải quá tam ba bận tới nhà tù thì nhà chức trách mới cho ông gặp mặt khách hàng của mình.

Chỉ sau lần gặp mặt và trò chuyện ấy, luật sư hết sức cảm phục tinh thần, tài năng, đạo đức và sự lịch duyệt của Tống Văn Sơ.

Về mặt tuổi tác, luật sư Lô-dơ-bi hơn Tống Văn Sơ chừng gần chục tuổi. Tuy nhiên, tất cả những gì toát ra từ Tống Văn Sơ khiến cho luật sư vừa quý trọng, vừa gần gũi, thân thiết rất đáng tin cậy.

Sau buổi tiếp xúc ấy, về tới nhà, luật sư vẫn còn bâng khuâng ngẫm nghĩ về nhà cách mạng Tống Văn Sơ tới mức ông quên cả việc chào vợ như mọi khi, miệng cứ lẩm bẩm thán phục ông Tống.

Thấy lạ, bà vợ sinh nghi liền thắc mắc thì ông thuật lại việc ông vừa vào trại giam gặp mặt một khách hàng mới.

Ông không ngớt lời ngợi ca Tống Văn Sơ. Thấy vậy, bà vợ ngỏ ý cũng rất muốn được tiếp xúc, làm quen với nhân vật đã chiếm được cảm tình đặc biệt của ông chồng luật sư danh tiếng.

Lần gặp tiếp sau, ông luật sư đưa vợ đi theo và để cho bà chuyện trò cùng ông Tống chừng gần hai chục phút. Chỉ với ngần ấy thời gian, bà vợ còn cảm thấy quý trọng và cảm phục ông Tống hơn cả chồng mình.

Về tới nhà, bà thúc giục chồng biện hộ thế nào để chính quyền phải phóng thích ông Tống sớm chừng nào hay chừng ấy. Cho tới phiên toà thứ 9 (12/9/1931) ông Tống bị ốm nặng.

Vợ chồng luật sư Lô-dơ-bi đã tìm mọi cách để ông Tống được vào điều trị trong bệnh viện. Từ khi ông Tống nằm viện, vợ chồng luật sư Lô-dơ-bi càng tận tình chăm sóc ân cần, chu đáo hơn đối với ông Tống như người thân ruột thịt của mình.

Vụ án Hương Cảng: Kỳ 6 - Những đóa sen nơi viễn xứ ảnh 1
Trang phục do gia đình luật sư Lô-dơ-bi chuẩn bị cho Nguyễn ái Quốc cải trang để ra khỏi Hương Cảng (ảnh tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Đặc biệt, bà vợ vì có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn chồng, nên đã thường xuyên vào thăm, chăm lo và chuyện trò cùng ông Tống. Mỗi lần vào thăm, bà thường mua hoa quả, bánh kẹo, sách báo, và điều làm cho ông Tống vô cùng cảm động là bao giờ bà vợ luật sư cũng không quên mang đến mấy bông sen-loại hoa mà ông Tống rất ưa thích.

Hương Cảng là một đảo thiếu vắng đầm, hồ, ao cho nên không thể có hoa sen. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể đưa hoa sen từ nội địa Quảng Đông tới, bởi vậy, trên đất Hương Cảng, hoa sen rất khan hiếm và đắt đỏ…

Trở lại việc Tống Văn Sơ bị cảnh sát Hương Cảng thông đồng với cảnh sát Tân-gia-ba bắt đưa về nhà tù cũ. Trên đường vào nhà tù, Tống Văn Sơ đã suy nghĩ rất nhiều.

Ông hiểu được rằng, tụi mật thám Hương Cảng cố giữ kín chuyện bắt lại này chỉ chờ dịp có tàu là áp giải mình lên tàu về Đông Dương giao cho Pháp. Chính bởi thế, phải bằng mọi cách liên lạc được với luật sư Lô-dơ-bi càng sớm càng tốt.

Trong số lính gác tại nhà tù hầu như ai cũng có cảm tình với ông Tống, nhưng có một người đã được ông Tống cảm hoá, rất đáng tin cậy. Ông Tống liền viết mấy dòng ngắn ngủi và nhờ người lính gác này trao tận tay cho luật sư Lô-dơ-bi. Người lính gác đó ngay tức khắc chuyển thư tới địa chỉ cần tìm.

Vừa nhận được tin ông Tống bị bắt lại, luật sư Lô-dơ-bi rất bàng hoàng vừa giận, vừa lo: giận vì chính quyền Hương Cảng không giữ đúng lời hứa để ông Tống tự do muốn đi đâu thì đi; lo vì tính mạng ông Tống lần này khó mà bảo toàn.

Phải bằng mọi cách cứu ông Tống ra khỏi nhà tù rồi sẽ liệu tính sau. Trong vai trò luật sư, ông Lô-dơ-bi đã chính thức gặp nhà chức trách, phê phán họ kịch liệt khi chống lại lệnh tuyên án của Cơ mật viện, để cho cảnh sát bắt lại Tống Văn Sơ một cách trái phép.

Chính quyền Hương Cảng lúc đó biết không thể giam giữ Tống Văn Sơ, nên đã phải can thiệp để Sở cảnh sát Hương Cảng thả Tống Văn Sơ sau mấy ngày giam giữ.

Việc đòi tự do cho ông Tống đã thành công, song tính mạng của ông thì vẫn chưa có cách gì đảm bảo, bởi bọn mật thám ở vùng này đa số đã biết mặt Tống Văn Sơ, chúng đều đã được phát ảnh ông Tống để theo dõi, nay nếu để ông Tống đi lại ngoài phố, chắc chắn, bọn mật thám sẽ không tha và khi cần, bọn chúng sẵn sàng thủ tiêu ông Tống để lĩnh món phần thưởng 15 ngàn đô-la mà Toàn quyền Đông Dương đã treo thưởng.

Sau một thời gian bàn tính, ông bà Lô-dơ-bi quyết định giấu ông Tống vào ký túc xá Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (Chinese Young Men Christian Association, viết tắt là CYMCA) tại Hương Cảng. Ký túc xá này dành riêng cho những người Trung Quốc theo đạo Thiên chúa giáo, là giáo sư, sinh viên, công chức.

Khu vực này là của Nhà Chung, cảnh sát Hương Cảng không được quyền vào. Nhờ mối quan hệ của mình, ông bà Lô-dơ-bi đã thu xếp cho ông Tống được ở riêng một phòng kín đáo; hàng ngày không được ra ngoài để tránh con mắt rình mò của mật thám.

Việc cơm nước, sinh hoạt hoàn toàn do bà Lô-dơ-bi lo chu tất. Được một thời gian, tuy chưa bị lộ, nhưng ông bà Lô-dơ-bi vẫn chưa yên tâm vì linh tính mách bảo nếu để ông Tống ở trong ký túc xá kia lâu, chắc chắn không chóng thì chầy, bọn mật thám sẽ đánh hơi thấy.

Bởi vậy, cả hai ông bà cùng suy tính rất nhiều phương án, và cuối cùng đã chọn phương án bất ngờ nhất: “Nơi chân đèn là nơi tối nhất”. Theo hướng dẫn của bà Lô-dơ-bi, ông Tống tự lấy dây đo kích thước chiều cao, vòng bụng vòng ngực.

Sau đó, giao cho ông Long, một người Trung Quốc rất đáng tin cậy, đang làm chủ sự (chánh văn phòng) văn phòng của luật sư Lô-dơ-bi, đi chọn mua một bộ quần áo gồm một áo dài, tay rộng, cổ đứng, cài nách và một chiếc quần.

Bà Lô-dơ-bi gói vuông vắn phẳng phiu vào một tờ báo rồi trao cho một em bé bán báo bí mật đưa vào cho ông Tống, kèm theo là mẩu giấy viết mấy dòng dặn đến 5 giờ rưỡi chiều hôm đó, mặc bộ quần áo này ra cổng đi đến chỗ bãi đất có một chiếc ô tô đợi sẵn, lên xe.

 Đúng giờ hẹn, ông Tống trịnh trọng trong y phục “giáo sư” với bộ ria mới để làm tăng vẻ đạo mạo của nhà trí thức. Trên sân lúc này các giáo sư, sinh viên đang đứng chơi đông đảo.

Ông Tống điềm tĩnh, lịch sự chào hỏi các giáo sư cũ. Các vị này tưởng là “giáo sư mới” nên cũng chào lại ông Tống một cách lễ độ. Các sinh viên thấy vậy cũng cung kính chào “giáo sư” Tống.

Ông Tống khoan thai bước ra cổng và đi tới đúng điểm hẹn thì quả nhiên đã có một chiếc xe ô tô sang trọng đỗ ở đó. Bên cạnh xe ô tô có một người châu Âu, đứng tuổi, đang cầm một quyển sổ và cây bút tính toán gì đó. Khi thấy ông Tống lại gần, người đó bèn gọi to: - Này ông thầu khoán, ông lại đây tôi bàn việc xây ngôi nhà trên mảnh đất này.

Ông Tống nhập vai rất nhanh, lại gần và sánh vai cùng ông kiến trúc sư vừa đi vừa bàn bạc công việc xây dựng. Sau khi quan sát không có dấu hiệu gì khả nghi, “kiến trúc sư” mới ra hiệu cho ông “thầu khoán” lên xe.

Chiếc xe chạy vòng vèo hết phố nọ sang phố kia, khi đã chắc chắn không có “cái đuôi” nào, “kiến trúc sư” liền cho xe chạy thẳng về nhà mình. Vị kiến trúc sư đó chính là luật sư Lô-dơ-bi.

Bọn mật thám đã không thể ngờ được rằng, người mà chúng ngày đêm theo dõi, đang hiện diện giữa trung tâm Hương Cảng, sờ sờ ngay trước mắt mà chúng không mảy may hay biết.

Ông bà Lô-dơ-bi cho gọi bồi bếp và những người giúp việc trong gia đình lên và dặn dò kỹ lưỡng là gia đình mời một quý khách là người Trung Quốc tới chơi và ở lại nhà một thời gian, ai nấy đều phải phục vụ chu tất, tuyệt đối không được để lộ cho người ngoài hay. Mọi người đều răm rắp tuân theo.

Từ đó, ông Tống ở hẳn tại nhà ông bà Lô-dơ-bi. Hàng ngày, ông dậy sớm tập thể thao, đọc sách báo, dạy học cho con gái ông bà Lô-dơ-bi tên là Pa-tơ-ri-xi-a, lúc đó khoảng 5-6 tuổi.

Dạy học xong, ông Tống thường kể chuyện cổ tích cho Pa-tơ-ri-xi-a nghe. Cô bé đặc biệt yêu quý chú Tống, suốt ngày quanh quẩn, quấn quít bên chú...

Bọn mật thám vẫn lùng sục gắt gao. Để bảo toàn cho tính mạng ông Tống, ông bà Lô-dơ-bi đã phải di chuyển chỗ ở cho ông Tống tới 3-4 lần mà vẫn chưa an tâm.

Cuối cùng, để tránh tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vợ chồng ông bà Lô-dơ-bi cùng bàn tính với ông Tống một kế hoạch rời khỏi Hương Cảng một cách “bất ngờ” nhất và “an toàn” nhất.

Muốn vậy, chỉ còn một cách duy nhất là ông Tống rời Hương Cảng với tư cách là “vị khách quý” của thống đốc Hương Cảng và phải được đảm bảo bởi chính ông thống đốc mà trước đó không lâu hạ bút ký lệnh trục xuất ông Tống, giao cho chính quyền Đông Dương! Liệu “kế hoạch không tưởng” này có thể thực hiện?

MỚI - NÓNG