Vụ bắt cóc thủy thủ tại Somalia: Gần 800.000 USD tiền chuộc

Vụ bắt cóc thủy thủ tại Somalia: Gần 800.000 USD tiền chuộc
TP - Sáng sớm 26/1, một trong số ba chiếc thuyền cá của Đài Loan bị phiến quân Somalia bắt giữ gần nửa năm qua đã được phóng thích và đã quay về Đài Loan. Tất cả tàu và người đều an toàn.

Chủ tàu Trung Nghĩa 218 cũng đã chính thức thông báo, sau các cuộc thương lượng giữa chủ tàu, cơ quan ngoại giao các bên, vào hai giờ sáng ngày 26/1/2006 (giờ Việt Nam), tàu Trung Nghĩa 218 đã đươc thả.

Tàu Tân Liên Phát 36 và Thừa Khánh Phong cũng được thả lúc năm giờ chiều ngày 29/1, sau đó đã khởi hành rời Somalia ra vùng biển quốc tế.

Cùng ngày, tàu Phong Vinh 16 của Trung Quốc bị bắt cóc ngày 28/11 tại vùng biển Somalia cũng đã được thả ngày 28/1. Ngày 2/2, tàu Phong Vinh 16 đã cập bến cảng Monbasa của Kenia để tìm sự giúp đỡ từ Đại sứ quán Trung Quốc ở đây.

Số tiền chuộc ba tàu đã được công bố. Theo thông lệ quốc tế, khi có sự cố trên tàu, chủ tàu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tin từ nhiều nguồn cho biết, chủ tàu Trung Nghĩa 218 (tàu có bốn thủy thủ Việt Nam) đã phải ủy thác một Cty hàng hải của Đài Loan có văn phòng tại Dubai, đứng ra đặt tiền chuộc cho phiến quân Somalia.

Những người đại diện đã tiến hành thương lượng và đưa tiền chuộc qua một người Somalia có quốc tịch Anh tên là Ahmed Farra. Ít nhất số tiền lót tay giao dịch khi đàm phán chuộc tàu mà chủ tàu Trung Nghĩa đã trả là xấp xỉ 60.000 USD. Nguồn tin này cũng cho biết, số tiền chuộc tàu Trung Nghĩa 218 lên tới hơn 400.000 USD.

Bởi Trung Nghĩa 218 là tàu mẹ, có thiết bị tiên tiến, có thể lọc nước ngọt, điện thoại vệ tinh, phụ trách cả phần sơ chế thuỷ sản. Hai tàu còn lại là Tân Liên Phát 36 và Thừa Khánh Phong chuyên đánh bắt cá, công suất 90 tấn, chủ hai tàu này cũng phải trả số tiền chuộc hơn 310.000 USD.

Ngoài ra, khi được trả lại, các thiết bị liên lạc trên hai tàu này đã bị phá hủy toàn bộ. Dự kiến trong tuần này, hai tàu cá này sẽ được đưa về sửa chữa tại Penang, Malaysia.

Bốn thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc trong vụ việc kể trên là Phạm Văn Hải (Minh Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa), số hộ chiếu A0870798A, xuất cảnh ngày 20/4/2005 do TCty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) đưa đi; Nguyễn Văn Phương (An Lạc - Chí Linh - Hải Dương), số hộ chiếu A1588439A, xuất cảnh ngày 20/4/2005, do CIENCO4 đưa đi; Phan Trọng Đoàn (Xuân Liên - Nghi Xuân - Hà Tĩnh), số hộ chiếu A1116627A, xuất cảnh ngày 20/4/2005, do Cty hợp tác lao động nước ngoài (LOD) đưa đi; Trương Văn Hòa (Nghi Văn - Nghi Lộc - Nghệ An), số hộ chiếu A1569584A, xuất cảnh 20/4/2005, do Cty LOD đưa đi.

Ngày 5/2/2006, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Công Bình - Giám đốc Cty LOD và ông Bùi Vĩnh Huệ - Giám đốc Cty tư vấn thiết kế công trình giao thông 497 (CIENCO4) cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã chính thức xác nhận thông tin thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc ngày 16/8/2005, tại vùng biển Somalia đã được thả tự do.

 Cục cũng đã có công văn chỉ đạo Cty LOD và CIENCO4 phối hợp với đại diện Đài Loan, chủ tàu Trung Nghĩa 218, giải quyết những vấn đề liên quan vụ việc này trên tinh thần bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp cho thủy thủ Việt Nam.

Ông Bình và ông Huệ khẳng định, sau khi tàu Trung Nghĩa 218 về đến Đài Loan, đại diện Cty LOD và CIENCO4 sẽ làm việc với chủ tàu; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các thủy thủ để giải quyết vụ việc này hợp lý, hợp tình nhất. Cuối ngày 5/2/2006, đại diện Cty LOD và CIENCO4 đã thông báo tin vui này đến các gia đình thuyền viên.

MỚI - NÓNG